(TT. Thông tin – Văn Lang, 15/03/2015) – Từ ngày 01 – 11/04/2015, Trường ĐH Văn Lang kết hợp cùng Hội Mỹ thuật Tp.HCM lần đầu tiên tổ chức trại sáng tác mỹ thuật với chủ đề “Đồ họa với nghệ thuật đương đại Việt Nam”, quy tụ 41 họa sỹ đến từ nhiều miền đất nước.
Trại sáng tác là hoạt động thường niên do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, với những nội dung đề tài sáng tác phù hợp với từng năm.
Năm nay, Hội Mỹ thuật Tp.HCM tổ chức 8 trại sáng tác ở nhiều địa phương trên cả nước: Đồng Nai, Bạc Liêu, Đà Nẵng, Hội An, Huế, Phú Quốc,… Tại Tp.HCM, Trường ĐH Văn Lang là đơn vị đăng cai tổ chức Trại sáng tác Đồ họa 2015.
Trại sáng tác Đồ họa Tp.HCM lần thứ 5 được tổ chức gồm 41 họa sỹ là thành viên tham dự, trong đó có 13 họa sỹ là giảng viên khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường ĐH Văn Lang. Đây là một Workshop chuyên nghiệp, mang tính nghiên cứu về chất liệu chuyên ngành Đồ họa, hơn nữa còn là một cơ hội giao lưu nghề nghiêp giữa các họa sỹ đồ họa đến từ nhiều tỉnh thành (Tp.HCM, Hà Nội, Huế, Tiền Giang, Bình Dương, Đăk Lăk)
Trong dòng chảy của nghệ thuật đương đại Việt Nam, đặc biệt ở Tp.HCM, nghệ thuật đồ họa phát triển mạnh, có sức hút lớn ngay với cả những nghệ sỹ hội họa ngành khác. Trại sáng tác Đồ họa 2015 được tổ chức tại Trường ĐH Văn Lang trong bối cảnh các trường ĐH Mỹ thuật trên cả nước đang tích cực đổi mới nội dung phương pháp giảng dạy chuyên ngành Đồ họa và tham khảo học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật in ấn đồ họa tạo hình nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động dạy học.
Trong 5 năm qua, Hội Mỹ thuật Tp.HCM đã phối hợp với các họa sỹ từ Hà Nội và Huế đến hướng dẫn nhiều kỹ thuật mới. Trại sáng tác Đồ họa 2015 tiếp tục giới thiệu các kỹ thuật chất liệu ứng biến từ loại hình khác vào loại hình nghệ thuật Đồ họa trúc chỉ; ứng dụng các phương tiện, kỹ thuật mới trên các chất liệu đồ họa sẵn có: Lithograph trên bản nhôm opset, Gum print, Collagraph, Độc bản đồ nét.
Trại sáng tác Đồ họa 2015 được khai mạc vào sáng ngày 01/04/2015, tại Cơ sở 2 Trường ĐH Văn Lang (233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh). Từ chiều ngày 01/04, các trại viên sẽ tham gia 5 lớp học đặc biệt hướng dẫn các kỹ thuật đồ họa mới.
Kỹ thuật làm giấy Trúc Chỉ
Hướng dẫn viên: HS. Phan Hải Bằng (Huế) – Chiều 01/04
Trúc chỉ nôm na nghĩa là “giấy tre”, vừa là kỹ thuật cổ truyền của dân tộc, vừa kết hợp hài hòa giữa nghề truyền thống và kiến thức trong chế bản in tranh.
HS. Phan Hải Bằng sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm đã có những đột phá về kỹ thuật làm giấy Trúc Chỉ, xuất phát từ ý niệm trở về với văn hóa dân tộc. Những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng từ giấy Trúc Chỉ là sự kết hợp thẩm mỹ giữa ý tưởng họa sỹ, hình thức, công năng và nội dung thông điệp
Kỹ thuật Độc bản đồ nét
Hướng dẫn viên: HS. Nguyễn Nghĩa Phương (Hà Nội) – Sáng 02/04
Trại sáng tác Đồ họa 2015 trang bị 3 máy in nén trục lăn chuyên dụng để thực hiện kỹ thuật độc bản đồ nét với hướng dẫn của HS. Nguyễn Nghĩa Phương – họa sỹ đồ họa, tiến sỹ nghệ thuật chuyên nghiên cứu về tranh in và in độc bản.
In độc bản là phương pháp in đồ họa chỉ cho ra một tranh duy nhất. Tranh in độc bản có lịch sử phát triển lâu đời từ đầu thế kỷ 17 ở phương Tây, và trở thành một trong 5 thể loại cơ bản của nghệ thuật tranh in được nhiều họa sỹ trên thế giới ưa chuộng thực hành. Sự xuất hiện tranh in độc bản ở Việt Nam rất muộn, chính thức từ năm 1994 qua trại sáng tác tranh in tổ chức tại Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam. Từ năm 2004, in độc bản mới thực sự được phổ biến rộng rãi và được công nhận chính thức tại các triển lãm, cuộc thi mỹ thuật có quy mô lớn.
Kỹ thuật Lithograph trên bản nhôm offset
Hướng dẫn viên: HS. Lê Huy Tiếp (Hà Nội) – Chiều 02/04
Đây là một phương pháp in hoàn toàn mới, không dựa trên sự chênh lệch về độ cao giữa chỗ in và không in, ra đời từ năm 1976. Do ban đầu người ta dùng vật liệu là đá vôi nên nó có tên là “phương pháp in thạch bản” (In Litho). Sau này, người ta thay thế chất liệu khuôn in sang kẽm, rồi nhôm – mỏng, nhẹ, giúp tăng năng suất in. Ngày nay gần như tất cả các máy in dùng bản in phẳng đều dùng kiểu in gián tiếp này, gọi là “in offset” (tên đầy đủ là In Litho-Offset).
Kỹ thuật Lithograph trên bản nhôm offset được hướng dẫn bởi HS. Lê Huy Tiếp – nguyên Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông từng tham gia giảng dạy về kỹ thuật in lụa và in khắc kẽm tại Khoa Mỹ thuật Công nghiệp, trường ĐH Văn Lang (1/2013)
Kỹ thuật Gum print
Hướng dẫn viên: HS. Nguyễn Phú Hậu (Tp.HCM) – Sáng 03/04
Gum print là một thủ pháp đồ họa được phát triển từ công nghệ in lụa, được giới thiệu tại Trại Sáng tác Đồ họa Huế lần 2 – 6/2014. Đây là cách làm khoa học, thông minh, đơn giản, có thể thực hiện hoàn toàn thủ công và mang lại hiệu quả bất ngờ. HS. Nguyễn Phú Hậu giới thiệu danh sách và nơi tìm mua nguyên vật liệu cho các trại viên, gồm: Keo PVA, Bicromat, màu bột pha sẵn các loại, cọ, giấy canson, 2 tấm kính để chụp bản, các kẹp sắt,…
Sau khi thực hiện các bước pha dung dich, vẽ, sấy khô giấy vẽ, đặt phim, giấy can đã có hình vẽ áp lên mặt giấy vẽ vừa sấy khô xong, đặt vào giữa hai tấm kinh, kẹp chặt các góc cạnh, hai tấm kính được đem phơi dưới ánh sáng trời. Mặt giấy đem vào xịt nước, sẽ hiện ra hình vẽ, hoa văn độc đáo
Kỹ thuật Collagraph
Hướng dẫn viên: HS. Trần Văn Quân (Tp.HCM) – Chiều 03/04
Collagraph (in lõm đắp nổi) là một kỹ thuật in mới du nhập vào Việt Nam. Bản Collagraph có cách in giống với một bản khắc acid, nhưng tiến trình cũng bao gồm những nguyên tắc cơ bản của in đắp nổi. Bản in có thể được làm từ gỗ hoặc bìa cứng hoặc các chất liệu khác.
HS. Trần Văn Quân hiện là Trưởng ngành Đồ họa, Hội Mỹ thuật Tp.HCM; hiện đang giảng dạy tại Khoa Đồ họa, Trường ĐH Mỹ thuật Tp.HCM. Ông là họa sỹ chuyên về nghệ thuật khắc gỗ, với nhiều tác phẩm nhận được giải thưởng cao.
6 ngày thực hành…
Đối với đồ hoạ, kỹ thuật là quan trọng, bởi nó là phương tiện truyền tải thành công ý tưởng, tình cảm của tác giả đến người xem, đồng thời quyết định chất lượng nghệ thuật của tác phẩm. Sau 5 buổi khá thong thả nghe hướng dẫn lý thuyết, từ ngày 04 – 09/ 04/2015, 41 trại sinh chuyên tâm thực hành kỹ thuật. Sự phong phú về hình thức, chất liệu, kỹ thuật và nội dung của đồ họa tạo nguồn cảm hứng mới trong sáng tạo nghệ thuật đối với các họa sỹ, giảng viên.
Bên cạnh màu áo xanh lam của trại sinh năm nay, màu áo đỏ của SV – tình nguyện viên ngành Thiết kế Đồ họa, Trường ĐH Văn Lang giúp trại sáng tác thêm nổi bật. Các họa sỹ niềm nở chỉ dạy cho SV kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, và tỏ vẻ hài lòng khi thấy thế hệ trẻ có ý thức đam mê tìm tòi trong sáng tạo nghệ thuật.
Trưng bày thành quả
Ngày 10/04, các họa sỹ trưng bày tranh tại Họa thất lầu 7, CS2 Trường ĐH Văn Lang. Buổi lễ bế mạc trại sáng tác diễn ra vào buổi tối cùng ngày. Bà Phan Gia Hương – Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, HS. NGND Uyên Huy – Chủ tịch hội Mỹ thuật Tp.HCM, HS. Lê Xuân Chiểu – Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Đồ họa Hội Mỹ thuật VN, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Tp.HCM, HS. Siu Quí – Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Tp.HCM, bà Lê Minh Loan – Chánh văn phòng Hội Mỹ thuật Tp.HCM, TS. Nguyễn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, TS. Trương Phi Đức – Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật Tp.HCM, đã có mặt để cùng chia vui và tham quan các thành quả sáng tác.
HS. Trần Văn Quân tổng kết Trại sáng tác và nhận định: với 5 kỹ thuật đồ hoạ được phổ biến, hầu hết các họa sỹ đã nắm bắt kỹ lưỡng và thực hành thành thạo, ít nhất mỗi tác giả đã có 5 tác phẩm trở lên có chất lượng. Các tác phẩm triển lãm tại buổi tổng kết có giá trị nghệ thuật cao, nhiều tác phẩm độc đáo, ấn tượng. Trại sáng tác đã thu được 88 tác phẩm tranh in và nhiều tác phẩm là tranh, đèn trúc chỉ, bao gồm nhiều kỹ thuật, chất liệu và phương thức thể hiện khác nhau. Các tác phẩm từ trại sáng tác sẽ được trưng bày tại Hội Mỹ thuật TPHCM từ ngày 21/4 đến ngày 5/5 nhân dịp chào mừng Đại hội Hội Mỹ thuật Tp.HCM (nhiệm kỳ 2015 – 2020) và kỷ niệm chào mừng 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Vũ Bạch Hoa (Hà Nội), Biển lặng, Monoprint
Võ Ánh Xuân Thương (Tp.HCM), Tự tình, Gum print
Nguyễn Huy Lộc (Đak Lak), Chân dung đương đại, Lithograph
Vũ Hiền (Tp.HCM), Gà trống nuôi con, Trúc chỉ
Trần Văn Quân (Tp.HCM), Tràng, Collagraph
Lê Phương Đông (Tp.HCM), Trở về tuổi thơ, Litho Nhôm
Nguyễn Hoàng Tuấn (Tp.HCM), Phụ nữ, In lụa
Hồ Thị Phương Thảo (Huế), Xuân tình, Monoprint
Nguyễn Thị Hồng Phương (Hà Nội), Chân dung, Độc bản đồ nét
Hoàng Anh (Tiền Giang), Vui Tết, Khắc gỗ
Trại sáng tác “Đồ họa với nghệ thuật đương đại Việt Nam” đã khép lại thành công. Sáng tác và đào tạo là hai con đường song hành. Trại sáng tác không đơn thuần chỉ là nơi để sáng tác mà còn để nghiên cứu học thuật, khơi gợi lòng yêu nghề của SV ngành Thiết kế Đồ họa Trường ĐH Văn Lang. Trại sáng tác Đồ họa 2015 cũng là một trong những hoạt động ý nghĩa hướng đến chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập và phát triển Trường ĐH Văn Lang (1995 – 2015).
Ảnh: Anh Long, Đào Duy, Phương Thảo, BP.