(TT. Thông tin – Văn Lang, 14/11/2011) – Không có gì khó hiểu khi Hội trường C001 của trường ĐH Văn Lang chật cứng SV trong buổi chiều 10/11/2011. Đã lâu rồi, một không khí đam mê của học thuật và tinh thần lao động khoa học lại được nhen lên trong rất nhiều SV Văn Lang…
Sức hấp dẫn của Hội thảo trước hết đến từ uy tín của diễn giả, họa sĩ – nhà phê bình nghệ thuật Phan Cẩm Thượng. Ông nổi tiếng trong giới mỹ thuật không chỉ với vai trò sáng tác và dạy học, mà còn bởi ông làm được một việc rất cần cho mỹ thuật đương đại, ấy là phê bình mỹ thuật và nghiên cứu văn hóa cổ truyền. Tháng 6/2011, họa sỹ Phan Cẩm Thượng ra mắt quyển khảo cứu “Văn minh vật chất người Việt”, một công trình vừa rất công phu, “đạt tới chiều kích nghiên cứu đáng nể trọng” (họa sĩ Nguyễn Quân), vừa giản dị, vừa phải trong hình thức thể hiện. Sách được tái bản ngay sau tháng đầu tiên phát hành. Buổi Hội thảo chiều 10/11 tại trường ĐH Văn Lang đã được dựng trên nền của việc giới thiệu quyển sách “Văn minh vật chất người Việt” ấy.
Chủ đề văn minh vật chất người Việt mà họa sỹ Phan Cẩm Thượng nói chuyện với SV Văn Lang rộng và khó, như họa sỹ tự nhận. Cái khó nữa đến từ độ chênh trong tiếp nhận, khi những câu chuyện về đời sống, sinh hoạt, văn minh chủ yếu của vùng đồng bằng sông Hồng được kể cho những SV miền Nam. Nhưng đó không phải là vấn đề lớn, thật thế, bởi bản thân văn minh vật chất người Việt cũng lại là một chủ đề giản dị, thân quen với cuộc sống của chính SV, qua những đồ vật các bạn đã dùng, đã thấy, đã biết qua sinh hoạt gia đình, qua kinh nghiệm xã hội. Những đồ vật ấy làm nên thế giới vật chất mà ta sống, biến đổi nó và cùng tiến hoá với nó. Vì thế, vừa vui mà cũng chẳng có gì lạ khi nhiều SV đặt câu hỏi với diễn giả, có khi tán vấn đề ra rất rộng.
Hơn thế, Hội thảo “Văn minh vất chất người Việt” có lẽ không chỉ nói về văn minh vật chất.
Qua câu chuyện mà Phan Cẩm Thượng kể bằng cùng một giọng với quyển sách, giọng của một “bà già kể chuyện”, có mấy điều SV Văn Lang có thể học được:
1. Sự quan tâm đến những đồ vật, dù là nhỏ bé nhất. Mỗi đồ vật có một câu chuyện về sự ra đời và gắn bó đối với con người. Qua đồ vật, con người cũng có thể viết nên những câu chuyện. Điều này rõ ràng không chỉ trở nên đặc biệt hữu ích với SV Mỹ thuật Công nghiệp.
2. Thái độ nghiên cứu nghiêm túc nhưng thoải mái trước công việc đồ sộ, khảo cứu một diện tư liệu mênh mông, để bao quát, sắp xếp ngăn nắp, mạch lạc các chủ đề đồng thời tuỳ hứng đi sâu vào những chủ đề mình đặc biệt quan tâm, hứng thú.
3. Với những gì đã quan tâm, hãy đặt hết tâm sức và kiên nhẫn của mình vào đó. Họa sỹ Phan Cẩm Thượng viết sách “Văn minh vật chất người Việt” trong 2 năm, nhưng chắc chắn thời gian ông đắm chìm trong chủ đề này dài hơn thế nhiều lần.
4. Các bạn trẻ hãy tò mò và mở cho mình cánh cửa nhìn vào lịch sử theo một cách không sách vở. Bao nhiêu câu chuyện về đời sống quá khứ và hiện tại đều là chủ đề các bạn có thể viết thêm vào cuốn sách của họa sỹ Phan Cẩm Thượng, coi đó như một công việc chưa kết thúc cần học, dạy, nghiên cứu và viết tiếp.
5. Nghệ thuật và cái đẹp không nhất thiết phải “cao siêu”, cái đẹp ở sự giản dị, hay nói như họa sĩ Nguyễn Quân, “nghệ thuật cao siêu rất đời thường”. Đây là bài học lớn cho SV Mỹ thuật Công nghiệp. Họa sỹ Phan Cẩm Thượng chia sẻ rất chân thành trong Hội thảo: “Tôi đã nhận ra lao động nghệ thuật là đỉnh cao của lao động hàng ngày. Một bức tranh, một pho tượng… đều thể hiện một giá trị tinh túy về tinh thần. Lúc đầu học mỹ thuật, tôi nghĩ mỹ thuật là phải đẹp. Nhưng sau này, nhờ thầy cô, tôi biết rằng mỹ thuật trước hết là nhân văn. Nghệ thuật vì thế rất gần con người. Các bạn SV học mỹ thuật ứng dụng, các bạn phải bắt đầu từ đời sống hằng ngày, từ những gì thân thuộc với mình. Việc nghiên cứu văn minh vật chất sẽ giúp các bạn trẻ nhiều trong thiết kế mỹ thuật, vì thiết kế mỹ thuật cuối cùng cũng là thiết kế cuộc sống…”
Những bài học như thế còn có thể được mở rộng theo những chiều kích rất khác nhau trong mỗi người nghe Hội thảo. Điều đáng ghi nhận là từ một đề tài khó và rộng như văn minh vật chất, họa sỹ Phan Cẩm Thượng đã để lại ấn tượng sâu nhất về sự giản dị, trong phong cách, và trong bài học đúc rút này: Hãy học từ những gì gần gũi con người nhất. Với sinh viên, những người đã và sẽ còn mang nợ với chữ học, thì đây là một gợi mở rất ý nghĩa. Hội thảo “Văn minh vật chất người Việt”, vì thế, là một dấu ấn đẹp cho không khí học tập của SVHS Văn Lang trong năm học này, năm học đang hướng về nhiều vận động mới mẻ của Nhà trường.
Sách "Văn minh vật chất của người Việt
Tác giả: Phan Cẩm Thượng
Sách dày 664 trang, 959 ảnh minh hoạ, 505 hình vẽ minh hoạ.
Sách có 5 chương: chương 1 “Những mặt cắt lịch sử” bàn về đời sống, văn hoá, phương thức sinh hoạt của người Việt cổ; chương 2 “Từ bàn tay đến công cụ” bàn về công cụ lao động; chương 3 “Cơm tẻ là mẹ ruột” bàn về lương thực và ẩm thực; chương 4 “Sống dầu đèn chết kèm trống” bàn về các loại hình sinh hoạt văn hoá; chương 5 “Nghệ thuật và hành vi” bàn về nghệ thuật cổ và tập tục thói quen trong đời sống. Ngoài ra sách còn có niên biểu lịch sử về nền văn minh vật chất người Việt cổ.
NXB Tri Thức phát hành tháng 6/2011, tái bản lần 2 vào tháng 7/2011
Sách hiện có tại Thư viện Trường ĐH Văn Lang.
Nguyễn Thị Mến