(TT. Thông tin – Văn Lang, ngày 15/8/2015) – Chương trình đào tạo bậc đại học ngành Kỹ thuật Phần mềm tại Trường ĐH Văn Lang chuyển giao từ Carnegie Mellon University – CMU, đại học hàng đầu Hoa Kỳ về khoa học máy tính theo xếp hạng của U.S News & World Report, 2014. Tại giảng đường đại học, Sinh viên đã được rèn luyện tư duy và thái độ rộng mở để phát triển nghề nghiệp trong bối cảnh ngành Công nghệ Thông tin đang vận động mạnh mẽ.
Chương trình là điểm mạnh
Chương trình ngành Kỹ thuật Phần mềm tại Văn Lang đào tạo theo chuẩn CMU, tích hợp 4 nhóm kỹ năng: Kỹ thuật cơ bản (Foundational Technical Skills), Quản trị kinh doanh (Business Managemrnt Skills), Chuyên ngành kỹ thuật (Technical Speciality Skills), và Tính chuyên nghiệp (Professional Skills). Chính vì vậy, Sinh viên tốt nghiệp có thể làm tốt công việc ở nhiều vị trí, với những hướng làm việc khác nhau về kỹ thuật, quản lý nhu cầu khách hàng hoặc thậm chí là tổ chức nhân sự. Thay vì tập trung vào lập trình hay kiểm thử, 4 năm học tại Văn Lang cho phép sinh viên có một tầm nhìn hệ thống: quy trình phát triển phần mềm bao gồm những bước nào? Cần phải làm gì? Sắp xếp thời gian như thế nào? Vai trò của người làm phần mềm trong dự án là gì? Sinh viên sẽ tự trả lời được tất cả những điều đó qua các môn học chuyển giao từ CMU.
Đề tài tốt nghiệp - Capstone Project - của Sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm theo chuẩn CMU tại Văn Lang kéo dài 30 tuần. Sinh viên trải nghiệm quá trình thực hiện một dự án phần mềm theo đúng quy trình chuẩn quốc tế từ phân tích yêu cầu dự án, thiết kế và thực hiện. Nhà trường mời các doanh nghiệp phần mềm đặt hàng và chất vấn trực tiếp các nhóm dự án trong buổi bảo vệ tốt nghiệp. Nhờ vậy, sinh viên ra trường không phải đào tạo lại mà có thể bước vào quá trình làm việc trực tiếp tại các công ty phần mềm.
Chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, vì vậy, trình độ ngoại ngữ của Sinh viên được cải thiện nhanh chóng. Trong các buổi làm việc tại Văn Lang, các tên tuổi lớn của ngành phần mềm thế giới đang công tác ở CMU đã quen với việc đối thoại cùng Sinh viên mà không phải thông qua phiên dịch. Nhờ trình độ Anh ngữ ngày càng cải thiện, Sinh viên có khả năng tiếp xúc với tài liệu chuyên ngành từ nước ngoài, từ đó nghiên cứu tri thức mới một cách tự giác, độc lập. Thói quen tự nghiên cứu sẽ giúp ích rất nhiều cho các kỹ sư phần mềm tương lai, khi kỹ thuật công nghệ thông tin đang biến chuyển từng phút.
Môi trường học tập là yếu tố quyết định
So với ngành Công nghệ Thông tin ở các trường đại học khác, ngành Kỹ thuật Phần mềm ở Văn Lang lấy điểm đầu vào ở mức tương đối. Nhiều sinh viên vào học ngành Kỹ thuật Phần mềm khi chưa hiểu hết tính hiện đại và ưu thế của chương trình CMU. Nhưng môi trường học tập thân thiện, sự tận tình của đội ngũ giảng viên đã khơi dậy và nuôi dưỡng đam mê phần mềm ở các bạn trẻ. Nhiều sinh viên khi học không sở hữu bảng điểm thật sự cao nhưng nhờ thái độ học hỏi không ngừng và kiên trì theo đuổi mục tiêu nên đã gặt hái những thành tích cho riêng mình: Tăng Thanh Tâm, Cựu Sinh viên khóa 2007-2011, năm thứ 3 bắt đầu viết phần mềm học tiếng Anh từ nhu cầu cá nhân và sau đó thương mại hóa thành phần mềm Ettip, số lượt tải về hơn 60.000 bản, chưa kể số lượt tải lại trên các trang dịch vụ; Ngụy Như Huy Sơn, Cựu Sinh viên khóa 2010-2014, điểm đầu vào chỉ vừa vặn 13.0, nay là Project Leader của một dự án đã hoàn thành 80%...
Trong những bạn thí sinh đến đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào ngành Kỹ thuật Phần mềm, nhiều bạn nhất quyết chỉ ghi Kỹ thuật Phần mềm vào Ngành ưu tiên 1, nhất quyết không ghi thêm ngành nào khác, nhiều bạn nói ngay với chuyên viên tư vấn tuyển sinh rằng đã tìm hiểu về chương trình học trên website Văn Lang. Có lẽ niềm đam mê đó sẽ là khởi đầu và làm cho hành trình trở thành Kỹ sư Phần mềm của các bạn có nhiều thú vị. ThS. Bùi Quốc Nam, Phó Giám đốc Dự án CMU tâm sự: "Mọi công việc đều có nhiều giá trị khác nhau. Danh tiếng có thể là động lực của một vài SV; có em đến với phần mềm để cho “man”, vì mục đích thương mại… Nhưng hầu hết đều bắt đầu từ sự thích thú. Người ta mê toán vì hiểu được vẻ đẹp của các con số. Người ta mê phần mềm vì say vẻ đẹp của một phần mềm được viết tốt, chính xác và mượt mà. Trong các môn học của CMU có môn Kiến trúc phần mềm, cũng giống như kiến trúc thông thường là thiết kế một ngôi nhà đẹp, Kiến trúc phần mềm là xây dựng một phần mềm đẹp khiến người dùng say mê khám phá. Chính niềm đam mê đó sẽ dẫn các em đến thành công thực sự."
“Tôi đã xem kỹ, trong chương trình của CMU dạy ở Văn Lang có một số môn học doanh nghiệp rất cần nhưng tôi chưa thấy bất cứ trường nào khác trong nước giảng dạy, ví dụ các môn học: Requirements Engineering, Software Process & Quality Management, Software Measurement & Analysis, Software Architecture & Design…”
Bảo Linh