TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

NSND Trần Hiếu giảng về ngữ âm tiếng Việt trong thanh nhạc cho sinh viên Văn Lang

 (P. Tuyển sinh – Văn Lang, 22/11/2018) - Sáng hôm qua, ngày 21/11/2018, tại Cơ sở 3 Trường Đại học Văn Lang, Khoa Xã hội & Nhân văn tổ chức thành công Tọa đàm chuyên đề “Kỹ thuật ngữ âm tiếng Việt trong Thanh nhạc” với một diễn giả đặc biệt - NSND Trần Hiếu. 

dai hoc van lang nsnd tran hieu toa dam sv vlu aaCảm kích đón chào NSND Trần Hiếu, KS. Bùi Quang Độ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Văn Lang (áo đỏ, hình trái) đã đến dự Tọa đàm. TS. Hồ Quốc Hùng – Phó trưởng Khoa Xã hội & Nhân văn cùng các giảng viên của Khoa và gần 100 sinh viên ngành Văn học ứng dụng, ngành Thanh nhạc cũng đã có mặt để lắng nghe chia sẻ của người nghệ sĩ lớn.

Trong lời đề dẫn, TS. Hồ Quốc Hùng - Phó Trưởng Khoa Xã hội & Nhân văn giới thiệu khái quát sự nghiệp của NSND Trần Hiếu. Ông là người thầy của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Quang Thọ, NSƯT Quang Huy...; là một trong những người đã góp phần hình thành và thúc đẩy sự phát triển của âm nhạc Việt Nam, là người đã cùng với thế hệ của mình lấy tiếng hát "át tiếng bom", cổ vũ hào khí trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

NSND Trần Hiếu nổi tiếng với chất giọng nam trầm. Ông hát được nhiều thể loại như opera, nhạc đỏ, nhạc trữ tình. Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân vào năm 1997. Ông thể hiện nhiều ca khúc trữ tình và ca khúc cách mạng với sự hài hước, duyên dáng và sâu lắng, tiêu biểu như Con voi (Nguyễn Xuân Khoát), Hò kéo pháo (Hoàng Vân), Lãnh tụ ca (Lưu Hữu Phước), Tôi là Lê Anh Nuôi, Anh quân bưu vui tính (Đàm Thanh)... Ông còn đóng vai chính trong nhiều vở nhạc kịch của Việt Nam và nước ngoài như: Người tạc tượng, Eugene Oneguine, Ruồi Trâu...
 

dai hoc van lang nsnd tran hieu toa dam sv vlu c

Đến với Tọa đàm dành cho sinh viên Văn Lang, NSND Trần Hiếu thể hiện “nội lực đại thụ” của mình qua 3 ca khúc: “Bài ca trên núi”, "Con sáo sang sông", và ca khúc ngẫu hứng "Nhăng nhố à, nhăng nhố ơi" (chưa được công bố trên thị trường âm nhạc Việt Nam) để gửi tặng sinh viên ngành Văn học ứng dụng. Qua các bài hát, NSND Trần Hiếu cũng áp dụng phân tích dấu câu, ngắt câu của kỹ thuật xướng âm trong âm nhạc tiếng Việt, sự khác nhau về cách thể hiện dấu trong phát âm.

Văn học và âm nhạc có một sợi dây liên kết thú vị. Với chủ đề Ngữ âm tiếng Việt trong kỹ thuật thanh nhạc, NSND Trần Hiếu đã trình bày vai trò của ngữ âm trong giao tiếp hằng ngày và trong thanh nhạc. Theo ông, tuy cùng thuộc phạm vi giao tiếp nhưng sự khác biệt giữa ngữ âm của ngôn ngữ đời thường và ngữ âm ngôn ngữ nghệ thuật là ở chỗ: sự tinh tế, nhay cảm trong thể hiện ngữ âm của ngôn ngữ nghệ thuật là yếu tố chính để tạo ra sức lay động. Ông đưa ra các ví dụ cụ thể trong các ngôn ngữ khác nhau như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Ý để làm nổi bật những đặc trưng cơ bản của ngữ âm tiếng Việt, nhất là tính thanh điệu. Tính thanh điệu là điều kiện cho ca sĩ thể hiện đúng các cung bậc tình cảm. Nhưng đây cũng chính là đặc trưng đòi hỏi người thể hiện phải có quá trình học tập, rèn luyện cũng như đặt trọn tình cảm của mình khi biểu diễn một tác phẩm nghệ thuật. Tương tự như vậy, để “cảm” được nhạc, các bạn sinh viên cần hiểu rằng trong âm nhạc, ngôn ngữ luôn được xử lý sao cho âm thanh lời ca bảo toàn tính thẩm mỹ của ngôn ngữ từng dân tộc. NSND Trần Hiếu cho rằng “tiếng hát là một nghệ thuật và ảo thuật trong ngôn ngữ” .

dai hoc van lang nsnd tran hieu toa dam sv vlu d

Với kinh nghiệm gần 60 đi hát, giảng dạy và có nhiều năm liền tu nghiệp tại nước ngoài, NSND Trần Hiếu hướng dẫn chi tiết cho sinh viên biết cách sử dụng các âm tiết trong âm nhạc, hướng dẫn kỹ thuật ngân giọng, rung giọng (ở cuối câu) và nhả chữ (khi phát âm mở và âm đóng) trong cách xử lý từng câu hát. Để sinh viên dễ dàng cảm nhận tính “kết nối” giữa ngôn ngữ và âm nhạc, NSND Trần Hiếu đã thị phạm nhiều dòng nhạc theo nhiều phong cách khác nhau như nhạc bolero, nhạc dân tộc, nhạc cách mạng,… Ngoài những kỹ thuật cơ bản, NSND Trần Hiếu còn hướng dẫn sinh viên thực hiện tốt kỹ thuật tìm trọng âm, nhấn nhá đúng trọng âm, cách nối chữ, luyến chữ trong âm nhạc song vẫn thể hiện “tròn vành rõ chữ” cho người nghe hiểu được. 

Phần còn lại của chương trình, NSND Trần Hiếu trình bày đặc trưng của các làn điệu dân ca Việt Nam. Đây cũng là một công trình mà ông đã có dịp giới thiệu với các nghệ sĩ ở Ý vào những năm 90 trong một chuyến công diễn.

Khép lại buổi Tọa đàm ý nghĩa được tổ chức riêng cho sinh viên ngành Văn học ứng dụng và Thanh nhạc, hai nghệ sĩ Ngọc Mai và Huệ Phấn (Câu lạc bộ Nghệ thuật Ngẫu hứng Trần Hiếu) gửi tặng giảng viên và sinh viên Văn Lang ca khúc Trở lại Huế thương.

Qua buổi giao lưu, sinh viên ngành Văn học ứng dụng và Thanh nhạc không chỉ được sống trong không khí nghệ thuật, được nghe những kinh nghiệm nghề nghiệp của một người nghệ sĩ đích thực mà còn có được những kiến thức về ngữ âm tiếng Việt làm hành trang cho quá trình học tập và thực hành nghề nghiệp.

Lê My tổng hợp
Nguồn: Bộ môn Văn học - Khoa Xã hội & Nhân văn


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag