TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Sản phẩm robot đầu tay của sinh viên Tạo dáng Văn Lang

(TT. Thông tin - Văn Lang, 29/3/2016) - Những sinh viên năm nhất ngành Thiết kế Công nghiệp (Tạo dáng sản phẩm) thuộc Khoa Mỹ thuật Công nghiệp trường ĐH Văn Lang, với sự hướng dẫn của thầy Vũ Tiến Đạt, vui mừng khi vừa chế tạo thành công mô hình robot theo đúng nguyên lý của Theo Jansen. Thầy trò phấn khởi: Sản phẩm "robot" đầu tiên của khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Văn Lang đấy nhé!

Sản phẩm sáng tạo ngoài giờ học

Nghe tin sinh viên năm nhất ngành Thiết kế Công nghiệp chế tạo robot, không ít người quan tâm, càng bất ngờ hơn khi biết đây là sản phẩm "bonus" từ môn học Vẽ Kỹ thuật, do thầy Vũ Tiến Đạt giảng dạy. Môn Vẽ Kỹ thuật với thời lượng 45 tiết, nhưng chỉ qua tiết 20 là lớp Tạo dáng K21 đã hoàn thành đảm bảo đủ nội dung của chương trình môn học. Từ tuần học thứ 2 (tiết 24), sinh viên được giới thiệu và hướng dẫn về nguyên lý của Theo Jansen. Thầy Đạt chia sẻ: "Sau khi hoàn thành tốt các bài tập của môn học, lớp học rất tốt. Sinh viên có nhiều cố gắng, nỗ lực, và rất thích thú về mặt dựng hình học, các bài toán hình học động. Và tôi đã gợi ý để sinh viên thực hiện nguyên lý của cơ cấu Theo Jansen."

tao dang k21 robot 001Lớp Sinh viên ngành Tạo dáng khóa 21 có 20 bạn, được đánh giá sức học tốt và đồng đều. Ảnh: lớp K21-TD trong giờ học Vẽ Kỹ thuật tại phòng B107, Cơ sở 2 (sáng 23/3/2016).

Từ tuần học thứ 3 (tiết 40), 4 nhóm sinh viên bắt đầu lên ý tưởng thực hiện mô hình, nhưng hiện chỉ có một nhóm chế tạo thành công, theo đúng nguyên lý. Đó là hai cô bạn: Trần Ngọc Minh Thư và Ngô Như Huỳnh. (giai đoạn đầu còn thêm bạn Gia Hào, nhưng do phương tiện đi lại bất tiện nên không tham gia tiếp được).

Hai cô bạn Thư và Huỳnh hoàn thành tốt bài tập về nguyên lý một cách chuẩn xác bằng dụng cụ thước và compa, rồi sau đó chuyển những kích thước hình học thành các bài tập cụ thể, đó là mô hình. Ngay sản phẩm đầu tiên các bạn đã hoàn thành tốt, thực hiện đúng các nguyên lý về mặt cơ học và động hình học.

tao dang k21 robot 002Theo Jansen (sinh năm 1948, người Hà Lan) là một kỹ sư khí động học, nổi tiếng với những thiết kế mô hình robot bằng gỗ di chuyển được nhờ sức gió. (Ảnh: Twiter - Theo Jansen)

tao dang k21 robot 002Dự án mô hình robot làm bằng ống điện công phu nhất của Theo Jansen ấp ủ trong 16 năm, với tên gọi "Strandbeest" - như một sinh vật khổng lồ có thể tự di chuyển nhẹ nhàng trên biển.

Nguyên lý hoạt động của robot khá giống piston, nhưng thay vì chuyển động lên xuống trở thành chuyển động tròn, thì nay là từ chuyển động tròn trở thành chuyển động bước. Ban đầu các nhóm sinh viên Tạo dáng Văn Lang được hướng dẫn làm theo nguyên lý động hình học, về miếng cứng, về chuyển động của bước chân, các bước lê và độ cao khi nhấc chân của robot. Minh Thư kể: "Tụi em cứ dần dần làm từng bước, ban đầu là tự cho kích thước thôi, không tính toán gì nhiều, sau đó mới hoàn thiện các thông số sao cho tối ưu nhất. Nhóm vừa làm vừa tự rút kinh nghiệm, thêm lời nhận xét tận tình của thầy Đạt, các mô hình về sau được cải thiện tốt dần hơn. Bên cạnh sự giúp đỡ của thầy Đạt, trong quá trình làm mô hình thứ 3, tụi em còn được chú Sỹ và các chú phòng Phục vụ học đường 4 hỗ trợ nhiều qua từng giai đoạn. Cảm ơn các thầy rất nhiều!"     

tao dang k21 robot 004Trần Ngọc Minh Thư và Ngô Như Huỳnh cùng thầy hướng dẫn Vũ Tiến Đạt tự hào về sản phẩm robot đầu tay.

tao dang k21 robot 004Một sản phẩm mô hình "phiên bản lỗi" khác trong lớp. Nguyên lý chế tạo mô hình không khó nhưng nếu không cẩn thận thì rất dễ sai.

