TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Cựu SV ngành Kỹ thuật phần mềm chia sẻ về ngành học: Chương trình CMU - Văn Lang: sự khác biệt, tính cạnh tranh, những triển vọng và lời nhắn gửi

(TT. Thông tin – Văn Lang, 03/4/2015) – Sau 7 năm triển khai chương trình CMU, Văn Lang cung cấp cho xã hội 182 cử nhân kỹ thuật phần mềm. Ra trường, đội ngũ ấy đã tỏa nhiều nơi, có cơ hội thử sức mình ở những sân chơi lớn như CSC, Global CyberSoft, Harvey Nash, Soft Foundry, LogiGear, và cũng đủ khả năng để thích ứng trong những môi trường nhỏ hơn. 

Năm 2008, Văn Lang chính thức tuyển sinh ngành Kỹ thuật Phần mềm đào tạo theo chương trình Carnegie Mellon Universitey (CMU, Mỹ). Sau 7 năm, con số 182 sinh viên tốt nghiệp đã nói lên một thực tế rằng để đi đến cùng ngành học này là một điều không thật dễ dàng, đã có nhiều bạn phải dừng cuộc chơi giữa đường. Nhưng những ai đi đến tận cùng con đường này đều đã gặt hái những thành công xứng đáng. Ra trường, tùy vào năng lực và cơ hội, mỗi người chọn cho mình một công việc, một nơi phù hợp để khởi nghiệp. Ở những sân chơi lớn như Global CyberSoft, Harvey Nash, LogiGear các bạn thỏa sức vẫy vùng, nhưng ở những sân chơi nhỏ hơn, các bạn vẫn có thể thích ứng, vẫn làm việc tốt, vẫn chứng tỏ được sự nổi trội của mình trong công việc.

Trong Lễ trao học bổng Boeing, chúng tôi có dịp trò chuyện với các bạn cựu SV. Lần gặp nay, họ đã trưởng thành hơn nhiều, có công việc ổn định với những thành công bước đầu nhưng vẫn giữ được sự khiêm tốn, sự nhiệt thành như khi còn đi học. Họ chia sẻ câu chuyện của mình công việc đang làm cùng những suy nghĩ về ngành học sau khi đã có “thâm niên” làm việc thực tế được 1 năm, 2 năm, 3 năm. Câu chuyện kể hôm nay thực hơn vì nó có chất liệu của cuộc sống mà các bạn đã trải nghiệm. Cùng xuất phát điểm là Văn Lang nhưng cơ hội với mỗi người có khác nhau, nơi làm việc không giống nhau, mức thu nhập có chênh lệch, nhưng đều có một điểm chung niềm tự hào về nghề nghiệp, có một ý chí vươn lên, cùng những mục tiêu cụ thể để hiện thực hóa giấc mơ trở thành kỹ sư phần mềm thật sự. Cuộc trò chuyện ngắn với các bạn cựu SV cho ta thêm những góc nhìn về ngành học, về công việc, và cơ hội việc làm của ngành học này.

Sáng 13/3/2015, 15 sinh viên và cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm đào tạo theo chương trình của Carnegie Mellon University (CMU, Mỹ) được nhận học bổng của Hãng máy bay Boeing (1000 USD/ học bổng) tại Cơ sở 2 của trường ĐH Văn Lang. Đây là lần thứ 3 Hãng máy bay Boeing trao học bổng cho sinh viên Văn Lang.

Trước đó, năm 2010, ông Kevin Heise – Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Boeing tại Việt Nam đã trao 10 suất học bổng cho 10 SV tiêu biểu của năm thứ hai và năm thứ ba. Năm 2009, ông Ralph ‘Skip’ Boyce – Chủ tịch Tập đoàn Boeing tại Đông Nam Á, đã trực tiếp trao tặng 10 phần học bổng cho 10 SV khóa đầu tiên của chương trình.

