TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

SV Văn Lang tham gia Workshop "Thiết kế cùng cộng đồng"

(TT. Thông tin – Văn Lang, 21/1/2014) – Từ ngày 4 – 14/1/2014, khoa Kiến trúc Xây dựng và khoa Công nghệ & Quản lý Môi trường đã cử 4 sinh viên, 3 học viên cao học tham gia Workshop "Thiết kế cùng Cộng đồng" tổ chức tại Trường ĐH Bách khoa Tp.HCM. Workshop tập trung xoáy vào các vấn đề trong thiết kế và phát triển ổn định, bền vững cộng đồng trên mọi phương diện: xã hội, văn hóa, an ninh, giáo dục, môi trường, nhu cầu thiết yếu…

COMMUNITY PARTICIPATORY DESIGN WORKSHOP Cộng đồng góp tiếng nói và tham gia ngày một chủ động, trực tiếp và tích cực vào các kế hoạch phát triển của địa phương đang là xu hướng tiến bộ trên thế giới, vì cộng đồng chính là đối tượng chịu tác động trực tiếp của các chính sách, hiểu biết rõ nhất các vấn đề cũng như nhu cầu của chính bản thân họ. Thiết kế cộng đồng được hiểu trên phương diện đa ngành, bao gồm cả thiết kế quy hoạch, kiến trúc, môi trường, hạ tầng, hệ thống, sản phẩm,… Những năm gần đây, phục vụ phát triển bền vững, thiết kế cộng đồng chuyển dịch dần từ “thiết kế cho cộng đồng” (công đồng hoàn toàn thụ động trước các phương án thiết kế của chuyên gia) sang “thiết kế cùng công đồng” (cộng đồng tham gia vào các phương án thiết kế của chuyên gia) và mức chủ động cao nhất là “thiết kế bởi cộng đồng” (công đồng nắm vai trò chủ động trong các phương án thiết kế cho địa phương, các chuyên gia đóng vai trò tư vấn, nâng cao năng lực, tạo đà hoặc xúc tác…) Trên tinh thần này, trường Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore (Singapore University of Technology and Design - SUTD) phối hợp cùng Đại học Bách khoa Tp.HCM tổ chức “Community Participatory Design Workshop” từ ngày 5 đến 14/1/2014 tại Đại học Bách khoa Tp.HCM. 9 sinh viên,học viên cao học và giảng viên của trường ĐH Văn Lang (khoa Kiến trúc – Xây dựng và khoa Công nghệ & Quản lý Môi trường) được mời tham gia thiết kế ý tưởng trong Workshop. Với đặc điểm liên ngành, đa văn hoá, sinh viên tham gia Workshop có cơ hội giao lưu, mở rộng kiến thức ngành; học tập phương pháp nghiên cứu, thiết kế; và phát triển tư duy giải quyết vấn đề dựa trên nền tảng xã hội, cộng đồng.

community participatory design workshop 001Xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, Tp.HCM là “đề bài” của Workshop “Thiết kế cùng cộng đồng” 2014. Nằm trong khu vực phát triển năng động bậc nhất Đông Nam Á, Tp.HCM đã và đang trải qua quá trình đô thị hoá, hiện đại hoá mạnh mẽ. Trong quá trình này, rất nhiều vấn đề đô thị nảy sinh cần được nghiên cứu và giải quyết, như vấn đề nhà ở tồi tàn, nhà xây tự phát, manh mún, hệ thống hạ tầng yếu kém và vấn đề ngập lụt, ô nhiễm môi trường, vấn đề hài hoà giữa phát triển và bảo tồn…Workshop không chỉ cho sinh viên cơ hội tìm hiểu rõ hơn về các vấn đề, tìm phương án giải quyết chúng, mà còn để sinh viên chủ động trong mọi công việc, thể hiện khả năng làm việc nhóm, quản lý công việc, cũng như thể hiện quan điểm khi thuyết trình ý tưởng.

 community participatory design workshop 002Các thành viên tham gia Workshop. Những thầy cô hướng dẫn SV gồm TS. Chong Keng Hua (áo đỏ, hàng đầu) và TS. Tô Kiên (áo đen, ngoài cùng bên phải) của ĐH Công nghệ và Thiết kế Singapore; TS .Phạm Thị Anh (hàng đầu, thứ tư từ phải sang), ThS. Lý Khánh Tâm Thảo của ĐH Văn Lang; và các thầy cô của Trường ĐH Bách Khoa Tp.HCM.

Workshop tạo được ấn tượng và cảm hứng cho sinh viên từ ngày đầu tiên. Tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức, phân công lịch trình, nhiệm vụ, làm cho sinh viên có một cái nhìn vừa khái quát vừa cụ thể về quy trình làm việc và đích đến cuối cùng của mình. Tưởng như khác biệt ngôn ngữ và văn hóa sẽ tạo nên rào cản lớn trong quá trình làm việc, thế nhưng, mọi người đã vô cùng thân thiện với nhau, chủ động làm quen, chủ động trò chuyện, trao đổi về văn hóa, các "bức tường băng" được phá vỡ. Qua chương trình này, sinh viên, ngoài việc được trau dồi về ngôn ngữ và khả năng trình bày vấn đề, còn rèn luyện được sự tự tin, khả năng quản lý nhóm và quản lý bản thân, khả năng làm chủ công việc và ứng xử với tập thể, khả năng nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo. Rất nhiều ý tưởng sáng tạo, nhiều phương án cụ thể thiết thực đã được đề xuất dựa trên quá trình tìm hiểu khảo sát kỹ lưỡng và phân tích rõ ràng về thực địa, về cộng đồng dân cư.

community participatory design workshop 003Lớp học của chúng tôi.

Vẫn còn những hạn chế khó tránh khỏi như bất đồng quan điểm trong quá trình làm việc, ý tưởng đưa ra không có tính khả thi, khó khăn trong hợp tác với cộng đồng và chính quyền địa phương để các phương án có thể trở thành hiện thực... Nhưng những bài học thu được sau Workshop là rất cụ thể với mỗi sinh viên chúng tôi. Riêng những ý tưởng thiết kế và xây dựng, chúng tôi mong rằng sau khi được thống nhất, quan tâm từ phía cộng đồng, các cơ quan chức năng, và những người thiết kế, sẽ sớm được đưa vào giải quyết trong thực tế, đóng góp cho lợi ích chung cho cộng đồng.

community participatory design workshop 004Khảo sát thực địa tại vùng bờ kênh phía sau Miếu Bà, Phú Xuân, huyện Nhà Bè.

community participatory design workshop 005Phương án của nhóm A và B

community participatory design workshop 006Phương án của nhóm C và D

Qua mười ngày khảo sát, làm việc trực tiếp tại thực địa huyện Nhà Bè và với cộng đồng, chúng tôi nhận thấy các vấn đề cộng đồng đang đối mặt, chủ yếu là:tình trạng vứt rác bừa bãi do có quá nhiều khu đất trống, ý thức người dân chưa cao; thiếu các hình thức vui chơi, giải trí, thư giãn cho người dân; chưa có nhiều mảng xanh trong khu dân cư; nhiều con đường trong khu dân cư còn hẹp, gập ghềnh, tình trạng ngập lụt do thủy triều; vào mùa mưa, hệ thống thoát nước còn ít; tỉ lệ thất nghiệp cao, sự quan tâm của chính quyền địa phương chưa đồng đều.Chia thành các nhóm, chúng tôi lần lượt đưa ra các phương án thiết kế cộng đồng dựa trên tất cả các thông tin đã thu thập và phân tích.

 Nhóm A và B tập trung tạo sân chơi, một hình thức không gian nhỏ có mảng xanh cho mọi người thư giãn, giải trí; giúp cộng đồng nhận biết giá trị của việc tái chế theo hình thức module (sử dụng vật liệu xây dựng bằng các vật liệu có sẵn, vật liệu tái chế như vỏ chai, lốp xe, cửa sổ hư hỏng, dễ dàng lắp ráp, vận chuyển); xây dựng hệ thống thu gom rác thải dọc bờ sông bằng vật liệu thân thiện với môi trường. Ngoài ra, các bạn khuyến khích cộng đồng sử dụng các mảnh đất chưa được sử dụng để làm các khu vườn trồng rau, trồng cây ăn quả, nuôi động vật, tạo nguồn cung cấp lương thực cho cả khu dân cư mà vẫn tạo được công việc cho những người chưa có việc làm. Nhóm C và D chủ trương đưa mô hình du lịch bằng thuyền ven sông kết hợp tái chế rác thải vào sử dụng, vừa tận dụng được cảnh đẹp có sẵn, tạo một hình thức giải trí thú vị kết hợp tạo công ăn việc làm, vừa giáo dục cho người dân biết giá trị của việc tái chế. Đồng thời tái sử dụng nước, sử dụng các hệ thống máng dẫn nước đưa nước thẳng vào hệ thống nước sinh hoạt. Tất cả những ý tưởng quy thiết kế cộng đồng được đưa ra trên tinh thần thống nhất của sinh viên cả 3 trường, vì chúng tôi không làm việc nhóm theo từng trường, mà chia đều các thành viên của mỗi trường vào các nhóm. Một kế hoạch làm việc chi tiết cùng phương pháp rõ ràng, hiệu quả là điều mà chúng tôi học được, đơn cử như chuyện cái bảng thời gian sau đây:

Ngày 1: tổng quan thực địa; tham quan 4 ấp thuộc xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè.

Ngày 2: chia sinh viên thành 4 nhóm nhỏ, mỗi nhóm đảm nhận khảo sát một vùng thực địa. Sinh viên được luyện tập khả năng phỏng vấn, khả năng ghi chép, nhìn nhận vấn đề.

Ngày 3: phân tích sơ bộ về những vấn đề hiện hữu vừa khảo sát: con người, xã hội, môi trường, ưu nhược điểm...  dưới dạng S.W.O.T, hình vẽ, sketch, mind-map.

Ngày 4: khảo sát thực địa lần nữa, lần này tìm hiểu kỹ hơn về mọi vấn đề, đưa ra được vấn đề nổi cộm nhất, tìm hiểu kỹ thói quen, tập quán sống của người dân địa phương, những nguồn lực mà địa phương sẵn có, sau đó tìm một phương án giải quyết đúc kết từ những vấn đề đã sàng lọc.

Ngày 5: trình bày ý tưởng với người dân địa phương, ghi nhận ý kiến phản hồi của họ.

Ngày 6: free-day để tổng hợp, hoàn thiện ý tưởng.

Ngày 7, 8: sinh viên đổi một số thành viên trong nhóm với nhau. Từ những ý kiến của cộng đồng, tiếp tục phát triển và phân tích thêm về các nguồn lực, thế mạnh cũng như tinh thần đóng góp của xã hội để những ý tưởng trở nên khả thi. Mỗi nhóm chuẩn bị bài thuyết trình cùng 2 phương án cho cộng đồng để thuyết trình với Hội đồng.

Ngày 9: thuyết trình phương án. Phương án ở đây được tổng hợp từ tất cả các yếu tố khảo sát + phân tích + ý tưởng + tính khả thi đã hoàn thành trong các ngày trước. 

community participatory design workshop 007TS. Chong Keng Hua hướng dẫn chúng tôi phân tích kết quả chuyến thực địa đầu tiên theo S.W.O.T... (ngày 3)

community participatory design workshop 007Khảo sát ý kiến người dân tại Giáo xứ Phú Xuân, huyện Nhà Bè. (ngày 5)

community participatory design workshop 007Tập trung thực hiện ý tưởng thiết kế. (ngày 6)

community participatory design workshop 007Một nhóm thuyết trình phương án thiết kế gồm SV Văn Lang và SV SUTU (Singapore). (ngày 9)

Một nhóm thuyết trình phương án thiết kế gồm SV Văn Lang và SV SUTU (Singapore). (ngày 9)Đã trở nên thân thiết và hiểu nhau, chúng tôi – những người bạn đến từ Bách Khoa, Văn Lang, và Singapore hẹn sẽ giữ liên lạc với nhau, để gặp lại trong những workshop tiếp theo, với niềm say mê sẽ được nuôi dưỡng từ workshop hôm nay.

 Duy Anh(Sinh viên khoa Kiến trúc – Xây dựng)


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag