(P. Tuyển sinh – Văn Lang, 26/4/2018) – Sáng 24/4/2018, Khoa Môi trường & Công nghệ Sinh học, Trường ĐH Văn Lang tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới và sáng tạo” tại Phòng 203A, Trụ sở 45 Nguyễn Khắc Nhu, Q.1, Tp.HCM.
Nhằm tạo dựng và phát triển môi trường trao đổi học thuật, mở rộng quan hệ hợp tác và liên kết đào tạo với các sở, ban, ngành nghiên cứu, Khoa Môi trường & Công nghệ Sinh học, Trường ĐH Văn Lang thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng về hoạt động nghiên cứu khoa học. Sáng 24/4/2018, Hội thảo khoa học “Đổi mới và sáng tạo” của ngành Công nghệ Sinh học đã diễn ra trong không khí học thuật nghiêm túc, với 5 chuyên đề báo cáo của các giảng viên, chuyên gia.
PGS. TS. Trần Minh Tâm – Nguyên Trưởng khoa Công nghệ Sinh học - trình bày về tác động của cộng nghiệp 4.0 đến ngành Công nghệ Sinh học hiện nay về trong tương lai. Cách mạng 4.0 tạo nên xu hướng tự động hóa, trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. "Đối tác" mới của con người là Robot. Công nghệ IOT thay đổi đa diện cách làm việc của người nông dân: thẩm định trang trại, canh tác, trồng trọt, chăn nuôi… giúp công nghệ sinh học tiếp cận và liên kết với các ngành mới trong tương lai.
Hội thảo còn có sự góp mặt của đại diện Công ty cổ phần thiết bị Công nghệ thực phẩm Pháp – Viêt, Trung tâm Công nghệ Sinh học Tp.HCM, Viện Sinh học nhiệt đới - là những nơi đang nhân sinh viên thực tập ngành Công nghệ Sinh học, Trường ĐH Văn Lang. Các khách mời đã mang đến Hội thảo những đề tài nghiên cứu thực tế, bổ ích.
ThS. Dương Đức Hiếu – đại diện Viện Sinh học nhiệt đới - trình bày chuyên đề: Nghiên cứu tuyến trùng gây hại hồ tiêu và giải pháp phòng trừ sinh học
ThS. Phan Minh Hương – đại diện Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM – trình bày báo cáo: Một số kết quả nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực: Nông nghiệp; y dược; thủy sản tại Trung tâm công nghệ sinh học TP. HCM
ThS. Đào Thanh Khê – đại diện Công ty cổ phần thiết bị Công nghệ thực phẩm Pháp – Việt trình bày chuyên đề: Nghiên cứu quy trình sản xuất dầu gấc bằng phương pháp cơ học và có chân không
ThS. Nguyễn Trường Tuyết Kha – cựu sinh viên khóa 16 ngành Công nghệ Sinh học, hiện làm việc tại Spices and Vegetable Ingredients, Olam Vietnam Ltd – trình bày chuyên đề: Hiệu quả thức ăn tảo tươi và đông lạnh (Nannochloropsis sp.) so sánh trên kích thước quần thể rotifer Brachionus plicatilis.
Chị Trường Kha là một trong những sinh viên giỏi ngành Công nghệ Sinh học, Trường ĐH Văn Lang nhận học bổng đi tu nghiệp về nông nghiệp công nghệ cao tại Israel. Chị đã chia sẻ thêm với đàn em những kinh nghiệm học tập, nghiên cứu, sinh hoạt trong thời gian học thạc sĩ tại Israel.
Trong thời gian có hạn của buổi hội thảo, còn một số chuyên đề thú vị chưa kịp báo cáo, như: Nghiên cứu chọn lọc môi trường tối ưu trong nuôi cấy mô sẹo tái sinh cây trồng và kiểm chứng cây chuyển gen do PGS. TS. Ngô Thị Xuyên trình bày; Nghiên cứu một số hoạt tính sinh học của hợp chất alcaloid và flavonoid chiết tách từ rễ cây Khổ sâm (Sophora flavescens) di thực trồng ở Tây Nguyên – Việt Nam do ThS. Cao Ngọc Minh Trang trình bày; Nghiên cứu đặc điểm sinh học và hoạt chất của nấm Cordyceps phân lập tại Langbiang, Lâm Đồng do ThS. Võ Thị Xuyên trình bày. Tuy vậy, với 5 chuyên đề được báo cáo sáng 24/4, đây thực sự là buổi học thực tế hiệu quả cho các bạn sinh viên yêu thích nghiên cứu khoa học có thêm ý tưởng chọn đề tài và phương pháp nghiên cứu đổi mới, sáng tạo. Bạn Nguyễn Phúc – Lớp K20S2 – chia sẻ: Em và các bạn trong nhóm cũng đang có đề tài nghiên cứu khoa học về tảo tươi. Những thông tin mà các thầy cô cung cấp là những điều chúng em đang cần cho đề tài của mình. Em rất thích những buổi hội thảo như thế này.
Tiếp thu các ý kiến của chuyên gia, giảng viên, sinh viên, ngành Công nghệ Sinh học từng bước bổ sung và hoàn thiện chương trình giảng dạy, đáp ứng những nhu cầu thực tế của công việc sau khi các bạn sinh viên ra trường. Nghiên cứu khoa học là điều kiện quan trọng để các bạn sinh viên được tiếp thu các kiến thức thực tế, trau dồi thêm các kiến thức mà các bạn được học trên giảng đường để áp dụng vào thực tế nghiên cứu. Khoa Môi trường & Công nghệ sinh học chú trọng liên kết với các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu và các công ty để các bạn sinh viên mở rộng cơ hội thực tập, nghiên cứu, trải nghiệm thực tế cho công việc sau này.
Ngọc Thi