Ngày 12/5/2020, Trường Đại học Văn Lang khai mạc Triển lãm online về thiết kế mỹ thuật quốc tế - ICAD 2020. Đây là sự kiện do Đại học Văn Lang kết hợp với Hiệp hội Khoa học - Nghệ thuật Hàn Quốc và Đại học Handong tổ chức, đánh dấu thành quả sau 5 năm hợp tác quốc tế với đối tác chiến lược Hàn Quốc. Rất nhiều tác phẩm của sinh viên Văn Lang tham gia trong triển lãm này đã thể hiện được khả năng ứng dụng các xu hướng thiết kế nổi bật nhất của năm 2019, cụ thể là 3 xu hướng:
Xu hướng thiết kế 3 chiều và đồ họa chữ nổi (3D Design and Typography)
Các tác phẩm được đánh giá là thiết kế đặc biệt (special) như “Ăn khế trả vàng” của nhóm 4 sinh viên Nghê Nhất Thiên, Phan Ninh Quỳnh Anh, Mai Ngọc Anh, Phạm Quang Thảo Nguyên áp dụng kỹ thuật tạo khối 3D cắt lớp (layers) tạo hiệu ứng hiều sâu cho tác phẩm.
Trong số các đồ án bố cục chữ (Typography), nổi bật về xu hướng này có các tác phẩm “Để Mai Tính” (Ngô Thị Yến Ngọc) sử dụng phông chữ béo tạo hiệu quả căng tròn cho khối, các chữ cái vươn dài và đan cài vào nhau, được bố trí lệch layer dường như muốn nhấn mạnh ý tưởng “sự rối rắm của một công việc chưa được giải quyết”.
Các tác phẩm bố cục chữ như “Scenery of Vietnam Calendar” (Trần Minh Triết), “Galaxy in each person - Ẩn giấu trong mỗi người là một dải ngân hà” (Đặng Ngọc Nam Phương) và các tác phẩm của Lâm Huỳnh Quốc Tuấn, Phan Lâm Vy, Trần Minh Thuận cũng theo đuổi xu hướng thiết kế như trên.
Xu hướng thiết kế bất đối xứng, khước từ sự ngay hàng thẳng lối của lưới nền (Asymmetrical Layouts)
Điển hình của xu hướng này là các tác phẩm “3 days 2 nights” (Nguyễn Thị Tường Vy) được xếp vào danh sách các thiết kế đặc biệt (special).
Bên cạnh đó, xu hướng hồi sinh của phong cách Mid-Century với gam màu hoài cổ và tạo hình đặc trưng là quy về các mảng hình học gọn gàng, đơn giản, tương phản mạnh mẽ bởi đen và trắng hoặc cặp nóng lạnh (xanh - đỏ cam vàng). Ví dụ điển hình cho xu hướng này của năm 2019 đã được ứng dụng rất tốt trong thiết kế bao bì của hãng beer Hoegaarden (Viên Hoàng Ngọc Nguyên).
Ngoài những xu hướng thiết kế nổi bật trên thế giới trong năm vừa qua, những tác phẩm của sinh viên Văn Lang tham gia trong triển lãm ICAD lần này cũng đã đặt ra và giải quyết những vấn đề nổi cộm nhất, thiết yếu nhất của xã hội đương đại, trong đó có vấn đề bảo vệ tài nguyên, ngăn ngừa biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Những tác phẩm tiêu biểu trong nhóm này là:
“Save the Earth” (Dương Hữu Nghi): Sản phẩm túi đựng gạo thương hiệu Bà Địa được đan hoàn toàn bằng nguyên liệu lá tự nhiên và dây lạt, được dùng cho bao bì của sản phẩm bán lẻ (3-5kg gạo).
“BOOCYLE” (Phạm Huy Long, Nguyễn Thanh Trung Hậu): Sản phẩm xe đạp gấp tiện dụng có khung sườn bằng tre, sợi carbon và linh kiện kim loại. Sản phẩm đề cao tính thân thiện với môi trường không chỉ vì nguồn nguyên liệu chế tác chính là tre – loại cây phổ biến với khí hậu nhiệt đới Việt Nam, mà còn bởi trọng lượng của sản phẩm rất nhẹ và có thể gấp gọn, khiến xe đạp BOOCYLE tăng thêm được số lượng người dùng để di chuyển trên những quãng đường xe kết hợp với phương tiện khác (ô tô cá nhân hoặc phương tiện công cộng), điều mà xe đạp thông thường vốn chỉ có thể giới hạn lượng người dùng để di chuyển hàng ngày trong phạm vi 10-15km.
“Gangster Gamer” (Nguyễn Hùng Bảo): Tác phẩm thời trang sử dụng giải pháp tái chế để bảo vệ môi trường, các nút bàn phím trên keyboard cũ được sử dụng để trang trí cho phụ kiện giày, những họa tiết có hình dạng đồng bộ được in trên áo len tạo ra sản phẩm lạ mắt và độc đáo. Tương tự, tác phẩm “Das La Vie” (Nguyễn Minh Trí) cũng sử dụng những tấm bạt nhựa tái chế để làm vật liệu thời trang gây được ấn tượng mạnh mẽ đối với người xem.
Khác với xu hướng tái chế, một số sinh viên lại hướng đến việc nghiên cứu những vật liệu đương đại, những công nghệ và kỹ thuật thi công tiên tiến nhất với cái nhìn mới mẻ về thiết kế tại Việt Nam, được xếp hạng ngang tầm với các thiết kế quốc tế. Tiêu biểu là đồ án thiết kế Nội thất nhà hàng “Odette et Odile” (Lâm Ngọc Kim). Lấy cảm hứng từ bộ phim Thiên Nga Đen, tác giả đã nghiên cứu và sử dụng vật liệu kim loại chủ đạo kết hợp với các hợp chất resin trong suốt, ít thấy ở các nhà hàng Việt Nam cho đến nay.
Ngoài ra, thách thức và nhiệm vụ không nhỏ mà các sinh viên Văn Lang tự đặt ra cho mình trong nhiều tác phẩm tại đây, đó là sự nỗ lực quảng bá những vẻ đẹp thiên nhiên và những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc đến với bạn bè quốc tế, ví dụ như tác phẩm bao bì “Bonding – Câu chuyện bó đũa” (Lại Lê Kiều Duyên) đã chuyển tải thông điệp về sự đoàn kết của người Việt Nam qua câu chuyện bó đũa, được tác giả lồng ghép vào giải pháp thiết kế không kém phần hiện đại. Bó đũa gồm 6 đôi, mỗi đôi được gói trong một hộp giấy hình tam giác, tạo thành tổng thể khối trụ lục giác buộc bằng dây cũng từ chất liệu giấy. Những tác phẩm khác như “Tấm Cám - chuyện chưa kể”, thiết kế lịch “Chuyện chín giờ” (Nguyễn Thanh Tuấn) cũng mang đậm màu sắc, dấu ấn Việt Nam dưới hình thức chuyển tải hiện đại, dễ dàng được sự đón nhận và thiện cảm của bạn bè quốc tế.
Xem thêm tác phẩm của chuyên gia và sinh viên tham gia Triển lãm ICAD 2020 tại địa chỉ http://icad.vanlanguni.edu.vn
ThS. Hồ Thị Thanh Nhàn
Giảng viên ngành Thiết kế Đồ họa
Trường Đại học Văn Lang