TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

GS. Anthony Lattanze (CMU, Mỹ) nói chuyện về Mobile Apps tại trường ĐH Văn Lang

(TT. Thông tin – Văn Lang, 20/3/2015) – Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại trường ĐH Văn Lang, GS. Anthony Lattanze – Giám đốc Viện Nghiên cứu Phần mềm Quốc tế, trường ĐH Carnegie Mellon (Mỹ) – đã có buổi seminar về Mobile Apps. Đây là hoạt động học thuật thuộc chương trình hợp tác đào tạo Công nghệ Thông tin giữa hai trường.

  Đây là lần thứ ba GS. Anthony Lattanze giảng bài tại Văn Lang. Tháng 8/2009, GS. Anthony đã có buổi seminar chủ đề Robotics and Lab Project, tháng 3/2012, ông tiếp tục đến Văn Lang trò chuyện về Life as a Software Engineer. Trong buổi seminar sáng 13/3/2015, gần 200 sinh viên, cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm và Quản trị Hệ thống Thông tin đã đến nghe giảng.

gs anthony lattanze 000Tham dự buổi seminar là các bạn Sinh viên đến từ ngành Kỹ thuật Phần mềm và Quản trị Hệ thống Thông tin. Khác với các sinh hoạt học thuật khác thường giới hạn đối tượng theo khóa nhập học, seminar lần này có cả Sinh viên của 4 khóa: K17, K18, K19 và K20. Ngoài ra, một số cựu Sinh viên K15, K16 cũng về nghe giảng.

Tham dự buổi seminar là các bạn sinh viên đến từ ngành Kỹ thuật Phần mềm và Quản trị Hệ thống Thông tin. Khác với các sinh hoạt học thuật khác thường giới hạn đối tượng theo khóa nhập học, seminar lần này có cả sinh viên của 4 khóa: K17, K18, K19 và K20. Ngoài ra, một số cựu sinh viên K15, K16 cũng về nghe giảng.

Cái nhìn của một tên tuổi lớn…  

Bài nói chuyện của GS. Anthony tập trung vào xu hướng phát triển của di động trong tương lai gần: khoảng 5-10 năm tới, bao gồm cấu trúc phần mềm mới và "Internet của vạn vật" (Internet of Things - IoT). Thông qua sự tăng trưởng tỷ lệ số máy tính/ số người dùng, GS. Anthony đặt ra vấn đề Thách thức của Công nghệ đối với các nhà phát triển ứng dụng. Kiểm soát hệ thống bằng cách nào khi số lượng thiết bị di động ngày càng tăng, ngày một thông minh hơn và sử dụng nhiều dạng thức giao tiếp khác nhau? Tính an ninh và sự riêng tư sẽ được đảm bảo đến đâu khi dữ liệu không được lưu trữ cố định? Đó là những câu hỏi được lặp lại liên tục trong bài giảng.

Những vấn đề được nêu ra trong buổi simenar đều là những đúc kết của GS. Anthony Lattanze từ thực tế làm việc trong nền công nghiệp Mỹ và giảng dạy tại CMU trong 35 năm qua. Ông đã phác họa xu hướng phát triển của thiết bị di động ở tương lai gần. Giáo sư thừa nhận rằng không xác định được sự phát triển tương lai của một số loại hình, song người phát triển ứng dụng không nên bao quát tất cả mọi thứ, mà chỉ cần tập trung vào lĩnh vực ứng dụng mà mình đang theo đuổi. * Xem bản tóm tắt Seminar "Mobile Apps".

CMU IoTInternet của vạn vật (Internet of Things - IoT) là hệ thống các thiết bị di động kết nối và làm việc với nhau mà không có khái niệm "vật quản lý" hay "người điều khiển". Trả lời câu hỏi của bạn Phạm Thanh Phát (K15T1) về Tương lai của IoT, GS. Anthony cho rằng chỉ trong vòng 5 năm nữa, IoT sẽ bùng nổ.

CMU MiddlewareMiddleware là lớp phần mềm bằm giữa hệ điều hành và ứng dụng trong thời đại di động, được xem là lớp phần mềm trọng tâm trong thương mại ngày nay. Năm 2014, Middleware thuộc nhóm ngành có mức lương cao nhất trong lĩnh vực công nghệ, khoảng 90.000 - 100.000 USD/ năm (theo PC World VN)


…Và những “lính mới” trong lĩnh vực công nghệ

Trong phần trao đổi, bạn Phạm Đỗ Minh Sang (K19T2) đã hỏi người thầy lớn đến từ CMU rằng nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về IoT thì phải đọc giáo trình hoặc cuốn sách nào. Câu trả lời của GS. Anthony đã gây ra một thoáng lo lắng với các thính giả trẻ: IoT là vấn đề mới, không có tài liệu sách, chỉ có thể theo dõi các hiện tượng đang diễn ra để nắm bắt các diễn biến của nó.

Với sinh viên Việt Nam nói chung, tiếp cận những ý tưởng và trao đổi cùng tên tuổi lớn của ngành Công nghệ Thông tin thế giới ngay tại ngôi trường mình đang theo học là một duyên may không dễ gặp. Những dự đoán công nghệ của GS. Anthony so với kiến thức của sinh viên dự seminar có một khoảng cách lớn. Những cựu sinh viên đã trải qua thực tế làm việc như bạn Phạm Thanh Phát (K15T1)… cũng có phần bối rối trước kiến thức được truyền đạt.

 

gs anthony lattanze 001Tất cả các câu hỏi dành cho diễn giả trong buổi seminar đều sử dụng tiếng Anh. Khả năng trao đổi trực tiếp cùng chuyên gia với những thuật ngữ chuyên ngành sâu là một lợi thế của các sinh viên theo học chương trình CMU tại trường ĐH Văn Lang. Ảnh: Bạn Lý Nhật Anh (K17T2, phải) đang đặt câu hỏi cho GS. Anthony Lattanze (trái)

Từ chỗ đứng rất chênh lệch về trình độ với diễn giả và nội dung bài giảng, các bạn sinh viên, cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm và Quản trị Hệ thống Thông tin đã phát huy “chất” Văn Lang để cơ hội hiếm hoi không trở thành hoài phí. Vận dụng khả năng tiếng Anh được trau dồi thường xuyên như một yêu cầu bắt buộc của chương trình CMU, các bạn tích cực đặt câu hỏi với GS. Anthony. Khi phần trình bày của Giáo sư chưa kết thúc, nhiều câu hỏi giấy dành cho ông đã được chuyển đến bộ phận tổ chức. Sau đó là những cánh tay xin hỏi trực tiếp… Không ngại nhắc lại thắc mắc của mình khi Giáo sư chưa nghe rõ, tiếp tục nêu câu hỏi để hiểu vấn đề cặn kẽ hơn, các bạn đã làm cho buổi seminar kết thúc trong sự hài lòng của cả thầy lẫn trò.

Người truyền cảm hứng

Lời giảng của GS. Anthony Lattanze được thầy Ngô Trung Việt  - Giảng viên Dự án CMU – dịch tiếng Việt trực tiếp. Song những kiến thức chuyên ngành sâu, hơn nữa lại rất mới vẫn làm khó các bạn sinh viên và cựu sinh viên – những “lính mới” trong nghề. Có thể, nội dung của buổi seminar này sẽ còn lại trong "bộ nhớ" của các bạn, trở thành quen thuộc, nhuần nhuyễn hơn với các bạn qua 1 năm, 3 năm hay 10 năm nữa, khi các bạn đã cứng cáp về chuyên môn và có những trải nghiệm IoT thực sự của mình. Nhưng bài học trực quan thì các bạn đã nhận, đó là phong cách làm việc chuyên nghiệp, thân thiện và bình dị nhưng rất tôn trọng khi tiếp xúc với đối tác; là thái độ trung thực mà lạc quan với công việc. “Why not here?” – câu nói này chắc chắn sẽ trở thành động lực làm việc và học tập của nhiều bạn ngồi ở hội trường hôm ấy.

 

gs anthony lattanze 002Cuối seminar, GS. Anthony Lattanze nhận được một câu hỏi giấy: “Cơ hội của Việt Nam như thế nào trong xu thế phát triển chung của thế giới?”.

Trả lời câu hỏi này, Giáo sư nhấn mạnh cơ hội trong ngành Công nghệ thông tin nói chung là khổng lồ nhưng đòi hỏi sự thích ứng nhanh nhạy. Các hãng sản xuất đưa quá trình gia công phần cứng đến những khu vực ngoài nước Mỹ do chi phí sản xuất rẻ. Đây là một trong những lợi thế mà Việt Nam có thể khai thác, tuy nhiên vấn có nhiều thách thức đặt ra với người thiết kế/ phát triển ứng dụng. Sự phát triển công nghệ hoàn toàn có thể bắt nguồn từ những nơi như Việt Nam. “Why not here?”

Trong bài nói chuyện của mình, GS. Anthony nhiều lần lặp lại từ “Challenge” (thách thức). Thách thức đến từ số lượng khổng lồ các thiết bị di động vẫn không ngừng tăng, từ mức độ thông minh cao của hệ thống tương lai. Câu nói của GS. Anthony khẳng định những cơ hội đang đến với đội ngũ thiết kế/ phát triển ứng dụng ở Việt Nam, nhưng đồng thời cũng hàm chứa sự nhắc nhở về hàng loạt thách thức ở kỹ thuật hệ thống thiếu hoàn thiện, thị trường nội địa hạn hẹp… Vượt qua những thách thức ấy là chuyện còn xa, nhưng câu nói này và cả buổi seminar nói chung đã truyền cảm hứng chinh phục cho các bạn, để ngọn lửa công nghệ - sáng tạo được cháy lên trong mỗi người, giúp họ vượt qua khó khăn và bước tiếp trên con đường mình đã chọn.

Bảo Linh

Ảnh: Ngọc Linh, Đào Duy


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag