(P. TS&TT – Văn Lang, 11/04/2019) - Sáng 10/04/2019, Trường Đại học Văn Lang tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Du lịch cộng đồng và phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa”. Hội thảo thu hút sự tham gia của 25 nhà khoa học nước ngoài, nhà nghiên cứu và giảng viên từ các trường đại học trong nước.
Khoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang là đơn vị tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Du lịch cộng đồng và phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa". Hội thảo nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động VL-25 hướng đến kỷ niệm 25 năm thành lập Trường Đại học Văn Lang, đồng thời là hoạt động cấp tiểu ban của chuỗi Hội thảo khoa học "Trường Đại học Văn Lang trong hội nhập quốc tế" (Van Lang University Goes Global) được tổ chức tại Cơ sở 3 từ ngày 9 đến 10/4/2019.
Hội thảo vinh dự được đón tiếp 16 học giả quốc tế và nhà nghiên cứu du lịch đến từ các trường đại học trong nước, gồm:
- GS. Philippe Bachimon - Giáo sư Địa lý Du lịch tại Đại học Avignon và Pays de Vaucluse, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm ESPACE - DEV (UMR 228 IRD) và đối tác tại PACTE (UMR 5194).
- GS. Chung Hoàng Chương - Người Mỹ gốc Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM.
- Ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng Cục Du lịch.
- GS. Bernard Schéou – Đại học Perpignan - Pháp; giáo sư phụ trách chương trình Hai văn bằng liên kết giữa ĐH Perpignan và Trường ĐH Văn Lang.
- PGS. TS. Nguyễn Công Hoan – Trưởng bộ môn Khoa Du lịch Trường Đại học Tài chính Marketing.
- TS. Võ Sáng Xuân Lan - Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch trường Đại học Công nghệ Sài Gòn
- TS. Nguyễn Thị Việt Hưng – Giảng viên ngành Việt Nam học, Trường Đại học Hồng Đức
- TS. Lê Thanh Tùng – Giảng viên bộ môn Văn hóa Du lịch, Trường Đại học Hải Phòng
- TS. Bùi Thị Hiếu - Giảng viên bộ môn Kiến trúc Kỹ thuật, Trường Đại học Khoa học Huế.
- PGS. TS. Phan Huy Xu – Tư vấn công tác xây dựng chương trình đào tạo Quốc tế Trường Đại học Văn Lang
- TS. Đào Ngọc Cảnh – Giảng viên chuyên ngành Địa lý – Kinh tế xã hội, Trường Đại học Cần Thơ.
- PGS. TS. Huỳnh Quốc Thắng - Trưởng Bộ môn Văn hóa ứng dụng – Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học, Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM.
- TS. Nguyễn Tấn Thành – Trưởng bộ môn Du lịch, Trường Đại học Trà Vinh
- Ông Đinh Hiếu Nghĩa – Giảng viên Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ
- ThS. Huỳnh Hoàng Ba – Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Tp.HCM
- ThS. Vũ Thu Hiền – Phó Trưởng khoa Du lịch – Trường Đại học Tài chính Marketing
- ThS. Trương Thị Kim Thủy – Giảng viên Trường Đại học Cần Thơ.
Đội ngũ giảng viên Khoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang, đã tích cực tham gia tổ chức và đóng góp tham luận cho Hội thảo. Hội thảo còn vinh dự có sự góp mặt của ông Bùi Quang Độ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Văn Lang.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Nguyễn Quý Phương cho rằng: Thực trạng của việc khai thác Du lịch cộng đồng tại Việt Nam đáng được bàn luận trong phạm vi các nghiên cứu khoa học toàn diện. Hiện nay, du lịch homestay ở Việt Nam đang phát triển nhưng không thành công bởi mô hình homestay của chúng ta mang tính tự phát, chưa được tổ chức bài bản và chưa đi vào thực chất. Đặc thù địa lý, cơ sở hạ tầng giao thông chưa phát triển tại các địa phương cũng cản trở sự phát triển của du lịch cộng đồng. Quan trọng hơn cả, khi xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng thì ngoài yếu tố kinh tế, cần hiểu rõ các giá trị văn hóa mình đang nắm giữ để phát triển theo định hướng bền vững. Hy vọng thông qua hội thảo, các nhà khoa học có những đề xuất để hỗ trợ địa phương phát triển du lịch cộng đồng, vừa góp phần phát triển du lịch, cải thiện đời sống cộng đồng, vừa bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.
Mở đầu Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Công Hoan trình bày tham luận "Chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng tại huyện đảo Lý Sơn trong bối cảnh hiện nay". Tham luận làm rõ các vấn đề về chiến lược phát triển sản phẩm mới ở nông trang, làng chài; phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm; đổi mới, phát triển du lịch dành cho các cặp vợ chồng đi tuần trăng mật và phát triển những lễ hội cộng đồng quan trọng ở huyện Đảo Lý Sơn. Đặt vấn đề phát triển du lịch ở một nơi đang phát triển, nơi du lịch tự do vẫn chưa dễ dàng như huyện đảo Lý Sơn; nghiên cứu chỉ ra rằng tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù theo hướng xây dựng phát triển các loại hình sản phẩm du lịch mới trên cơ sở địa-văn hóa thành một sản phẩm du lịch đặc thù sẽ góp phần hình thành những đặc trưng của vùng biển đảo miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung.
Cũng nghiên cứu cụ thể về tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương cụ thể, tham luận của TS. Lê Thanh Tùng, TS. Nguyễn Thị Việt Hưng, TS. Bùi Thị Hiếu, PGS.TS. Phan Huy Xu, PGS.TS. Huỳnh Quốc Thắng tiếp tục bàn về phát triển du lịch cộng đồng ở Thanh Hóa, Huế, Hải Phòng và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đi vào những vấn đề nghiên cứu lý luận chung, GS. Bernard Scheou cùng ThS.NCS. Nguyễn Văn Chất trình bày tham luận “Homestay hơn là du lịch cộng đồng? - Trường hợp Việt Nam”. Đây là chủ đề ông nghiên cứu gần 15 năm và đã có 9 năm đi thỉnh giảng. Ông đặt vấn đề cần hiểu rõ những ưu tiên của Du lịch cộng đồng là gì, làm cách nào để tương tác với người dân địa phương và các tổ chức quốc tế phi chính phủ. Homestay là một loại hình của Du lịch cộng đồng, không chỉ làm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mà còn giúp giải quyết việc làm cho người dân vùng di sản, góp phần tạo sự thân thiện, gần gũi giữa du khách và người dân bản địa cũng như kết nối được các mô hình du lịch. Nghiên cứu soi chiếu thực tiễn tổ chức du lịch cộng đồng, du lịch homestay ở Việt Nam dưới góc nhìn lý luận chuyên ngành, mở ra nhiều vấn đề cần tiếp tục điều chỉnh trong thực tiễn.
Là đồng chủ tọa của Hội thảo, GS. Chung Hoàng Chương đồng thời giới thiệu đến Hội thảo tham luận “Cù lao trên sông: Điểm đến mới của vùng MeKong”. Tuy đã về hưu nhưng ông vẫn dành trọn tâm huyết tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa, môi trường, cuộc sống của người dân quê nhà. Mở đầu tham luận, ông chỉ ra điểm khác nhau giữa 2 đối tượng Tourist (du khách) và Traveler (lữ khách) - một bên là du lịch theo đoàn, một bên là du lịch mang tính hướng ngoại, tìm tòi, khám phá. Ông đặt ra vấn đề làm thế nào để người Traveler quay lại với nơi du lịch của mình, vì đa phần họ là những người thích viết lách, làm phóng sự tốt, một trong những thành viên tuyên truyền về khám phá du lịch mới. Điểm nổi bật trong tham luận của GS. Chung Hoàng Chương là tình yêu đối với con sông Mekong. Bằng tình cảm đau đáu với vùng đất phù sa, giáo sư đặt vấn đề chính yếu trong việc phát triển du lịch ở vùng đất này là: trong vòng 10 năm du lịch MeKong không thay đổi thì cần có gì để hấp dẫn khách du lịch, hấp dẫn sự tò mò của những người lữ khách mà vẫn giữ được tinh túy của nền văn minh sông nước, ví như người con gái vùng đồng bằng sông Cửu Long qua bao nhiêu năm vẫn nhẹ nhàng, đằm thắm.
Ở phiên buổi chiều, GS. Philippe Bachimon trình bày tham luận “Dân tộc tính và du lịch: Hội nhập và đào thải”. Ông bàn về tính dân tộc ở mỗi địa phương, những nơi ông từng đi du lịch, đời sống hằng ngày của người dân tộc thiểu số, các khía cạnh thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là ở Nam Á và Đông Nam Á (Việt Nam, Lào, Ấn Độ). Giáo sư nhấn mạnh một đặc điểm của du lịch bền vững: sản phẩm du lịch phải kết hợp với cảnh quan thiên nhiên. Khi bán một sản phẩm du lịch, cần xác định đặc điểm của các nhóm khách hàng để tạo ra các sản phẩm du lịch có tính xác thực, giúp du khách có thể giữ lại những kỉ niệm, trải nghiệm cho bản thân trong những mô hình du lịch cộng đồng mới mẻ. Thực tiễn du lịch có thể thay đổi theo nhu cầu đời sống hằng ngày nhưng bản sắc văn hóa dân tộc là không thay đổi, cần thống nhất vấn đề này để triển khai du lịch cộng đồng theo hướng bền vững.
Các tham luận tiếp theo của TS. Nguyễn Tấn Thành, ThS. Đinh Hiếu Nghĩa, ThS. Huỳnh Hoàng Ba, ThS. Vũ Thu Hiền, ThS. Trương Thị Kim Thủy bàn về các loại hình phát triển Du lịch cộng đồng, phát triển văn hóa địa phương ở Trà Vinh, Cần Thơ, An Giang và dân tộc người Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, các tham luận chỉ ra các giải pháp đẩy mạnh Du lịch cộng đồng nhằm mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Một số hình ảnh tại Hội thảo Khoa học Quốc tế "Du lịch cộng đồng và phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa" (Trường Đại học Văn Lang, 10/4/2019)
Việt Nam là một trong những quốc gia có nền văn hóa lâu đời với sự phát triển đa dạng của nhiều cộng đồng dân cư trải dài trên ba miền đất nước, là một lợi thế so sánh rất lớn trong phát triển du lịch cộng đồng. Hội thảo khoa học quốc tế về Du lịch cộng đồng và phát triển Du lịch cộng đồng bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa là một hoạt động khoa học ý nghĩa của Trường Đại học Văn Lang theo xu hướng phát triển du lịch trên thế giới. Các nghiên cứu của nhiều học giả nổi tiếng trình bày tại Hội thảo đã thực sự thổi “làn gió” mới vào nhận thức về du lịch cộng đồng, định hướng phát triển du lịch tăng tính bền vững xã hội và kết nối du lịch trong nước với các cộng đồng nước ngoài, đóng góp những góc nhìn giàu tính chuyên môn và mới mẻ về du lịch bền vững trên mảnh đất Việt Nam giàu tiềm năng về du lịch.
Bài: Kim Ngân
Ảnh: Hào Quang