(TT. Thông tin - Văn Lang, 16/3/2016) - Sáng 09/3/2016, Hội thảo khởi động Dự án ENTIRE được Khoa Công nghệ & Quản lý Môi trường Trường ĐH Văn Lang phối hợp với ĐH Wageningen (Hà Lan) tổ chức (tại Khách sạn Liberty, 59 Pasteur, Q.1). Đây là hội thảo quan trọng nối tiếp hội thảo "Phát triển công nghiệp ở các đồng bằng của Việt Nam thông qua cung cấp nguồn nước ngọt bền vững"đã diễn ra ngày 09/7/2015, đánh dấu điểm khởi đầu triển khai thực tế chính thức của Dự án.
Với những đóng góp tích cực của các chuyên gia nhận được từ Hội thảo ngày 09/7/2015, Dự án ENTIRE đã hoàn thiện đề cương, bảo vệ thành công trước Tổ chức Nghiên cứu khoa học Hà Lan và được cấp kinh phí. Hội thảo khởi động Dự án ENTIRE sáng 09/3/2016 nhằm giới thiệu Ban quản lý Dự án; thảo luận về vai trò, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện và kinh phí thực hiện Dự án.
Chủ trì và tham dự Hội thảo có: TS. Jan Vreeeburg (Viện nghiên cứu chu trình nước KWR, Hà Lan), TS. Judith Van Leeuwen (Nhóm chính sách môi trường, ĐH Wageningen), TS. Trần Thị Mỹ Diệu, TS. Lê Thị Kim Oanh (khoa Công nghệ & Quản lý Môi trường, Trường ĐH Văn Lang), TS. Huỳnh Ngọc Phương Mai, Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Ông Nguyễn Trí Nam (Trung tâm Công nghệ và Quản lý Môi trường - ETM), ThS. Lê Nguyễn Quế Hương (Văn phòng Biến đổi khí hậu - Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM), ThS. Phạm Thanh Trực (Phòng Quản lý Môi trường - Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Tp.HCM - HEPZA), TS. Nguyễn Thị Phương Loan, ThS. Nguyễn Kim Thanh (Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng về Công nghệ & Quản lý Môi trường - CENTEMA), đại diện Công ty cổ phần Long Hậu, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước, Văn phòng Biến đổi khí hậu Cần Thơ. Nhiều thành viên tham dự hội thảo vừa thay mặt cho các trung tâm nghiên cứu, vừa đồng thời là giảng viên khoa CN & QL Môi trường của nhà trường.
Dự án ENTIRE nhằm mục tiêu chính là tìm ra giải pháp về công nghệ cung cấp nguồn nước ngọt bền vững cho con người.
Reduce - giảm sử dụng nước
Reuse - tái sử dụng nước
Resource - tìm nguồn tài nguyên mới, tận dụng những nguồn nước hiện tại chưa sử dụng
Dự án tập trung vào 2 vấn đê
(1) Nghiên cứu về khoa học để tìm ra giải pháp công nghệ tái sử dụng nước thải sau khi xử lý và nước mặn trước nay chưa sử dụng. Công nghệ Hà Lan đã nghiên cứu được khi ứng dụng ở Việt Nam sẽ bị gặp những rào cản gì, và cách giải quyết ra sao.
(2) Nghiên cứu giải pháp về quản trị, vai trò phối hợp giữa các cơ quan đào tạo (trường ĐH, trung tâm) và địa phương khi áp dụng các giải pháp về công nghệ vào thực tế.
Từ các báo cáo của Hội thảo lần trước (báo cáo của HEPZA, báo cáo của Ban quản lý khu kinh tế Long An, Ban quản lý khu công nghiệp Cần Thơ, Long Hậu, Hiệp Phước), Dự án đã xác định các vấn đề cần tập trung giải quyết là: tận dụng rất nhiều ao đất sẵn có ở Long An để thu gom nước mưa; tái sử dụng lượng nước thải rất lớn ở Hiệp Phước; kiểm soát việc khai thác nước ngầm ở Cần Thơ để tránh nguy cơ sụt lún và thiếu hụt nguồn nước ngầm trong tương lai, chuyển nguồn nước lợ của sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây thành nguồn nước ngọt để sử dụng, v.v.. Ngoài ra, Dự án còn cần xem xét chi phí công nghệ để tăng tính cạnh tranh với giá nước ngọt hiện nay, đảm bảo tiêu chuẩn nước ngọt của Việt Nam và khuyến khích người dân sử dụng nước đủ chuẩn an toàn.
Từ sau Hội thảo khởi động Dự án ENTIRE, Ban quản lý Dự án sẽ tiến hành phỏng vấn và lựa chọn chuyên gia nghiên cứu trong vài tuần tới, bắt đầu triển khai khảo sát giai đoạn 1, và dự kiến tổ chức Hội thảo lần 1 vào tháng 10, 11/2016 để thông báo chi tiết những kết quả đầu tiên, cũng như thu nhận những phản hồi để củng cố mạng lưới các tổ chức tham gia trong Dự án.
Bích Phương