Trước khi hoàn thành mô hình sản phẩm chính thức làm bằng gỗ, nhóm Thư - Huỳnh đã làm hai sản phẩm demo bằng giấy bìa. Hiện tại, hai mô hình giấy đã được lưu giữ, mô hình thứ ba di chuyển được khá nhiều, việc gia công có chút sai sót nên đang được gia cố lần 3. Nhóm sẽ tập trung điều chỉnh lại vài trục trặc nhỏ để hoàn thành chuẩn xác nhất phần nguyên lý.

tao dang k21 robot 006Mô hình đầu tiên hoàn thành trong 12 tiếng đồng hồ để cắt, đục lỗ và ráp, với khởi đầu là những tờ bìa, những que gỗ, thanh nhôm cắt nhỏ rồi uốn cong.

tao dang k21 robot 006Mô hình thứ hai làm trong 9 tiếng, với những vật liệu thay thế ở các khớp chân để gia cố nên vững chãi hơn.

tao dang k21 robot 006Mô hình thứ ba làm trong 5 ngày với vật liệu là gỗ nên gặp khó khăn hơn nhiều khi gia công, phải tính số liệu trước rồi mới đánh dấu các kích thươc, cưa, mài từng đoan.

Nói về hướng đi mới cho ngành Tạo dáng Văn Lang

Nguyên lý Theo Jansen đã tạo cảm hứng cho nhiều thiết kế mô hình trên thế giới, với những cải tiến linh động. So với các robot đó, sản phẩm của nhóm sinh viên năm nhất ngành Tạo dáng Văn Lang còn rất giản đơn và khiêm tốn. Nếu được hỗ trợ thêm về kinh phí,các bạn có thể hoàn chỉnh mô hình thành một sản phẩm cụ thể điều khiển từ xa - một robot thực thụ.

tao dang k21 robot 009Mô hình robot cơ khí do một viện nghiên cứu ở Ấn Độ chạy thử nghiệm

tao dang k21 robot 009Mô hình robot cỡ lớn do Silas Ulbrich (Đức) chế tạo năm 2012 dựa trên nguyên lý Theo Jansen.

tao dang k21 robot 011Cỗ xe ngựa đặc biệt do Ron Schroer (Mỹ) chế tạo năm 2015.

Nhắc đến chế tạo robot, người ta thường nghĩ đến ngành Cơ điện tử, Kỹ thuật cơ khí, kết hợp với Công nghệ thông tin... ở các trường chuyên về khối ngành Kỹ thuật. Thế nên khi biết sản phẩm robot (dù chưa có động cơ tự động) do sinh viên năm nhất ngành Thiết kế Công nghiệp, Văn Lang tạo ra, nhiều người thật sự bất ngờ! Điều đặc biệt mà hai bạn Minh Thư và Như Huỳnh đã làm được là xuất phát từ thế mạnh của ngành Tạo dáng để chế tạo nên một sản phẩm công nghệ. Các bạn dùng những dụng cụ truyền thống (thước eke và compa) để dựng hình học, nghiên cứu về mặt hình học để tìm ra những kích thước cơ bản và làm đúng những tạo dáng nhưng không thông qua máy vi tính.  

tao dang k21 robot 012Mô hình 3D của cơ cấu Theo Jansen trên máy tính. (Hình: Internet)

Ở một số trường đại học, viên nghiên cứu trên thế giới (như ở Tây Ban Nha, Ấn Độ,...), ngành Tạo dáng được đặt trong ngành cơ khí, bao gồm nghiên cứu chế tạo robot. Đây cũng có thể là một hướng đi đang bắt đầu được nói đến, dành cho sinh viên ngành Tạo dáng Văn Lang. Trải nghiệm trong lần đầu tự tay chế tạo robot bằng gỗ, ngồi cưa từng mấu khớp, lắp ráp từng bộ phận... chắc chắn đã cho các bạn sinh viên khóa 21 ngành Thiết kế Công nghiệp nhiều kinh nghiệm và cảm xúc. Hơn hết, từ một thử nghiệm nhỏ, các bạn sẽ thêm tự tin tiếp cận với những mô hình, công nghệ, nguyên lý mà các nước trên thế giới đang hướng đến.   

Bích Phương 


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag