(TT. Thông tin – Văn Lang, 18/8/2016) – Ngày 9/8/2016, Sở Tài nguyên Môi trường Tp. HCM phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng về Công nghệ & Quản lý Môi trường (CENTEMA), Trường ĐH Văn Lang và Học viện Công nghệ Quốc tế Sirindhorn (Viện SIIT, ĐH Thamasat, Thái Lan) tổ chức Hội thảo quốc tế về môi trường tại Tp. HCM “International Workshop Solid waste management for sustainable resource utilization" (Quản lý chất thải rắn theo hướng sử dụng nguồn tài nguyên bền vững).
Hội thảo quốc tế: Quản lý chất thải rắn theo hướng sử dụng nguồn tài nguyên bền vững được tổ chức tại Grand Saigon Hotel (số 8 Đồng Khởi, Q. 1, Tp. Hồ Chí Minh), ngày 09/8/2016.
Hội thảo này nằm trong khuôn khổ Dự án “Hệ thống quản lý tổng hợp chất thải rắn hướng đến không chất thải nhằm sử dụng nguồn tài nguyên bền vững tại các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao ở các nước đang phát triển” do Asia Pacific Network for Global Change Research (APN - Tổ chức Mạng lưới châu Á Thái Bình Dương cho nghiên cứu về thay đổi toàn cầu) tài trợ. Dự án được triển khai trong thời gian 2 năm (2015 -2017). Việt Nam và Bhutan là hai quốc gia được chọn để thực hiện thí điểm Dự án này. Sau hội thảo tại Việt Nam, hoạt động tiếp theo sẽ được tổ chức tại Bhutan, dự kiến vào tháng 10/2016.
Tham dự và trình bày tham luận tại hội thảo có đại diện Ban Quản lý Dự án: GS. Alice Sharp, GS. Sandhya Babel (Học viện Công nghệ Quốc tế Sirindhorn, Thái Lan), đại diện của Bhutan – ông Tshering Gyelshen; đại diện Bộ Tài Nguyên & Môi trường - bà Nguyễn Thị Thu Hà; đại diện Sở Tài nguyên Môi trường Tp. Hồ Chí Minh; đại diện Trung tâm CENTEMA, Trường ĐH Văn Lang: TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Trưởng khoa CN& QL Môi trường, TS. Lê Thị Kim Oanh- Phó khoa CN & QL Môi trường, TS. Huỳnh Ngọc Phương Mai, ThS. Nguyễn Kim Thanh. Tham dự hội thảo còn có đại diện các ban ngành: Quỹ Bảo vệ Môi trường Tp. Hồ Chí Minh, Văn phòng Biến đổi Khí hậu Tp. Hồ Chí Minh, Phòng Tài nguyên Môi trường Q. Bình Thạnh, Q. 5, Q. 6, các viện nghiên cứu và trường đại học có đào tạo ngành Môi trường trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Chủ trì hội thảo là Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Tp.Hồ Chí Minh - và TS. Nguyễn Thị Phương Loan – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng về Công nghệ và Quản lý Môi trường (CENTEMA).
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá kết quả sau một năm thực hiện Dự án tại Tp. Hồ Chí Minh qua các hoạt động khảo sát, triển khai thí điểm chương trình phân loại chất thải rắn, đặc biệt là ở một số khu vực thuộc các quận: 1, 2, 3, 5, 6 và Bình Thạnh, từ đó đưa ra phương hướng triển khai tiếp theo trong giai đoạn 2. Thông qua hội thảo đợt này, những người thực hiện Dự án mong muốn nhận được sự hợp tác chặt chẽ, đóng góp ý kiến tích cực từ phía chính quyền các cấp trong việc quản lý chất thải rắn kết hợp với các công nghệ xử lý chất thải rắn, trên cơ sở đó đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn và giải pháp trong công tác quản lý từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tại nguồn ở Tp. Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ trình bày sơ lược hiện trạng quản lý chất thải rắn tại Tp. Hồ Chí Minh hiện nay và nhận định: phân loại chất thải rắn tại nguồn là chủ trương của thành phố. Dự kiến đến năm 2018, chương trình này sẽ được nhân rộng trên toàn thành phố. Tuy nhiên, để thực hiện việc này một cách hiệu quả thì có không ít thách thức. Lượng chất thải rắn sinh hoạt thải ra mỗi ngày khoảng 7.500 tấn. Số lượng rác thải ra mỗi ngày lớn, cộng với thành phần phức tạp, đa dạng yêu cầu phải tìm ra công nghệ xử lý phù hợp. Tại các khu liên hiệp xử lý rác thải trên địa bàn thành phố hiện nay tỉ lệ chôn lấp rác lên tới 70%, đòi hỏi quỹ đất khá lớn mới có thể đáp ứng, trong khi đó diện tích đất của thành phố ngày càng thu hẹp. Hiện nay có nhiều đơn vị đang trình Sở hồ sơ về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tập trung nhiều vào công nghệ đốt với đơn giá hấp dẫn để thành phố có thể cân nhắc, lựa chọn.
Có 13 tham luận được trình bày tại Hội thảo. Nội dung các bài tham luận tập trung vào các vấn đề liên quan đến hiện trạng chất thải rắn sinh hoạt hiện nay, đưa ra các mô hình, công nghệ áp dụng thành công tại một số nước.
Trong tham luận “Quản lý tổng hợp chất thải rắn theo hướng không chất thải đối với sử dụng nguồn tài nguyên bền vững tại các nước đang phát triển”, GS. Alice Sharp đã tổng kết dự án giai đoạn 1 và chỉ rõ: giai đoạn 1 của Dự án chủ yếu là thu thập dữ liệu cơ sở nền, dựa vào đó phân tích đặc điểm của từng quốc gia và có giải pháp, hiệu chỉnh chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn phù hợp và mang tính khả thi cao nhất. Thành công lớn nhất là đã tổ chức được các chuyến học tập và khảo sát thực tế tại các quốc gia là Thái Lan, Bhutan và Việt Nam vào năm 2015.
Bài tham luận của GS. Alice Sharp cũng đã chỉ ra định hướng Dự án sẽ triển khai trong giai đoạn 2, cụ thể: sẽ phát hành bộ hướng dẫn quản lý chất thải rắn, phân loại chất thải rắn tại nguồn, đưa ra bộ tiêu chí để đánh giá các công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp cho từng quốc gia.
Hội thảo cũng dành nhiều thời gian để các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng như đại diện các cấp chính quyền cùng nhau trao đổi, thảo luận xoay quanh hai vấn đề lớn: Hướng dẫn quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng sử dụng bền vững nguồn tài nguyên và Dự thảo Dự thảo quyết định chế tài đối với thực hiện phân loại rác tại nguồn tại Tp. Hồ Chí Minh.
Dự án sẽ tiếp tục thực hiện triển khai mô hình trao đổi chất thải trên địa bàn P. 12, Q. 6 (đổi chất thải có khả năng tái chế để lấy các vật phẩm gia dụng như dầu ăn, đường, bánh kẹo…), đồng thời sẽ phát hành tài liệu hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn và đề xuất tiêu chí để đánh giá các công nghệ xử lý phù hợp với điều kiện ở từng quốc gia. Thông qua chương trình hội thảo đợt này, Ban tổ chức mong muốn các nhà quản lý, nhà khoa học với kinh nghiệm của mình sẽ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp, hoạt động, công nghệ để xử lý chất thải, từ đó có thể áp dụng, từng bước cải thiện các vấn đề liên quan đến môi trường, để thành phố ngày càng sạch hơn, đẹp hơn.
ThS. Huỳnh Tấn Lợi - GV Khoa Công nghệ & Quản lý Môi trường