Sự khác biệt của chương trình

Từ việc học và thực tế đi làm, điều gì em muốn nói nhất về ngành kỹ thuật phần mềm CMU - Văn Lang?    

csv cmu 001Trần Nguyễn Hoàng Tân (áo ca rô trắng), cựu sinh viên khóa đầu tiên của chương trình, tốt nghiệp thủ khoa năm 2012 - hiện đang làm tại Harvey Nash Vietnam, vị trí BA, mức lương khoảng 1000 USD/ tháng. Hiện tại có khoảng 4-5 cựu SV Văn Lang đang làm việc tại đây

Trần Nguyễn Hoàng Tân: Đó thật sự là một chương trình khó, nhưng rất giá trị. Ngày đầu, hầu hết sinh viên đều gặp khó khăn vì chương trình học quá mới, tài liệu học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh, phương pháp học mới, tần suất làm việc cao, các buổi thuyết trình diễn ra hằng tuần. Khó nhất là khi làm bài tập, cần tham khảo tài liệu, nhưng không thể tra cứu được gì từ các trang web hay diễn đàn CNTT Việt Nam, chỉ có thể tìm từ các trang web nước ngoài. Khó, rèn luyện dần dần cũng quen, nhưng đã có lúc em hoang mang, hoài nghi về sự lựa chọn của mình: học cái này liệu có áp dụng được trong thực tế không? Ở Việt Nam chắc không ai áp dụng cái này?

Ra trường, đi làm, em mới nhận ra giá trị của chương trình vì kiến thức học trong nhà trường được áp dụng khá rộng rãi trong nhiều công ty lớn, nhất là các công ty nước ngoài. Những điều em phải làm chính là những cái đã học. Nhờ vậy, em thích ứng nhanh, tự tin trong công việc, khách hàng cũng như các anh chị đồng nghiệp đánh giá cao. Theo em, với chương trình hiện tại của Văn Lang, sinh viên hoàn toàn có thể nộp đơn vào ứng tuyển vào các vị trí tốt trong công ty lớn". 

Lương Thị Hồng Hạnh: Đó là một chương trình hay tuyệt vời và rất thực tế. Quy trình đào tạo bài bản, giúp người học có một nền móng vững chắc, trang bị một tầm nhìn hệ thống, rèn luyện những kỹ năng mềm thiết yếu để có thể thích ứng trong nhiều môi trường làm việc khác nhau. Cơ hội nghề nghiệp, cơ hội thăng tiến rộng mở: học IT không chỉ để làm Programmer và Tester, mà có thể đảm nhiệm nhiều vai trò trong dự án: Requirement Engineer, Business Analysis, Software Architect, Project Manager... Nhưng để đi đến cùng ngành học này đòi hỏi một tâm huyết thật sự, niềm đam mê đủ lớn, cần đầu tư thời gian gấp nhiều lần để học và thực hành, thức khuya làm dự án là bình thường. Tiếng Anh là một trong những điểm yếu của sinh viên, thầy cô đã tập trung “rèn” cho sinh viên: học để hiểu, học để sử dụng. Em rất thích phương pháp tiếng Anh phản xạ mà thầy Lê Hùng Tiến dạy, nhưng điều tuyệt vời này phải đợi đến năm thứ ba 3 em mới nhận ra! Đây là kinh nghiệm cho các bạn khoá sau đó (cười).

Nguyễn Phú Quang: Tiếp cận với chương trình CMU, SV sẽ như được tiếp xúc với quy trình chuẩn của doanh nghiệp phần mềm, đủ để hình dung từng bước cách làm ra sản phẩm và dần hoàn thiện nó. Quy trình học, quy trình làm một sự án không có sự khác biệt nhiều với quy trình làm việc ở công ty. Tính tự học, tự nghiên cứu, làm việc nhóm, giao tiếp, tự lên kế hoạch, qui trình, vạch ra công việc cần làm là những kỹ năng rất được chú ý, được “rèn” trong quá trình học 4 năm học tại Văn Lang. Những kỹ năng này giúp em hoàn thành chương trình học, cũng giúp em định hướng được mình cần làm gì, cách thiết kế, kiểm soát trước các vấn đề trong công việc cũng như cuộc sống.

Hà Thùy An: Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Phần mềm CMU - Văn Lang rất hữu ích khi đi làm. Phương pháp learning by doing giúp chủ động hơn trong việc tự tìm hiểu, nâng cao khả năng nghiên cứu khi gặp vấn đề khó. Kỹ năng làm việc nhóm tốt; đọc tài liệu và phân tích vấn đề nhanh; nghe, nói, đọc, viết và thuyết trình bằng tiếng Anh là một lợi thế lớn giúp thích nghi tốt với các môi trường làm việc khác nhau.

Ngụy Như Huy Sơn: Thật sự học chương trình này khó, đòi hỏi nỗ lực lớn, không chỉ cần cù và siêng năng, nhưng khi đã hiểu được cốt lõi của chương trình rồi thì việc tiếp thu kiến thức lại dễ và những người nắm vững kiến thức này khi ra trường họ lại là sự lựa chọn của các doanh nghiệp lớn.

Trần Huỳnh Thái Trung: Ở Việt Nam, đây là một chương trình còn quá mới, vừa là thách thức vừa mang đến những cơ hội lớn cho người học. Không chỉ chú trọng kiến thức chuyên ngành, chương trình còn chú trọng rèn cho người học về tính tư duy hệ thống, trang bị kĩ năng, nhất là tinh thần tự học, tinh thần vượt khó. để có thể thích ứng nhanh nhất với mọi môi trường làm việc. Đó thực sự là những giá trị to lớn.

Nguyễn Hứa Hoàng Long: Chương trình CMU khắc phục được hai điểm yếu lớn nhất của SV Việt Nam: khả năng nghiên cứu và làm việc nhóm. Tại Văn Lang, SV được học rất nhiều kỹ năng về làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, nghiên cứu vấn đề mới. Những kỹ năng này thật sự hữu ích, giúp em dễ dàng thích nghi nhanh với môi trường và công việc mới. Chất lượng chương trình CMU là không cần phải bàn cãi, chính chất lượng tạo nên sự khác biệt và giá trị của nó. Thiên về những kiến thức quản lý, hệ thống kiến trúc, qui trình phần mềm, nặng về nghiên cứu nhưng chương trình vẫn tích hợp sẵn những kĩ năng cần thiết về lập trình và kiểm thử ở mức cơ bản, đủ để khi mới ra trường có thể làm ở các công ty nhỏ để tích lũy kinh nghiệm, nhắm đến một công việc tốt hơn ở những công ty lớn.

Bật mí nhỏ: Chương trình đào tạo tại trường đã giúp em có một nền tảng khá vững, em dễ dàng thích nghi với công việc.  Lúc học áp lực rất nhiều. Đi làm em thấy nhẹ nhàng hơn hẳn so với lúc học !

csv cmu 002Trần Huỳnh Thái Trung, thủ khoa khóa thứ 2 của chương trình. Trung đang làm tại Softfoundry Vietnam được hơn 1 năm, vị trí Developer, lương khởi điểm: 500 USD/ tháng, hiện tại khoảng 600~700 USD. Có khoảng 15 cựu SV Văn Lang nhiều khóa học khác nhau đang cùng làm tại đậy. Ảnh: Trung phát biểu trong Lễ tốt nghiệp tháng 7/2013 tổ chức tại Cơ sở 2 của trường ĐH Văn Lang.

csv cmu 003Nguyễn Hứa Hoàng Long, tốt nghiệp thủ khoa - khóa thứ ba của chương trình. Hiện Long làm việc tại Gianty Vietnam, mức lương khởi điểm 400 USD/ tháng. Ảnh: TS. Nguyễn Dũng - Hiệu trưởng trường ĐH Văn Lang - Giám đốc Dự án CMU, ThS Bùi Quốc Nam - Phó GĐ Dự án trao bằng tốt nghiệp và tặng quà cho thủ khoa Nguyễn Hứa Hoàng Long tại Lễ tốt nghiệp, tháng 7/2014.

csv cmu 004GS. Anthony Lattanze – Giám đốc Viện Nghiên cứu phần mềm quốc tế, và TS. John Kang – Giám đốc Hợp tác khu vực châu Á - Trường Đại học Carnegie Mellon (CMU, Mỹ) trao học bổng cho 15 SV và cựu SV ngành Kỹ thuật phần mềm, sáng 13/3/2015. Từ trái qua: Nguyễn Hứa Hoàng Long, Trần Nguyễn Hoàng Tân, Trần Huỳnh Thái Trung, Nguyễn Phú Quang, Đặng Thế Cường, Hà Thùy An, Huỳnh Chấn Huy, Bùi Đức Việt, Lương Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Kim Tường, Lê Bùi Đức, Bùi Thế Đức, Lê Ngọc Trúc Phương, Trần Thị Ngọc Trâm, Ngụy Như Huy Sơn

Cạnh tranh và triển vọng nghề nghiệp 

Trong một thị trường nhân lực cạnh tranh, cử nhân Kỹ thuật phần mềm CMU - Văn Lang có lợi thế nào không?

Lê Bùi Đức: Lợi thế lớn nhất của SV theo học ngành Kỹ thuật phần mềm theo chương trình CMU là hiểu toàn bộ quy trình phát triển phần mềm, được va chạm, được học hỏi rèn luyện ở tất cả các khâu xuyên suốt quá trình, đó là nền tảng rất tốt để phát triển sự nghiệp.

Lương Thị Hồng Hạnh: Theo mình, cử nhân Kỹ thuật phần mềm CMU - Văn Lang đủ năng lực để thực hiện tốt công việc, học hỏi nhanh công nghệ mới, thích nghi tốt với những thay đổi của công việc, lên kế hoạch và quản lý công việc khoa học hơn, hiệu quả hơn. Đây cũng là ý kiến của Thùy An, Trúc Phương.

Đào tạo một người làm công nghệ phần mềm thực thụ, có một tầm nhìn hệ thống là mục tiêu mà chương trình CMU - Văn Lang hướng đến. Chương trình không đào tạo lập trình viên đơn thuần. Với kiến thức đã học, bạn có thể trở thành nhà thiết kế hệ thống, quản lý các dự án phần mềm chuyên nghiệp. Nếu có ý định thành lập công ty, bạn cũng hoàn toàn yên tâm vì chương trình đã trang bị những kỹ năng từ làm việc với khách hàng cho đến kỹ năng quản lý, thiết kế, thực thi và kiểm thử, cách để hợp tác làm việc với người khác. Nước ta đang thật sự rất cần những người làm phần mềm thực sự để phát triển nền CNTT, thay vì chỉ đi outsourcing cho công ty nước ngoài hay thiết kế những sản phẩm nho nhỏ cho một vài người sử dụng. Trong khi đó, chương trình khác (SV trường bạn) chỉ được đào tạo một phần, tập trung dạy ngôn ngữ lập trình, nếu sau này cất nhắc lên vị trí cao hơn phải đăng ký khóa học riêng để có được kiến thức và kỹ năng cho vị trí cao hơn.

Lợi thế cạnh tranh của cử nhân CMU - Văn Lang thể hiện rõ ở ba điểm: Một là: khả năng làm việc nhóm, phương thức hợp tác với người khác để thực hiện các dự án của công ty. Hai là: khả năng quản lý công việc, lên kế hoạch và thực hiện phân bổ công việc hợp lý. Ba là: biết thiết kế, biết đọc các bản thiết kế phần mềm, định nghĩa ra bức tranh tổng thể trước khi tiến hành lập trình, giúp cho việc quản lý các lỗi phát sinh tốt hơn.

csv cmu 005Ảnh: Phú Quang (áo trắng, hàng đầu tiên)đang làm tại Softfoundry, vị trí web developer, mức lương khởi điểm 500 USD/ tháng. Cùng làm với Quang có Hồng Hạnh, Thái Trung.

