(TT. Thông tin – Văn Lang, 20/10/2014) – Ngày 28/10/2014, trường ĐH Văn Lang phối hợp với Hội Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Mỹ thuật ứng dụng trên đường tìm về bản sắc Việt” sẽ được tổ chức tại P. C701, Cơ sở 2 của trường. BTC Hội thảo đã thông tin và mời các nhà khoa học, nhà nghiên cứu – phê bình chuyên môn tham gia viết bài cho Hội thảo. Dưới đây, TT. Thông tin xin được giới thiệu một phần bài viết tham gia Hội thảo của TS. Trần Hậu Yên Thế, Giảng viên trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam.
Một trong những lý do để nghệ thuật Trang trí có khuynh hướng bài trừ tính thế tục và thế sự là vì nghệ thuật Trang trí ban đầu gắn liền với tín ngưỡng và tôn giáo. Nghệ thuật thiêng liêng, thần thánh, tạm dịch là “Arts Sacra” (Tiếng Pháp) hay “Sacred Art” (Tiếng Anh), ban đầu được gắn cho nghệ thuật Kitô giáo thời Trung cổ ở Châu Âu. Người ta sử dụng kim loại quý, ngà voi, hàng dệt may hay các chất liệu có giá trị cao vào trang trí nhà thờ. Niềm tin tôn giáo, sự sùng kính ngợi ca mang tính đại tự sự đã loại bỏ những yếu tố thế tục và thế sự nhằm đạt đến tính trang sức thuần khiết. Nhưng trong rất nhiều nền nghệ thuật, cái Thiêng và cái Thế tục liền kề, dính chặt vào nhau, đúng như lý giải của Durkheim: “Những gì thuộc về cái thiêng liêng, mặc dù đầy quyền năng và rất đối chọi với cái phàm tục nhưng không phải là tách biệt, xa lạ với hiện thực xã hội và tâm lý người. Nói cách khác, cái thiêng liêng có quan hệ chặt chẽ, biện chứng với cái trần tục: Nó phản ánh hay được thăng hoa, chuyển hóa từ cái trần tục nhưng lại có thể điều chỉnh hành vi trần tục của con người”. M.M. Bakhtin phát hiện ra chủ nghĩa hiện thực nghịch dị với lối ngữ pháp giễu nhại ngay trong nghệ thuật thời Trung cổ.
Ở Châu Âu, thời Phục hưng, những quan niệm mới đã dẫn đến cuộc cách mạng trong Nghệ thuật Trang trí ở các nhà thờ Kitô. G. Vasari là người chủ trương thay vì đầu tư tiền vào các chất liệu đắt tiền, giáo hội nên đầu tư vào giá trị nghệ thuật của các tài năng kiệt xuất như Leonardo da Vinci, Michelangelo, Raphael,…
Nghệ thuật Châu Âu từ sau thời kỳ Phục hưng cũng là hành trình giải thiêng, ngày càng đậm chất thế sự và thế tục; nhưng đó là hành trình của nghệ thuật thuần túy: tranh giá vẽ, tượng salon. Chính hiện tượng này đã dẫn đến những định kiến về Nghệ thuật Trang trí Á Đông như của GS. Bhirasri.
Trong Nghệ thuật Trang trí đền vua Đinh, vua Lê (Hoa Lư, Ninh Bình), dấu ấn phong cách thời Chính Hòa in đậm. Tính thế tục xen lẫn cùng tính hoa mỹ. Và đặc biệt hơn, tính chất thế sự cũng được ẩn dụ qua những hình tượng tưởng chừng như rất dân gian và ngây thơ. Chẳng hạn như: hình ảnh hai con chuột đồng béo núc đứng chầu một ông cua kềnh để mặc phía sau một con rồng úp mặt thở dài trong bóng tối (bia Đinh Tiên Hoàng đế miếu công đức bi ký tịnh minh năm Chính Hòa thứ 17); cảnh một con chồn đang rình con chim rỉa lông, phía sau con chồn là một con chuột đồng cũng đang nín thinh rình rập. Cũng trên đường diệp của chiếc sập đá này ở đền vua Đinh còn có cảnh hai con cá giành nhau một chú tôm. Tại sao lại có những cảnh tôm cá, chim chuột trên một chiếc sập thiêng để sánh cùng rồng phượng? Và tại sao một ngôi đền có những tấm bia được một danh Nho bậc nhất thời kỳ đó là Nguyễn Lế (Hình bộ thượng thư, Đông các học sĩ, Tế tửu Quốc Tử giám) soạn lại có nhiều bức chạm tiên nữ cưỡi rồng?
Yếu tố thế tục trong Nghệ thuật Trang trí thời phong kiến được khởi lên từ thời Mạc và đặc biệt phát triển ở giai đoạn Chính Hòa, thời Lê Trung Hưng. Ngầm trong những yếu tố thế tục này còn ẩn giấu những thông điệp về nhân tình thế thái của một giai đoạn “tang thương ngẫu lục”. Tính thế sự, tuy không thể hiện trực tiếp nhưng không phải là không có trong Nghệ thuật Trang trí của người Việt giai đoạn đau thương này. Có thể kể ra vô vàn minh chứng Nghệ thuật Trang trí cổ Việt Nam không chỉ để làm đẹp một cách hình thức mà ẩn sâu trong đó là bản lĩnh, khí phách và tâm hồn dân tộc.
Ngày nay, mỹ thuật cổ truyền ấy đang dần bị mai một bởi chính sự thờ ơ của người dân đất Việt...
TS. Trần Hậu Yên Thế