TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Hội thảo khoa học quốc tế “Social Design - VietNam Design Trend 2025”

 (P. TS&TT – Văn Lang, 10/4/2019) – Từ ngày 9-10/4/2019, Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường Đại học Văn Lang tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Thiết kế cộng đồng - Xu hướng thiết kế Việt Nam 2025" với sự tham gia của các cấp chính quyền, hiệp hội, các chuyên gia, các nhà thiết kế và doanh nghiệp Australia, Hàn Quốc, Hà Lan, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam. 

Hội thảo khoa học quốc tế "Thiết kế cộng đồng - Xu hướng thiết kế Việt Nam 2025" (SOCIAL DESIGN - VIETNAM DESIGN TREND 2025) của Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường Đại học Văn Lang nằm trong chuỗi hoạt động của Workshop Nghệ thuật và thiết kế quốc tế (International Art and Design Workshop - IADW 2019)

vlu25 design conf aVới chủ đề trên, Hội thảo của Trường Đại học Văn Lang đã thu hút 39 bài tham luận, nghiên cứu của các họa sĩ, nhà thiết kế, nhà khoa học trong và ngoài nước. Các tham luận được tập hợp và xuất bản trong tập sách Design Conference: Social Design - VietNam Design Trend 2025 (Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, số ISBN 978-604-68-5469-2).

Thông qua các bài tham luận của chuyên gia giáo dục và chuyên gia thiết kế mỹ thuật, Hội thảo mong muốn tạo ra những đánh giá tích cực về mặt xã hội đối với khái niệm "thiết kế cộng đồng", định hướng phát triển thiết kế cộng đồng theo xu hướng thiết kế thế giới và có vị trí nhất định trong ngành thiết kế thế giới, tác động đến sự phát triển của đất nước nói chung và ngành giáo dục mỹ thuật nói riêng.

Hội thảo khoa học được tổ chức tại Cơ sở 3 Trường Đại học Văn Lang (80/68 Dương Quảng Hàm, Phường 5, Quận Gò Vấp, Tp.HCM; 69/68 Đặng Thùy Trâm, Phường 13, Quận Bình Thạnh, Tp.HCM). 

vlu25 design conf c

Tại Phòng Hội thảo 1 (phòng họp Hoàng Sa 1 - tòa nhà LV Cơ sở 3 Trường Đại học Văn Lang), Chủ tọa Hội thảo gồm TS.Nguyễn Dũng - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang; PGS.TS. Nguyễn Nghĩa Phương - Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, GS. Kim Yang Shu - Đại học Kookmin (Hàn Quốc). Có 08 bài tham luận đã được trình bày tại phòng Hội thảo 1, gồm:

  1. GS. Lee Jin Gu (Đại học Handong, Hàn Quốc) – "Design by Intuition" (Thiết kế với trực giác)
  2. Nhà thiết kế Lee Hee Gon (Hàn Quốc) – "Mascot of PyeongChang 2018 Olympics Winter Games Olympic Winter Games - Design Process and Marketing" (Mascot Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 – Quy trình phát triển và marketing) 
  3. GS. Yahnshu Ghim (Đại học Kookmin, Hàn Quốc) – "Design and Government Administrative Services" (Thiết kế và dịch vụ hành chính nhà nước)
  4. Ông Randall Chung (CEO, LJ Motors, Hàn Quốc) – "Transportation Design" (Thiết kế giao thông vận tải)
  5. Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt (Hội Mỹ thuật Việt Nam) - "A sustainable and traditional material" (Sơn mài chất liệu bền vững và truyền thống)
  6. Diễn giả Park Jun Sang (nhà thiết kế cao cấp – Samsung Elec.) – "Sustainable Design for Community Development" ( Thiết kế bền vững để phát triển công cộng)
  7. TS. Vichaya Mukdamanee (Đại học Silpakorn, Thailand) – "Thailand Bienale, Krabi, 2018 - the collaboration between art, nature and community". 
  8. Họa sĩ Lê Huy Tiếp (Hội Mỹ thuật Việt Nam) – "Fine Arts follows social trends" (Mỹ thuật theo xu hướng xã hội).

vlu25 design cconf b

Thông qua các tham luận, diễn giả và khách mời tham dự Hội thảo tại Phòng Hoàng Sa 1 đã trao đổi nhiều quan điểm khác nhau về mối quan hệ giữa mỹ thuật và thiết kế. Nhà thiết kế Rosihan Dahim (Singapore) cho rằng mỹ thuật và thiết kế có những đặc tính khác nhau trong quá trình sáng tạo: thiết kế dựa trên logic, trí tưởng tượng và trực giác; còn mỹ thuật dựa trên giấc mơ. TS. Hồ Trọng Minh xem nghệ thuật và mỹ thuật là nền tảng gốc rễ để dẫn đến thành công trong mọi công việc thiết kế. Thông qua các ví dụ thiết kế cụ thể (thiết kế linh vật cho Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018, Thailand Bienale, Krabi, 2018...), các nhà thiết kế tiếp tục phân tích sâu hơn về những yếu tố mỹ thuật trong văn hóa truyền thống và văn hóa bản địa tác động vào thiết kế. Tổng kết các phần tranh luận, PGS.TS. Nguyễn Nghĩa Phương cho rằng mỹ thuật và thiết kế có mối liên hệ chặt chẽ từ thời xưa cho đến nay; những nhà thiết kế giỏi nghệ thuật sẽ sáng tạo và phát triển thiết kế tốt theo phong cách của riêng họ.

vlu25 design conf d

Song song, Hội thảo tại Phòng họp Hoàng Sa 2 (tòa nhà LV - Cơ sở 3 Trường ĐH Văn Lang) diễn ra với thành phần Chủ tọa gồm GS.TS.Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch), PGS.TS.Huỳnh Quốc Thắng - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM, GS.Pan Yong Hwan - Đại học Kookmin - Hàn Quốc. Hội thảo đã lắng nghe 09 tham luận:

  1. GS. Pan Yong Hwan (Đại học Kookmin - Hàn Quốc) – "City User Experience Design" ( Thiết kế trải nghiệm cho người thành thị)
  2. NNC. Nguyễn Hữu Thông (Nguyên Viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế), "A reseacher journey to approach the Fine Arts of The Nguyen Dynasty" (Hành trình tiếp cận mỹ thuật triều Nguyễn)
  3. Diễn giả Choi Sung Won (KIDP, Hàn Quốc) – "Digital Media and Public Enviroment Design" (Thiết kế Truyền thông kỹ thuật số và Môi trường công cộng)
  4. NNC.Nguyễn Quân, "Aesthetic awaremess in design and untensils" (Nhận thức thẩm mỹ Thiết kế và Đồ vật)
  5. NNC. Phan Cẩm Thượng (Hội Mỹ thuật Việt Nam), "Communicaton design during the feudal period in VietNam" ( Thiết kế truyền thống thời phong kiến Việt Nam)
  6. TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú (Đại học Công nghệ Sài Gòn), "The value of contemporary arts: connection, interaction, and consonance" (Giá trị nghệ thuật đương đại: sự liên kết, tương tác và cộng hưởng)
  7. Diễn giả Min Young Sam (Chủ tịch DNA, Hàn Quốc) – "Safety Design in Public Sector" (Thiết kế an toàn trong khu vực công cộng). 
  8. Diễn giả Ko Eun Jung (Giám đốc thiết kế, Suwon City Government – Hàn Quốc) – "Universal Design For the City" (Thiết kế phổ quát cho thành phố)
  9. GS.Jung Kyu Sang (Đại học Hyupsung, Hàn Quốc) – "A Strategy of Public Design in Rapid Urbanization" (Chiến lược thiết kế công cộng trong đô thị hóa nhanh chóng)

Với nhiều tham luận của các nhà thiết kế, học giả Hàn Quốc, lấy chủ đề trực tiếp từ thiết kế truyền thống và hiện đại của Hàn Quốc, phòng Hội thảo 2 được dịp trao đổi nhiều quan điểm về vấn đề này. TS. Mã Thanh Cao (nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Tp.HCM - giảng viên Trường Đại học Văn Lang) chia sẻ với tham luận của ông Min Young Sam (Chủ tịch DNA, Hàn Quốc) về tầm quan trọng của di sản văn hóa đối với thiết kế Hàn Quốc. Quan tham luận, ông Min Young Sam đưa ra nhiều ví dụ để cho thấy Hàn Quốc chăm sóc văn hóa truyền thống như thế nào; mặc dù thiết kế hiện đại và đơn giản hơn so với trước đây, nhưng tinh thần truyền thống vẫn tồn tại trong các đường nét và màu sắc thiết kế. 

Lắng nghe nhiều tham luận, nhà nghiên cứu Nguyễn Quân ủng hộ ý tưởng cho rằng thiết kế nên tạo ra xu hướng dẫn đầu thay vì chiều theo nhu cầu của khách hàng. Các nhà thiết kế phải là người tạo ra định nghĩa mới về cái đẹp và dẫn dắt các nhu cầu xã hội, góp phần thay đổi và phát triển xã hội theo hướng đẹp đẽ hơn. Các nhà thiết kế đồng tình rằng trong tương lai không xa, thiết kế xã hội sẽ là xu hướng thiết kế quan trọng.

Tổng kết hai phiên Hội thảo, TS. Nguyễn Dũng và PGS.TS.Nguyễn Nghĩa Phương gửi lời cảm ơn các diễn giả, lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang, Ban tổ chức sự kiện và kết luận:

1. Hội thảo thống nhất nhận định về vai trò quan trọng của Mỹ thuật và Thiết kế Xã hội trong việc góp phần phát triển xã hội một cách bền vững và làm cho con người ngày càng được hạnh phúc hơn. Những kinh nghiệp quý báu về phát triển Mỹ thuật và Thiết kế xã hội của các nước trên thế giới sẽ giúp ích cho việc hoạch định con đường phát triển ở Việt Nam được khả thi và tốt hơn. Thiết kế xã hội đang và sẽ trở thành xu hướng tất yếu trong lĩnh vực hoạt động đặc thù này.

2. Hội thảo đã thống nhất nhận định về thực trạng của mỹ thuật và thiết kế Việt Nam: Mỹ thuật Việt Nam đã phát triển trên cơ sở truyền thống, tiếp thu thành tựu của mỹ thuật thế giới, đã có một vị trí nhất định trong khu vực. Thiết kế xã hội đã xuất hiện ở Việt Nam và có những tiến bộ rõ nét, nhất từ khi tiến hành chính sách đổi mới, thực hiện kinh tế thị trường. Tuy nhiên, ngành kế Việt Nam còn chưa theo kịp xu hướng chung của thế giới, rất nhiều vấn đề cần được nghiên cứu thấu đáo trong lĩnh vực đào tạo cũng như trong ứng dụng thực tế.

3. Định hướng phát triển mỹ thuật và thiết kế Việt Nam theo xu hướng vì cộng đồng và vì con người: Đào tạo mỹ thuật và thiết kế cần có sự thay đổi mang tính chất bước ngoặt theo hướng “học tập phục vụ cộng đồng”. Chương trình đào tạo không chỉ chú trọng đến việc trang bị các kỹ năng chuyên môn, mà còn trang bị các kiến thức nền về khoa học xã hội và nhân văn. Để góp phần phát triển xã hội một cách bền vững và ngày càng nâng cao đời sống người dân, Mỹ thuật và Thiết kế phải vừa tiếp thu được những thành tựu mới trong mỹ thuật, khoa học công nghệ, vừa phải kế thừa và phát huy những giá trị của di sản văn hóa nghệ thuật dân tộc, sự sáng tạo độc đáo của cá nhân người nghệ sĩ. Một trong những điều kiện tiên quyết cho sự thành công là sự ủng hộ, trách nhiệm của các cấp chính quyền TW, địa phương và sự gắn kết với cộng đồng.

4. Trên cơ sở đó, các ý kiến, tham luận, nghiên cứu của hội thảo sẽ được tập hợp trong Kỷ yếu hội thảo, trở thành tài liệu nghiên cứu, học tập cho các thế hệ sinh viên, giảng viên Đại học Văn Lang và có thể được chia sẻ với những cơ sở đào tạo có nhu cầu nghiên cứu, học tập hay các doanh nghiệp quan tâm đến xu hướng Mỹ thuật và Thiết kế xã hội. Đây là nguồn tài liệu quý giá trên con đường phát triển và giao lưu hội nhập quốc tế của Đại học Văn Lang, mang dấu ấn kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Trường.

 

Tuệ Khánh

Ảnh: Nguyễn Linh


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag