(P. Tuyển sinh – Văn Lang, 10/11/2018) – Sáng ngày 07/10/2018, Ban giám hiệu Trường Đại học Văn Lang đã tặng Bằng Khen và trao thưởng cho 08 nhóm sinh viên và giảng viên hướng dẫn vừa đạt các giải thưởng học thuật cấp quốc gia. Trong đó, 07 đề tài đạt Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu Khoa học (cấp Bộ) năm 2018, tăng 03 giải so với năm 2017.
Trước đó, ngày 27/10/2018, ThS. Nguyễn Thị Bích Vân – giảng viên Khoa Tài chính Kế toán cùng sinh viên Nguyễn Thanh Trang (Khóa 20, ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường), sinh viên Nguyễn Thị Đoan Trang (Khóa 21, ngành Kế toán) đã đại diện Trường Đại học Văn Lang tham dự Lễ Tổng kết và trao Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2018, do Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Khoa học & Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức thường niên (năm 2018, sự kiện tổ chức tại Đại học Huế).
Năm nay, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 389 đề tài dự thi từ 88 trường đại học, học viện trong cả nước. Trường Đại học Văn Lang gửi tham gia 08 đề tài thuộc các lĩnh vực: Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ; Kinh tế, Khoa học Xã hội & Nhân văn. Trải qua hai vòng sơ khảo và chung khảo, 07 đề tài của sinh viên Văn Lang được chọn trao giải: 02 giải Ba và 05 giải Khuyến khích.
Khoa Môi trường & Công nghệ Sinh học: 01 giải Ba
Đề tài: “Đánh giá chất lượng nước thải sau hầm ủ biogas tại các hộ chăn nuôi ở Củ Chi và đưa ra giải pháp xử lý”
Sinh viên: Nguyễn Thanh Trang
Giảng viên hướng dẫn: PGS. TS. Lê Thị Kim Oanh
Đề tài này xuất phát từ Khóa luận tốt nghiệp ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường Khóa 20, do sinh viên Nguyễn Thanh Trang và Đinh Thị Ngọc Anh thực hiện. Sau buổi bảo vệ ngày 06/6/2018, nhận được nhiều góp ý của Hội đồng, sinh viên Nguyễn Thanh Trang đã tiếp tục phát triển đề tài và đưa thành quả đi dự thi cấp Bộ. Đề tài nhằm đánh giá mức ảnh hưởng của các thành phần ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi heo sau hầm ủ đối với môi trường xung quanh và sức khỏe con người; từ đó, đưa ra công nghệ xử lý mang lại hiệu quả và phù hợp với điều kiện khu vực.
Qua quá trình tìm hiểu, thu thập thông tin, tác giả chú ý đến bèo tây dễ thích nghi với nhiều loại môi trường, tốc độ tăng trưởng rất nhanh,…Trên cơ sở đó, công nghệ hồ sinh học hiếu khí tự nhiên nuôi bèo tây kết hợp MBBR được tiến hành nghiên cứu với mong muốn giải quyết vấn đề ô nhiễm tồn đọng trong ngành chăn nuôi, góp phần làm sạch môi trường và tăng hiệu quả chăn nuôi. Đề tài khóa luận được thực hiện trong 4 tháng, trong đó, khoảng thời gian vận hành các mô hình là quan trọng và khó khăn nhất vì cần phải theo sát quá trình 24/24, liên tục lấy mẫu và phân tích để kiểm soát, kịp thời điều chỉnh nếu có sai sót.
Ở mỗi cấp độ nghiên cứu khoa học (khóa luận, công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ), đề tài có những yêu cầu, chuẩn mực riêng. Các giai đoạn phát triển của đề tài do Thanh Trang thực hiện là một minh chứng cho sự kiên trì nghiên cứu khoa học, luôn cầu tiến và hoàn thiện chính sản phẩm của mình.
Khoa Tài chính Kế toán: 01 giải Ba – 03 giải Khuyến khích
GIẢI BA
Đề tài: “Những nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên đối với chất lượng hoạt động Đoàn – Hội sinh viên ở các trường đại học tại Tp.HCM”
Sinh viên: Nguyễn Lê Diệu Ngân, Nguyễn Thị Đoan Trang, Nguyễn Thị Hồng Nhung
Giảng viên hướng dẫn: ThS. Nguyễn Thị Bích Vân
GIẢI KHUYẾN KHÍCH
1/ Đề tài: “Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn mua phần mềm kế toán Misa ở các doanh nghiệp – Khu vực Tp. HCM”
Sinh viên: Trương Phương Thảo, Nguyễn Thị Thủy Trúc, Nguyễn Thị Thanh Thủy
Giảng viên hướng dẫn: ThS. Lưu Chí Danh
2/ Đề tài: “Đánh giá mức độ đáp ứng của sinh viên ngành Tài chính, Kế toán Trường Đại học Văn Lang đối với yêu cầu của nhà tuyển dụng”
Sinh viên: Võ Nguyên Phương, Trần Đình Tiễn
Giảng viên hướng dẫn: ThS. Nguyễn Thị Bích Vân
3/ Đề tài: “Những nhân tố ảnh hưởng đén sự hài lòng của sinh viên đối với chất lượng thư viện của các trường đại học khu vực Tp.HCM”
Sinh viên: Lưu Thị Kim Yến, Nguyễn Ngọc Kim Ngân, Trương Thị Minh Thúy
Giảng viên hướng dẫn: ThS. Lưu Chí Danh
Năm nay, sinh viên ngành Kế toán ghi dấu ấn đậm nét trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường. Khác với lần dự thi năm 2017, 03 đề tài đạt giải được phát triển từ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Khoa; năm nay, sinh viên Khóa 21 đều đăng ký thực hiện đề tài mới từ tháng 01/2018. Các đề tài do giảng viên gợi ý dựa trên năng lực, sự yêu thích và lĩnh vực thế mạnh của sinh viên, bám sát tiêu chí cuộc thi, góp phần làm nên thành tích đáng tự hào.
Nhóm ba sinh viên tham gia đề tài nghiên cứu về phong trào Đoàn – Hội đều là những cán bộ Đoàn – Hội nòng cốt cấp Khoa, cấp Trường. Lựa chọn đề tài thế mạnh nhưng đầy thử thách khi áp dụng chuẩn nghiên cứu khoa học, với sự hướng dẫn của ThS. Nguyễn Thị Bích Vân, các bạn đã nỗ lực thực hiện khảo sát ở 05 trường đại học: Văn Lang, Kiến trúc Tp.HCM, Kinh tế Tp.HCM, HUTECH, Hoa Sen. Dữ liệu được xử lý bằng phần mềm phân tích số liệu SPSS, theo phương pháp: kiểm định độ tin cậy của thang đo, phân tích tương quan, ước lượng mô hình hồi quy, phân tích phương sai… Sự tỉ mỉ và công phu trong học tập, nghiên cứu của các bạn được đánh giá cao. Chắc chắn rằng, kết quả đề tài với Diệu Ngân, Đoan Trang, Hồng Nhung không chỉ dừng lại ở Bằng khen, giải thưởng; mà qua nghiên cứu khoa học, các bạn đã hiểu thêm rất sâu và hệ thống về công tác Đoàn – Hội để làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn.
ThS. Nguyễn Thị Bích Vân chia sẻ thêm, từ năm học 2018 – 2019, phong trào nghiên cứu khoa học cấp Khoa được mở rộng thêm cho sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng, đến nay các bạn đã có những đề tài đăng ký dự thi. Học phần Nghiên cứu khoa học được bố trí trong chương trình học 2 ngành vào học kỳ 1, năm thứ 3. Sinh viên được rèn luyện khả năng nghiên cứu theo xu hướng mới, chú trọng định lượng (chạy mô hình, phân tích dữ liệu…) thay vi các đề tài thiên về định tính trước đây. Khoa Tài chính Kế toán khuyến khích sinh viên thực hiện nghiên cứu khoa học, nếu đề tài được nghiệm thu cấp Trường sẽ thay thế khóa luận tốt nghiệp (sinh viên không phải thi tốt nghiệp). Đây thực sự là sự khích lệ lớn với sinh viên, đồng thời đánh giá phù hợp công sức, năng lực của sinh viên khi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học.
Khoa Xây dựng: 02 giải Khuyến khích
1/ Đề tài: “Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật và tổ chức thi công xây dựng nhà ở bằng vật liệu 3D. Nghiên cứu cách chế tạo tấm 3D bằng phương pháp thủ công tại công trường để chủ động hơn khi xây dựng nhà ở tư nhân vừa và nhỏ”
Sinh viên: Đỗ Văn Tương, Đỗ Huy Tuấn, Huỳnh Công Tiến
Giảng viên hướng dẫn: PGS. TS. Ngô Quang Tường
2/ Đề tài: “Nghiên cứu thiết kế (kiến trúc + kết cấu) tấm vật liệu 3D và ứng dụng thiết kế một số mẫu nhà ở tư nhân tại Tp.HCM”
Sinh viên: Bùi Ngọc Toàn, Nguyễn Phúc Lộc, Đinh Hoàng Nhật Duy, Nguyễn Quang Vinh
Giảng viên hướng dẫn: PGS. TS. Ngô Quang Tường
Sinh viên Khóa 20 ngành Kỹ thuật Xây dựng là “nhân tố mới” bất ngờ của mùa giải nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm nay. Các đề tài được PGS.TS. Ngô Quang Tường gợi ý và hướng dẫn cho 2 nhóm sinh viên năm cuối thực hiện, nghiệm thu đề tài cấp Trường vào tháng 6/2018.
Những đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên Xây dựng có tính ứng dụng cao, tạo ra sản phẩm và có khả năng triển khai trong thực tế. Do đó, quá trình thực hiện đề tài khá tốn kém về chi phí mua vật tư, nguyên nhiên liệu, tài liệu kỹ thuật, dụng cụ bảo hộ lao động… và cần thiết đi khảo sát thực tế. Đề tài nghiên cứu về “vật liệu 3D” của nhóm sinh viên Đỗ Văn Tương, Đỗ Huy Tuấn, Huỳnh Công Tiến mất 9 tháng để hoàn thành, với đơn vị phối hợp là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng tổng hợp Đông Nam Á. Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả đã góp phần thiết kế thêm các vật liệu bao che và chịu lực thay gạch nung, giảm ô nhiễm môi trường; được Công ty Đông Nam Á nhận chuyển giao.
Nghiên cứu thực chất, ứng dụng được thực tế - là những tiêu chí hàng đầu của nghiên cứu khoa học sinh viên. Thành quả của thầy trò Khoa Xây dựng là tín hiệu vui cho những bước tiến về phong trào hoạt động học thuật của sinh viên khối ngành Kỹ thuật. Hy vọng trong mùa giải Nghiên cứu khoa học sinh viên năm 2019, Trường Đại học Văn Lang sẽ có thêm những đề tài đăng ký dự thi từ nhiều Khoa hơn, ở nhiều lĩnh vực hơn, phát huy thế mạnh chuyên ngành và khai thác năng lực nghiên cứu của sinh viên.
Bích Phương
Ảnh: Nguyễn Linh, tư liệu