Nguyễn Phú Quang: Chương trình này không chỉ dạy làm ra một sản phẩm mà dạy "cách", dạy "học" để làm ra những sản phẩm theo yêu cầu. Mỗi người có suy nghĩ khác nhau sẽ có cách làm khác nhau, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề, phương pháp cũng không theo một khuôn mẫu nhất định. Đây là sự khác biệt căn bản, cũng là một lợi thế cạnh tranh.

Hiện nay, vì các trường chủ yếu đào tạo lập trình và kiểm thử, nên nhân sự về lập trình và kiểm thứ quá nhiều, nhu cầu nhân sự ở tầm cao hơn sẽ tăng, đây là lúc SV Văn Lang có cơ hội hơn so với SV trường khác. Công việc thực tế không chỉ có cần kiến thức về lập trình và kiểm thử. Chẳng hạn, khi cần tài liệu hoá để lại cho người vào sau tiếp quản phần việc của mình,  hay phải hoạch định chiến lược cho cả nhóm, SV theo chương trình CMU - Văn Lang tiếp cận vấn đề nhanh hơn, định hình project rõ hơn. Hay, sếp yêu cầu báo cáo tình hình công việc, trình bày demo, hướng dẫn sử dụng, làm tài liệu thuyết trình, quảng bá sản phẩm... SV CMU - Văn Lang có lợi thế hơn. Trần Nguyễn Hoàng Tân: Khả năng nghiên cứu là một lợi thế khiến người học không bị bó buộc trong khuôn khổ (không phải cứ học IT ra trường sẽ chỉ có thể làm lập trình viên!), đó là điều hứng thú nhất. Mỗi người có thể lựa chọn nhiều vai trò khác nhau trong dự án: là BA, Developer, QC, QA… Dù ở vai trò nào, bạn cũng có đủ kiến thức nền tảng để thực hiện, điều quan trọng là cần xác định muốn làm công việc gì để đào sâu nghiên cứu.

Bạn có hài lòng với công việc và công ty có hài lòng về bạn?

Lê Ngọc Trúc Phương, Hà Thuỳ An: Em đang làm tại Logigear, và rất hài lòng với thu nhập hiện tại. Công việc đang làm hoàn toàn phù hợp với những gì được học. Chương trình học giúp em tiếp cận nhanh với các kiến thức về software testing (hard skill) cũng như các kỹ năng về quản lý và làm việc nhóm. Nhờ vậy em được đánh giá tốt trong quá trình làm việc.

csv cmu 006Lê Bùi Đức cùng với các bạn nhận học bổng của hãng máy bay Boeing do TS. John Kang trao.

Đặng Thế Cường: Global Cybersoft làm việc theo quy trình chuẩn CMMI, nên khi vào làm việc tại đây, em thích nghi tốt mà không cần phải đào tạo lại nhiều. Thông thường, SV mới tốt nghiệp trước khi bắt đầu làm việc sẽ được đào tạo một khóa 3 tháng. Nhưng khóa đào tạo này gần như giống hoàn toàn với dự án Captone Project mà sinh viên năm cuối chương trình CMU đã làm, theo đúng một quy trình chuẩn quốc tế từ phân tích yêu cầu dự án, đến thiết kế và thực hiện. Em đã làm được 1,5 năm, mức lương hiện tại trên 10 triệu, có khoảng 10 SV Văn Lang đang làm tại đây. Chương trình CMU - Văn Lang dạy sâu về quy trình phát triển phần mềm và kỹ năng quản lý dự án, đã giúp em đáp ứng được nhu cầu công việc.

Lê Bùi Đức: Em đang làm việc tại SoftFoundry, vị trí Mobile Development, mức lương hiện tại khoảng 16-20 triệu đồng/ tháng. Đây là mức lương bình thường của những người có kinh nghiệm 2-2 năm trong ngành công nghệ phần mềm. Em hài lòng với mức lương này, và vì mình được đánh giá tốt.

Huỳnh Chấn Huy: Mới ra trường, phần lớn sinh viên chấp nhận làm việc trong môi trường không chuyên nghiệp, không có những quy trình, không có những chính sách rõ ràng, không có process và document...Khi nhân viên nghỉ việc, dự án họ để lại phải chỉnh sửa rất vất vả, thậm chí phải làm lại từ đầu. Nhờ vận dụng kiến thức, kỹ năng từ chương trình này vào công việc, em và team của mình đều đưa ra process và có những document để control dự án tốt hơn. Em rất vui vì sự hài lòng của mọi người.

Ngụy Như Huy Sơn: Làm trong công ty nhỏ, chưa có cơ hội áp dụng hết những điều đã học nhưng nhờ hiểu được quy trình phát triển phần mềm, em vẫn thích ứng với môi trường và công việc. Em biết mình cần làm gì? làm vào lúc nào? làm như thế nào? Em hiểu vai trò của mình trong dự án, định hướng sự nghiệp của mình trong lĩnh vực này.  

csv cmu 007Lương Thị Hồng Hạnh

Lương Thị Hồng Hạnh: Em đang làm tại SoftFoundry, vị trí Software Engineer. Mức lương hiện tại hơn 500 USD/ tháng. Sau 4 năm, em học hỏi, mở mang rất nhiều, không chỉ là kiến thức, tầm nhìn, em đã tự tin hơn nhiều. Em có công việc tốt, thu nhập từ công việc hiện tại cũng làm thay đổi cuộc sống bởi những phúc lợi, chế độ lương bổng ngành này cao hơn so với các ngành khác. Chọn học kỹ thuật phần mềm là một quyết định đúng và lớn nhất của em.

Lê Ngọc Trúc Phương: Là con gái, quyết định chọn học ngành này là cả một khó khăn. Nhưng sau khi đã xác định làm kỹ sư phần mềm là định hướng nghề nghiệp trong tương lai, em đã cố gắng hết sức mình đề vượt qua những khó khăn trong quá trình học. Trong suốt 4 năm học tại trường, em chưa bao giờ có suy nghĩ là môn học nào là quá sức của mình. Em rất vui, vì đã chọn học ngành này, và được nhận học bổng Boeing - những điều đưa em đến gần với giấc mơ trở thành thạc sĩ ngành kỹ thuật phần mềm ở nước ngoài.

Nhắn nhủ với những lớp đàn em 

Trần Nguyễn Hoàng Tân: Văn Lang là một trường đại học nhỏ, chọn một chương trình mới như CMU, đó là một sự "đầu tư mạo hiểm” nhưng có lộ trình, kế hoạch rõ ràng. Khi làm hồ sơ xét tuyển, em đã đến nhiều trường có dạy chương trình nước ngoài. Đến Văn Lang, khâu tuyển sinh và đội ngũ tư vấn viên thật sự đầy đủ thông tin chi tiết và ân cần, em “mạo hiểm" chọn Văn Lang vì ấn tượng đó, trong khi em có thể chọn nhiều trường tốt hơn. Nơi em học – cơ sở 1 không thật lớn. Nhưng hôm nay, em và bạn bè đều đã có việc làm, có những thành công bước đầu, đây là một trong những thước đo hiệu quả, và là niềm tin vững chắc cho thế hệ đàn em.

Đặng Thế Cường: Gần 2 năm đi làm ở công ty có quy trình chuẩn quốc tế, em thấy rõ giá trị của những kiến thức giảng dạy trong chương trình CMU. Em nghĩ trường Văn Lang đang đi đúng hướng và trong tương lai có thể mở rộng quy mô hơn.

csv cmu 008Ngụy Như Huy Sơn, SV khóa thứ ba của chương trình. Sơn đang làm tại Công ty Tin Học Vương Thành, vị trí developer, mức lương khởi điểm là 6 triệu đồng/tháng. Cùng làm với bạn còn có 4 cựu sinh viên Văn Lang. Bức ảnh trên là mẹ và Sơn trong ngày Tốt nghiệp. Cô đã không giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc. Sơn là người dân tộc Chăm, điểm đầu vào của Sơn chỉ có 10,5 điểm. Nhưng chàng trai này đã nỗ lực thật nhiều để có một hình ảnh trưởng thành - hình ảnh Huy Sơn ngày hôm nay.

Ngụy Như Huy Sơn: Nhà trường có lẽ cũng đã "mạo hiểm" trong việc chọn chương trình này, nhưng nhờ đó mà đã mang lại một luồng sáng mới cho ngành CNTT Việt Nam.

Lê Bùi Đức: Văn Lang chọn đào tạo theo chương trình CMU là chọn xu hướng hội nhập toàn cầu, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động CNTT đang phát triển rất mạnh mẽ ở nước ta. Các bạn hãy nắm lấy cơ hội, thích ứng với tình hình mới, chấp nhận thử thách để vươn lên.

Nguyễn Phú Quang: Sự thay đổi nào cũng có những khó khăn, để chứng tỏ hiệu quả, cần có thời gian kiếm chứng thực tế. CMU là một trường đại học hàng đầu về IT trên thế giới, may mắn đã đến khi có những người thầy đã mạnh dạn đưa chương trình học mà CMU về trường Văn Lang, về Việt Nam trong đó có công rất lớn của giáo sư John Vũ.

Thực tế, ở Việt Nam, phần lớn sinh viên CNTT ra trường vẫn là ngồi lập trình, hoặc kiểm thử, điều kiện công ty với môi trường có thể áp dụng kiến thức CMU là không nhiều. Điều này khiến không ít bạn băn khoăn về chương trình học, bạn thấy những chương trình đào tạo thiên về lập trình sẽ có vẻ chắc chắn có việc làm hơn....

Nhưng nếu thử nhìn xa hơn một chút, nếu khi đó bạn chỉ có kĩ năng lập trình và kiểm thử tốt rồi thì tiếp theo, bạn sẽ làm gì, định hướng của bạn là gì, bạn sẽ trở thành ai, và muốn làm điều đó thì bạn cần kiến thức gì, chuẩn bị ra sao, tính chất công việc thế nào,...? Có thể sinh viên sẽ phải tốn một khoảng thời gian rất dài để tìm hiểu, học hỏi, tìm người định hướng. Vậy tại sao không học ngay từ đầu? Tất cả những điều này, trong chương trình CMU đều đã sớm định hướng cho sinh viên từ những năm đầu học đại học ở Văn Lang. 

Hà Thùy An: Cơ hội việc làm khi học chương trình này là rất lớn, vì nó không chỉ “change” về kiến thức chuyên ngành mà còn “change your mind” về cả “path career” nếu các bạn thực sự nắm bắt tốt. Nếu thực sự hứng thú với công nghệ, với việc tìm hiểu cái mới và phải thực sự nỗ lực thì nên chọn ngành này. Ngành CNTT và theo chương trình CMU có thể khiến các bạn “change your mind” rất nhiều.

Đặng Thế Cường: Công nghệ phần mềm đang là một ngành "hot" ở hiện tại, vẫn sẽ tiếp tục trong tương lai, không chỉ có nhiều lựa chọn về công việc mà thu nhập của ngành học này cũng là một mãnh lực hấp dẫn để chúng ta không băn khoăn nhiều khi lựa chọn nó.

Cám ơn những điều các bạn đã chia sẻ, chúc cho những dự định tương lai của các bạn sớm thành hiện thực. Chúc ngọn lửa đam mê và tinh thần “Learning by doing" sẽ luôn đồng hành cùng các bạn đến những đỉnh cao nghề nghiệp mới. 

Nguyễn Liên (thực hiện)

Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag