TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Bắt đầu từ niềm đam mê

 (TT. Thông tin - Văn Lang, 7/2/2012) - Gặp lại nhau trong một dịp rất tình cờ, cô bé nhí nhảnh của lớp chuyên Tin cùng trường năm nào giờ trở thành một cô gái chững chạc, đang làm công  việc yêu thích của mình, hơn nữa lại có thành tích cao trong học tập và nghiên cứu. Người tôi muốn nhắc đến là bạn Đặng Huyền Châu, Sinh viên khoa Công nghệ & Quản lý môi trường trường ĐH Văn Lang, người vừa nhận Giải Nhất giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam 2011” vừa qua ở Hà Nội. 

Đề tài của Châu mang tên "Nghiên cứu đánh giá khả năng tái sử dụng bã cafe để sản xuất các sản phẩm tái chế" do TS. Trần Thị Mỹ Diệu - GV khoa CN&QLMT trường ĐH Văn Lang hướng dẫn, nhóm Sinh viên khoa Công nghệ & Quản lý môi trường của trường Đại học Văn Lang thực hiện, Đặng Huyền Châu là trưởng nhóm nghiên cứu. Đề tài đã đạt GIải Nhất nhóm ngành Khoa học Kỹ thuật 4. Năm 2011, trong 14 nhóm ngành tham gia xét giải toàn quốc có 13 Giải Nhất, nhóm ngành Khoa học Kỹ thuật chỉ có 1 Giải Nhất. Với danh hiệu “Tài năng Khoa học trẻ Việt Nam năm 2011”, Sinh viên Đặng Huyền Châu (là nhóm trưởng) được nhận phần thưởng là một suất học bổng toàn phần tham dự chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Môi trường ở nước ngoài và cả hai Sinh viên này còn vinh dự được nhận huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” do Trung Ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng. Bên cạnh đó, đề tài: “Nghiên cứu đánh giá khả năng nâng cao hiệu quả xử lý chất hữu cơ trong nước thải sinh hoạt bằng mô hình bùn hoạt tính hiếu khí dạng mẻ cải tiến” do nhóm Sinh viên Hà Vĩnh Phước và Nguyễn Thị Vân Nga (Sinh viên năm thứ 4), Khoa Công nghệ và Quản lý Môi trường, cũng đạt giải khuyến khích. Với những thành tích đó, Trường Đại học Văn Lang đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng Bằng khen đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Sinh viên.

..."Với khoa CN&QL Môi trường, hoạt động nghiên cứu khoa học là định hướng chiến lược trong chương trình đào tạo. Nghiên cứu khoa học vừa là một quá trình đào tạo vừa là kết quả của một quá trình đào tạo dành cho tất cả các bạn Sinh viên. Ở đó niềm đam mê nghiên cứu khoa học được truyền từ thầy sang trò, giữa trò với trò và từ trò sang thầy.

Trong số nhiều Sinh viên và nhóm Sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, trong những năm qua, nhiều Sinh viên đã đạt các giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học các cấp như giải thưởng SONY XANH (giải ba và giải khuyến khích), giải thưởng EUREKA do Thành Đoàn tổ chức (giải ba và giải khuyến khích), giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ (giải khuyến khích), giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2011 (giải nhất và giải khuyến khích), nhiều cựu Sinh viên của Khoa đã nhận học bổng du học theo các chương trình đào tạo bậc thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài và không dừng ở đó, các em lại mang về cho Khoa những giải thưởng đáng quý. Mới gần đây nhất, cựu Sinh viên Khóa 2 của Khoa đã cùng một lúc nhận hai giải thưởng “The School of Civil and Environmental Engineering Research Excellence Award, University of New South Wales, 2011” và “The Outstanding Poster Award at the School of Civil and Environmental Engineering Research Forum, University of New South Wales, 2011”. Những thành quả đó là kết quả của một quá trình phấn đấu không ngừng của bản thân các em và đội ngũ các thầy cô giáo, theo chiến lược phát triển có tầm nhìn của những người sáng lập và phù hợp với định hướng phát triển nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn sâu để phục vụ cho nhu cầu xã hội.

(TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Trưởng khoa CN&QL Môi trường)

Thành tích mà Châu đạt được chứng tỏ tri thức khoa học không giới hạn đối với ai. Nếu có niềm đam mê và quyết tâm chinh phục con đường gian nan ấy thì nhất định sẽ thành công. Kết quả trên không chỉ mang lại vinh dự cho riêng Châu mà còn là niềm vui của tập thể khoa Công nghệ & Quản lý môi trường, trường ĐH Văn Lang.

huyen chau 002Đề tài:"Nghiên cứu đánh giá khả năng tái sử dụng bã cafe để sản xuất các sản phẩm tái chế" do bạn Đặng Huyền Châu làm chủ nhiệm, TS. Trần Thị Mỹ Diệu hướng dẫn là một trong 13 đề tài nghiên cứu vinh dự nhận giải nhất giải thưởng "Tài năng khoa học trẻ Việt Nam 2011" Ảnh: Sinh viên Đặng Huyền Châu trên bục nhận giải (đứng thứ 7 từ trái qua)

Công trình đạt giải nhất của Huyền Châu được Hội đồng chấm giải đánh giá cao về tính ứng dụng và sự sáng tạo trong nghiên cứu. Tác giả công trình đã sử dụng lại bã café đã qua sử dụng để tái chế thành các sản phẩm có thể sử dụng trong cuộc sống và không ảnh hưởng đến môi trường.
Sau ngày trao giải, Châu trở về trường Văn Lang để chuyển một vài hồ sơ cho Khoa. Vừa gặp nhau chúng tôi đã nhận ra ngay vì từng là bạn học chung trường hồi Phổ thông. Chưa hết ngạc nhiên và vui mừng, chúng tôi đã nhanh chóng hòa vào nhau, những câu chuyện một thời dưới ngôi trường cũ, chuyện bạn bè... Không giấu được niềm vui riêng, Châu đã chia sẻ với tôi nhiều thông tin về giải thưởng mà Châu vừa đạt được cùng những dự định trong thời gian tới.

+ + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + +

PV: Châu còn nhớ cảm xúc khi biết mình đạt giải nhất "Tài năng khoa học trẻ Việt Nam 2011" không? PV: Châu còn nhớ cảm xúc khi biết mình đạt giải nhất "Tài năng khoa học trẻ Việt Nam 2011" không? 

Huyền Châu: Có chứ (cười). Châu cảm thấy rất vui, rất hạn phúc và bất ngờ với kết quả Châu nhận được. 

PV: Điều gì đưa Châu đến con đường nghiên cứu?

huyen chau 001Bạn Đặng Huyền Châu và mẹ trong ngày nhận giải tại Hà Nội

Huyền Châu: Quay về khoảng thời gian trước khi bước vô trường Văn Lang, đến giờ Châu cũng không thể  ngờ một cô bé học lớp chuyên Tin từng mơ ước bước vô trường ĐH Y Tp. HCM lại gắn bó với ngành môi trường và có những nghiên cứu thành công như ngày hôm nay. Trở thành Sinh viên của trường Văn Lang với chiếc vé của nguyện vọng hai, Châu từng cảm thấy "thiệt" so với bạn bè. Nhưng khi hòa nhập vào môi trường học tập ở đây, Châu được hấp thụ một môi trường học tập tố. Các thầy cô ở khoa là những người thành công trong lĩnh vực nghiên cứu, là tấm gương cho Châu và các bạn Sinh viên noi theo. Chương trình học, điều kiện thực hành thí nghiệm và những gợi mở của thầy cô trong quá trình giảng dạy đã định hướng cho Châu đi theo con đường này.  

PV: Giải thưởng này với Châu có ý nghĩa thế nào?

Huyền Châu: Giải thưởng mang lại niềm vui và động lực rất lớn cho Châu. Nhưng quan trọng hơn hết, điều mà Châu trân trọng chính là nhiệt huyết, niềm đam mê mà các thầy cô truyền cho mình. Đó giống như hạt giống, ươm mầm cho những thế hệ Sinh viên khoa CN&QL Môi trường như Châu có được giải thưởng như hôm nay. Tất cả tưởng chừng rất bình thường như lại là cơ duyên lớn cho Châu tìm thấy hướng đi cho mình sau này. Nghiên cứu về lĩnh vực môi trường trước giờ có rất nhiều công trình, có tính ứng dụng trong xã hội cao. Đó vừa là áp lực và cũng là tấm gương cho Châu phấn đấu. Bất cứ lĩnh vực nào, khi bước vào con đường nghiên cứu đều phải có một đam mê, đặc biệt với khối ngành kỹ thuật đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn vì phải qua rất nhiều những thử nghiệm khác nhau để cho ra một kết quả sản phẩm chính xác và mang lại lợi ích cho cộng đồng.

PV: Mọi người rất ấn tượng với đề tài nghiên cứu của Châu, bạn có thể chia sẻ tại sao bạn chọn đề tài nghiên cứu sản phẩm tái chế từ bã café?

Huyền Châu: Điều đầu tiên xuất phát từ chương trình học của Châu, những gợi ý của những thầy cô trong khoa đã khơi gợi cho Châu một sự tìm tòi nghiên cứu. 

Hơn nữa, nhà Châu ở Bình Dương, gần đó có nhiều quán café. Mỗi ngày Châu nhận thấy lượng bã café thải ra từ những quán café rất lớn. Trong nhóm Châu cũng có một bạn ở quê trồng café, hai bạn mới hội ý nhau và hình thành nên ý tưởng này.

huyen chau 00 cafeBằng chất liệu bã cafe, nhóm nghiên cứu của Huyền Châu đã trải qua nhiều công đoạn thử nghiệm để nâng cao chất lượng cũng như hình thức sản phẩm.

Còn một lý do nữa khiến Châu làm đề tài này vì Châu không muốn nghiên cứu chỉ để nghiên cứu. Châu muốn những gì qua một quá trình lao động miệt mài công phu phải mang lại hiệu quả và có tính ứng dụng trong thực tế. Quan sát những gì diễn ra xung quanh mình cùng những kiến thức Châu thu nhận trong quá trình học tập, Châu và bạn đã chọn đề tài này.

PV: Có những khó khăn nào trong quá trình nghiên cứu làm Châu nản lòng không?

Huyền Châu: Có chứ (cười). Đề tài Châu làm có hai phần, một là làm phân compost từ bã café, cái này thì khá đơn giản. Nhưng để làm thanh nhiên liệu từ bã café, Châu phải đi xuống các tỉnh miền Tây tìm đến những cơ sở sản xuất than đá ong hay những cơ sở sản xuất đồ tái chế để nhờ sự giúp đỡ về máy móc. Rất nhiều lần Châu đi nhưng đều gặp thất bại vì những chiếc máy đó không phù hợp với sản phẩm của mình. Những lúc đó Châu rất buồn và nản. Nhưng có một may mắn là trên con đường nghiên cứu của mình Châu luôn được ba mẹ ủng hộ. Châu quay về Bình Dương cố gắng tìm và cuối cùng cũng có một cái máy phù hợp với phương pháp tái chế của mình. Châu rất vui vì cuối cùng những đam mê của mình cũng có kết quả.

PV: Đạt được kết quả này, người đầu tiên Châu muốn chia sẻ là ai?

Huyền Châu: Có ba người Châu cảm thấy rất biết ơn sau khi hoàn thành công trình. Đầu tiên là ba mẹ Châu. Từ khâu đi thu bã café từ những quán café đến những công đoạn phơi khô để chuẩn bị vào khuôn, Châu đều nhận sự hỗ trợ của ba mẹ. Người thứ ba là cô giáo hướng dẫn của Châu, TS. Trần Thị Mỹ Diệu. Điều làm Châu trân trọng nhất chính là cô không cầm tay chỉ việc cho Sinh viên mà luôn có những khơi gợi, hướng dẫn làm động lực thúc đẩy cho Sinh viên tự nghiên cứu. Chính những tiết giảng đầu tiên của cô trên lớp đã gợi mở cho Châu niềm yêu thích nghiên cứu và dẫn dắt  Châu đến ngày hôm nay.

PV: Với kết quả Châu vừa đạt được, dự định dắp tới của Châu là gì?

Huyền Châu: Trong thời gian tới, Châu sẽ cố gắng hoàn thành các bước cải tiến trong đề tài của mình, song song đó Châu sẽ trang bị thêm về ngoại ngữ để đủ điều kiện nhận suất học bổng đào tạo thạc sĩ ngoài nước mà Bộ giáo dục dành cho Châu trong giải thưởng này. Châu sẽ chọn một trường phù hợp với chuyên ngành đào tạo mà Châu đang theo đuổi để trang bị thêm kiến thức về ngành học. Đó sẽ là những nền tảng tri thức để sau này Châu có thể làm thêm những công trình phù hợp phục vụ cho đất nước mình. 

PV: Cảm ơn Châu với buổi trò chuyện hôm nay. Xin chúc mừng vì Châu đã đạt được kết quả cao trong công trình nghiên cứu của mình. Chúc Châu gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống cũng như con đường nghiên cứu sắp tới.

+ + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + + 

14 nhóm ngành qui định tham gia xét giải "Tài năng khoa học trẻ Việt Nam"
Khoa học Tự nhiên 1 (TN1) Toán học, vật lý, cơ học
Khoa học Tự nhiên 2 (TN2): Hóa học, sinh học và các khoa học trái đất
Khoa học Kỹ thuật 1 (KT1): Điện, điện tử, cơ khí, luyện kim, KTnhiệt, công nghệ vật liệu, tự động hóa, các quá trình công nghệ
Khoa học Kỹ thuật 2 (KT2): Xây dựng, kiến trúc, mỏ, địa chất, giao thông, thuỷ lợi.
Khoa học Kỹ thuật 3 (KT3): Máy tính và công nghệ thông tin.
Khoa học Kỹ thuật 4 (KT4): Công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, công nghệ hóa học, công nghệ thực phẩm.
Kinh doanh và quản lý 1 (KD1): Tài chính - ngân hàng - bảo hiểm
Kinh doanh và quản lý 2 (KD2): Kinh doanh, kế toán - kiểm toán, quản trị - quản lý.
Khoa học Xã hội 1 (XH1): Ngôn ngữ, văn học, khoa học chính trị, triết học, luật học.
Khoa học Xã hội 2 (XH2): Kinh tế học, xã hội học và nhân học, báo chí, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, an ninh và trật tự xã hội, quân sự.
Khoa học Xã hội 3 (XH3): Khách sạn, du lịch, kinh tế gia đình và dịch vụ cá nhân, DV xã hội, DV vận tải
Khoa học Giáo dục (GD): giáo dục học; quản lý giáo dục; phương pháp giảng dạy; nội dung, chương trình các môn học, thiết bị dạy học; tâm lý giáo dục.
Khoa học Nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp (NLN)
Khoa học Y - Dược (YD)


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag