(P.TS&TT - Văn Lang, 28/11/2020) - Ngày 28/11/2020, sinh viên ngành Thiết kế Sản phẩm (Thiết kế Công nghiệp) và Thiết kế Mỹ thuật Truyền thông tương tác của Trường Đại học Văn Lang đã có dịp tham gia Workshop “How to make toys” của Oleander Workshop – đơn vị chuyên sản xuất mô hình, điêu khắc nhân vật, trải nghiệm trực quan nhiều hoạt động và sản phẩm hấp dẫn, thu hút.
Nhiều người vẫn cho rằng Thiết kế Công nghiệp (Thiết kế Sản phẩm) là một ngành khá xa lạ, nhưng thực tế đây là một lĩnh vực gần gũi với cuộc sống con người và có triển vọng bứt phá mạnh mẽ trong xã hội hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Bên cạnh các sản phẩm dân dụng quen thuộc hay lĩnh vực trang sức, chế tạo, ngành Thiết kế Sản phẩm còn khai thác địa hạt đa dạng của lĩnh vực thiết kế mô hình, nhân vật trước sự phát triển vũ bão của các ngành công nghiệp giải trí: điện ảnh, game,…
Mong muốn giúp sinh viên có cái nhìn rộng mở hơn đối với ngành Thiết kế sản phẩm và Thiết kế Mỹ thuật Truyền thông tương tác, Khoa Mỹ thuật và Thiết kế đã kết hợp với Oleander Workshop – đơn vị chuyên sản xuất mô hình, điêu khắc nhân vật,... tổ chức workshop “How to make toys” dành cho sinh viên.
ThS. HS. Phan Quân Dũng, Trưởng Khoa Mỹ thuật và Thiết kế cho biết: “Đây là Công ty đã có thương hiệu lớn làm về các sản phẩm nhân vật tại Việt Nam và nước ngoài, với các thiết kế đa dạng trải rộng trên các lĩnh vực: game, phim, trang trí,… Chúng tôi muốn sinh viên hiểu được trên thực tế ngành này ở Việt Nam đã phát triển như thế nào, tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận doanh nghiệp. Nhiều sinh viên có ý tưởng rất hay, nhưng vì không hình dung được quy trình để ra một sản phẩm hoàn thiện nên có thể sẽ gây trở ngại cho sự sáng tạo xuyên suốt. Không dễ để trường đại học đầu tư một hệ thống máy móc như máy in 3d, máy scan, khác laser,… đáp ứng nhu cầu đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực này, do đó, để hoàn thiện và phát triển hơn, sinh viên cần tiếp cận với thực tế các doanh nghiệp đã và đang triển khai, không chỉ giúp các bạn lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn mà mong rằng sinh viên có thể tạo ra những sản phẩm mới, đột phá, truyền cảm hứng cho xã hội và các lớp trẻ sau này.”
Oleander Workshop chính thức hoạt động vào năm 2017 và đến nay đã có chỗ đứng trên thị trường không chỉ trong nước mà quốc tế. Chia sẻ về hành trình của mình, anh Nguyễn Lê Long Hải, founder Oleander Workshop cho biết: “Mình không có ý định mở studio, ban đầu chỉ là để thỏa mãn đam mê, rồi nhận ra, bản thân rất thích lĩnh vực này. Khi mình làm hết sức, OW có đơn hàng đầu tiên – là chiếc cúp đầu tiên của Liên minh huyền thoại ở Việt Nam năm 2018, như thế mình gắn bó với nghề và hoạt động cho đến bây giờ. Công việc tạo ra sản phẩm rất áp lực nhưng mỗi khi làm xong, cảm giác rất đã, vừa có thể sống với đam mê, vừa đảm bảo được tài chính, điều đó khiến mình rất vui”.
Đến với workshop, sinh viên Văn Lang đã có cơ hội tiếp cận với nhiều kiến thức và kỹ năng mới mẻ như: quy trình sản xuất một sản phẩm hoàn thiện, kỹ thuật sơn và tô màu, đóng gói, công nghệ in 3d, phần mềm ZBRUSH ứng dụng trong sản xuất,... Đặc biệt, trong mỗi lĩnh vực, các bạn đã được trò chuyện với các khách mời là những chuyên gia trong ngành về chuyên môn cũng như những thông tin liên quan đến ngành nghề.
Sculptor Phúc Đặng và những chia sẻ thú vị về bộ môn Sculpt
Là một Sculptor khá nổi tiếng trong giới, khách mời Phúc Đặng từng làm việc tại nhiều công ty danh tiếng cũng như tham gia sản xuất một số dự án phim của Hollywood. Đến với workshop, Sculptor này đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trong nghề về Concept 2d 3d, Sculpting – làm file 3d trên máy, Sculpt cho game và phim cũng như truyền cảm hứng đến sinh viên ngành Thiết kế Công nghiệp ĐH Văn Lang; chia sẻ về áp lực và kinh nghiệm khi làm việc với các đối tác trong nước và nước ngoài, bí quyết để duy trì sở thích, công việc và cuộc sống,…
Là một chuyên gia trong ngành, Sculptor Phúc Đặng nhìn nhận khá thực tế đối với triển vọng của ngành Thiết kế Sản phẩm: “Hiện tại ở Việt Nam, ngành phim cần rất nhiều thiết kế công nghiệp. Ngành phim Việt Nam đang phát triển khá mạnh mẽ và nhu cầu về nguồn nhân lực này chắc chắn sẽ tăng lên không ngừng. Nói về Sculpt cho phim, cho game, với mỗi dự án mình sẽ nghiên cứu mới, có một cách tiếp cận khác, và sau mỗi dự án, mình cảm thấy mình trở thành một con người mới khá thú vị, không nhàm chán, đó là điều mình thích ở ngành này. Bên cạnh đó, mình có thể chủ động được thời gian, tự do làm nhiều thứ, vừa làm việc vừa giải trí.”
Kỹ thuật sơn màu hoàn hảo cùng các Painter
Được mệnh danh là "phù thủy" trong lĩnh vực sa bàn, đã đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi làm sa bàn trên thế giới, sở hữu nhiều mô hình đặc sắc mang giá trị lịch sử cao, đậm dấu ấn đất nước, con người Việt Nam, Painter Lê Xuân Giang đã chia sẻ nhiều điều thú vị về đam mê của mình cho sinh viên Văn Lang cũng như những kỹ thuật sơn và lên màu cho tác phẩm một cách hoàn hảo. Chủ đề mà anh Lê Xuân Giang mang đến đã gây hứng thú với nhiều sinh viên, nhiều bạn hào hứng đặt câu hỏi để hiểu thêm về bộ môn này, như: Nếu em muốn bắt đầu với bộ môn sơn này thì em nên sử dụng những chất liệu, mẫu thử như thế nào? Sơn mô hình sa bàn khác với các loại mô hình khác như thế nào? Khó khăn nào trong việc tìm nguyên liệu để tái dựng sa bàn,…
Chia sẻ với sinh viên ĐH Văn Lang, anh Lê Xuân Giang cho biết: “Thiết kế sa bàn đòi hỏi kiến thức về hội họa, điêu khắc, thiết kế nội thất, kiến trúc điện ảnh, đó là một sự tổng hòa. Tuy nhiên, để có được một tác phẩm hoàn hảo, khó khăn nhất trong thiết kế sa bàn là kỹ thuật và mạch ý tưởng. Hành trình theo đuổi đam mê làm sa bàn thật sự không dễ, nhiều lúc cũng trở nên bế tắc. Nhưng mình không nản, lúc nào cũng tìm tòi để tìm kiếm hướng đi khác. Làm bất cứ công việc gì cũng đòi hỏi đam mê, tâm huyết, sẽ có lúc bế tắc nhưng quyết tâm, thì đam mê sẽ không phụ lòng chúng ta.”
Bên cạnh Painter Lê Xuân Giang, workshop còn có sự đồng hành của painter Tuệ (Ben Nguyễn), Founder DauLauBocKhoi chia sẻ về kỹ thuật sơn mô hình mecha, người máy, gundam và Painter Nguyễn Quang Huy chia sẻ về kỹ thuật sơn figure.
Đặc biệt, là cựu sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa khoá 17 của Trường Đại học Văn Lang, Painter Tuệ (Ben Nguyễn) đã mang đến nhiều chia sẻ khá thú vị cho đàn em của mình: “Mình cảm thấy rất hân hạnh vì được chia sẻ với các bạn về đam mê này và công việc trong tương lai. Cũng như những mô hình khác, sơn người máy có những đặc thù riêng, tích hợp giữa thực tế và giả tưởng, nên phải luôn bám sát vào hai yếu tố này. Đây là điều mình khá tâm đắc."
Là một bác sĩ, đến với bộ môn tạo hình nhân vật để thỏa mãn đam mê, sau nhiều năm tự tìm tòi, luyện tập và theo đuổi nghề tay trái của mình, Painter Nguyễn Quang Huy cũng tích lũy không ít kinh nghiệm trong ngành. Tại buổi workshop, anh chia sẻ: “Mảng làm mô hình nhân vật rất mới ở Việt Nam và hầu như không ai biết khi tụi mình mới bắt đầu. Tụi mình tụ tập theo những hội kín và chia sẻ với nhau về kiến thức cũng rất ít. Ai cũng tự tìm hiểu, mày mò ngày qua ngày, rất mất thời gian, công sức và tiền bạc để được như ngày hôm nay. Thế hệ hôm nay, các em khá dễ dàng với nhiều kênh học đa dạng. Mình tin rằng các bạn sẽ thành công hơn thế hệ tụi mình. Bên cạnh đó, mảnh đất này khá màu mỡ, đây sẽ là triển vọng tốt nếu các bạn kiên trì với đam mê của mình.”
Buổi workshop kéo dài gần 5 tiếng đã mang đến nhiều thông tin cũng như cái nhìn hữu ích không chỉ cho sinh viên mà cả giảng viên ngành Thiết kế Sản phẩm.
Bạn Chung Quốc Thắng, sinh viên năm nhất ngành Thiết kế Công nghiệp bày tỏ sự hào hứng: “Workshop giúp em hiểu nhiều và sâu hơn về cách dựng và tạo ra một mô hình 3D, qua đó, một phần định hướng được công việc của em trong tương lai, tạo cho em động lực, tiếp thêm đam mê về ngành nghề mà mình đã chọn.”
Bạn Trần Hoàng Lan Anh (năm nhất ngành Thiết kế Công nghiệp) cũng chia sẻ: “Đây là một buổi trải nghiệm đầy thú vị, lần đầu tiên em biết được để hoàn thành một mô hình, sản phẩm rất là tỉ mỉ và hiện đại đến vậy. Trước đó em chưa định hình chắc chắn hướng đi sau này, nhưng sau khi tham gia buổi workshop này thì em rất hứng thú và muốn tự tay làm ra những mô hình, sản phẩm mà mình thích. Em tin rằng trong 4 năm đại học em sẽ cố gắng tìm hiểu học hỏi và sẽ làm ra những sản phẩm giống như các anh chị.”
Tại workshop, sinh viên còn có cơ hội chiêm ngưỡng một số sản phẩm trưng bày độc đáo, sắc sảo cũng như mãn nhãn với màn trình diễn điêu khắc (live-Sculpt) 3D trên máy tính của các chuyên gia.
Thiết kế Sản phẩm là một ngành triển vọng, có tiềm năng lớn, nhưng để thật sự thành công và gắn bó với nghề đòi hỏi sự kiên trì, đam mê không ngừng nghỉ. Chính vì vậy, những hoạt động thực tiễn, tiếp cận với doanh nghiệp và những nhân vật thành công trong nghề sẽ góp phần tiếp thêm động lực và truyền cảm hứng đến sinh viên, giúp các em tự tin với ngành nghề đã lựa chọn và phát triển một cách đúng đắn, phù hợp nhất.
Bài: Thanh Tiền
Hình: Oleander Workshop