TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Hội thảo Quốc tế: “Du lịch có trách nhiệm – Mối quan hệ và lợi ích”

(TT. Thông tin – Văn Lang, 13/4/2015) – Từ ngày 08 – 11/4/2015, Khoa Du lịch, Khoa Công nghệ & Quản lý Môi trường Trường ĐH Văn Lang phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre, Sở VH-TT&DL tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo quốc tế, chủ đề “Du lịch có trách nhiệm – mối quan hệ và lợi ích”.

Đề tài về du lịch và mối quan hệ với tự nhiên, xã hội, cộng đồng đã được Khoa Du lịch Trường ĐH Văn Lang nhắc đến xuyên suốt từ Hội thảo đầu tiên tổ chức tại Mũi Né (Bình Thuận) vào năm 2003, sau đó là những Hội thảo về Du lịch cộng đồng, Du lịch bền vững tại Ninh Thuận, Bến Tre các năm 2008, 2010… Hội thảo quốc tế năm 2015 tiếp tục mạch chủ đề này, xoay quanh một khái niệm bước đầu đang được tiếp nhận rộng rãi tại Việt Nam: du lịch có trách nhiệm.

Tham dự phiên khai mạc Hội thảo tổ chức tại Trụ sở Trường ĐH Văn Lang, có bà Nguyễn Thị Khánh – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Tp.HCM, bà Võ Ngọc Điệp – Phó Trưởng phòng Lữ hành, Sở Du lịch Tp.HCM; và các nhà khoa học đến từ Pháp (GS.TS. Jean-Marie Breton - ĐH Les Antilles, nhà địa lý học Frederic Desglis – Tổ chức Oxalis Scop), Canada (TS. Yann Roche – ĐH UQAM), Hà Lan (TS. Joost C.L. Buuren – ĐH Wageningen), Việt Nam (Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Mở Tp.HCM, Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Hutech…).
Về phía trường ĐH Văn Lang, có TS. Nguyễn Đắc Tâm, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Hiệu trưởng nhà trường; TS. Trần Thị Mỹ Diệu, trưởng khoa Công nghệ và quản lý Môi trường; TS. Võ Sáng Xuân Lang, trưởng khoa Du lịch, và các giảng viên của trường.

hoi thao du lich co trach nhiem 001Các nhà khoa học tham gia Hội thảo quốc tế "Du lịch có trách nhiệm - Mối quan hệ và lợi ích" (Trường ĐH Văn Lang, 08/4/2015)

TỪ DU LỊCH XANH ĐẾN DU LỊCH CÓ TRÁCH NHIỆM VÀ DU LỊCH BỀN VỮNG
Từ đầu thế kỷ 21 thế giới bắt đầu nhận thức những ảnh hưởng tiêu cực của du lịch đối với môi trường, văn hóa và xã hội. Các nhà vận động cho bảo vệ môi trường đã lên tiếng, theo sau là các chuyên gia và du khách. Du lịch xanh thay đổi thành du lịch sinh thái thông qua những cố gắng chung của nhiều nhân tố.
Ý tưởng chính của du lịch sinh thái: nhận thức bảo vệ môi trường và văn hóa của các điểm tham quan, việc tiêu dùng “thông minh” các sản phẩm du lịch để mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng.
Tiến trình nhận thức dẫn đến giai đoạn trách nhiệm và phát triển bền vững trong du lịch:
hoi thao du lich co trach nhiem 002
Nếu du lịch xanh là một trong những loại hình du lịch hiện được ưa chuộng nhất ở Việt Nam, thì du lịch sinh thái – với các nguyên tắc về đạo đức và giáo dục – là một xu hướng. Trên cơ sở đó, tinh thần trách nhiệm và sự bền vững được đưa vào chính sách phát triển hoạt động du lịch của các quốc gia.
Khái niệm “trách nhiệm” mang trong mình tính chất mối quan hệ của tất cả các tác nhân: khách du lịch, cộng đồng, chính quyền địa phương, trung ương. Từ việc tôn trọng môi trường và tôn trọng những người khác, các nhân tố sẽ cùng hưởng lợi ích. Đó cũng là một nhận thức mới đang được vẽ lên cho một thế giới tốt hơn.
TS. Võ Sáng Xuân Lan (Trưởng Khoa Du lịch Trường ĐH Văn Lang)

Hội thảo Quốc tế “Du lịch có trách nhiệm – Mối quan hệ và lợi ích” một lần nữa xác định mục tiêu của phát triển du lịch: phát triển theo hướng bền vững, có trách nhiệm, với mục tiêu mang lại lợi ích cho cộng đồng. Với 29 tham luận đóng góp cho Hội thảo, các chuyên gia đã giới thiệu những nghiên cứu điển hình với nhiều “trường hợp du lịch” khác nhau, hoặc nhìn nhận xu hướng du lịch có trách nhiệm dưới nhiều góc độ (văn hóa, môi trường, lịch sử…)

GS.TS. Jean-Marie Breton nghiên cứu điển hình du lịch ở quần đảo Guadeloupe (Pháp), xác định mối quan hệ giữa số lượng khách và mức độ dễ bị tổn thương của khu vực ven biển, và khẳng định chính sách đô thị hóa du lịch sẽ hỗ trợ du lịch sinh thái có trách nhiệm. PGS. Đoàn Thị Mỹ Hạnh – Trường ĐH Mở Tp.HCM giới thiệu một mô hình du lịch có trách nhiệm: Du lịch nhà vườn ở Bến Tre. TS. Yann Roche và các cộng sự đặt lại vấn đề về dự án du lịch sinh thái Nam Ha tại Lào sau 20 năm triển khai, thành công hay thất bại, và đưa ra kết luận về các mối đe dọa khi du lịch sinh thái không còn giữ được tính bền vững…

Các giảng viên của Trường ĐH Văn Lang đóng góp một số góc nhìn khác: nhóm nghiên cứu của khoa CN&QL Môi trường (TS. Trần Thị Mỹ Diệu, ThS. Lê Minh Trường, ThS. Trần Thu Trang) nhìn nhận khía cạnh môi trường trong phát triển du lịch có trách nhiệm qua nghiên cứu điển hình cho ngành nghề chế biến kẹo dừa tại tỉnh Bến Tre; ThS. Hồ Trần Vũ (khoa Du lịch) nghiên cứu du lịch có trách nhiệm dưới góc nhìn sinh thái học văn hóa, từ đó khẳng định vai trò của văn hóa tôn giáo – tâm linh trong việc nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm…

Phối hợp tổ chức cùng UBND tỉnh Bến Tre, Sở VH-TT&DL Bến Tre, Hội thảo đồng thời thảo luận những vấn đề trong phát triển du lịch tỉnh, như: tăng thu nhập cộng đồng địa phương; thu hút các nhân tố, thành tố cùng tham gia vào hoạt động du lịch; khai thác bảo tồn tài nguyên, văn hóa địa phương; thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương. Qua 2 ngày thực địa ở Bến Tre, khảo sát hoạt động du lịch trong Lễ Hội Dừa năm 2015, các nhà nghiên cứu bước đầu gợi ý một số kiến nghị cho du lịch Bến Tre, xoay quanh các trọng tâm: phát triển loại hình du lịch nào; làm thế nào phân loại thị trường khách du lịch; làm thế nào xác định mức độ đầu tư, đầu tư khoản mục nào. Ông Trần Duy Phương – Phó GĐ. Sở VHTT&DL tỉnh Bến Tre – cho biết trong thời gian qua, tỉnh tập trung phát triển du lịch, nhằm đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Với lượng khách du lịch tăng bình quân hằng năm 13,61%, và sự tăng trưởng ngày càng nhanh của hoạt động du lịch, nếu không kiểm soát sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến thiên nhiên, môi trường và cộng đồng địa phương; những nghiên cứu từ Hội thảo là gợi ý quan trọng cho du lịch Bến Tre ứng phó với những thách thức này.

hoi thao du lich co trach nhiem 003Nhà địa lý học Frederic Desglis (Pháp) trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu

hoi thao du lich co trach nhiem 004Các nhà nghiên cứu tham gia một số hoạt động du lịch tại Bến Tre trong khuôn khổ Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, GS-TS Jean-Marie Breton nhận định: Không có mô hình, phương cách chung cho việc phát triển du lịch tại tất cả các vùng, địa phương; việc đầu tiên phải làm là xác định các chỉ số dựa trên tính chất của từng địa phương, từ đó đưa ra định hướng phát triển, xây dựng sản phẩm du lịch, đánh giá được tác động của các sản phẩm du lịch đến môi trường, kinh tế, văn hóa xã hội, tự nhiên. Mỗi điểm du lịch nên dựa vào các điển cứu cụ thể, kinh nghiệm của các vùng miền khác nhau, so sánh với điều kiện của địa phương và điều chỉnh mô hình du lịch có trách nhiệm một cách phù hợp. Cần nhất là các thành tố tham gia vào hoạt động du lịch xác định được trách nhiệm của mình, và xây dựng được bản sắc địa phương.

Nguyễn Thị Mến


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag