(P.TS&TT – Văn Lang, 16/12/2019) – Sáng nay, Báo Sài Gòn Giải Phóng đăng bài viết của TS. Nguyễn Cao Trí – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Văn Lang, mục Diễn đàn Tp.HCM – Lắng nghe để phát triển về "Hợp tác tư nhân trong phát triển nhân lực ngành Du lịch".
Khát nhân lực
Ngành Du lịch đang được đánh giá là ngành cần nhân sự cao gấp 2 - 3 lần so với các ngành trọng điểm khác (như giáo dục, y tế, tài chính…). Đối với Tp.HCM, một trung tâm lớn về du lịch, đặc biệt với nhiều tiềm năng về du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên), thì từ nay đến năm 2020, nhu cầu mỗi năm cần khoảng 21.600 lao động.
Trong tổng số nhân lực qua đào tạo, trình độ sơ cấp nghề chiếm khoảng 43% năm 2015 và khoảng 43,5% năm 2020; trình độ trung cấp chiếm khoảng 27,5% năm 2015 và 25,5% năm 2020; trình độ cao đẳng và đại học khoảng 28,5% năm 2015 và 29,5% năm 2020; trình độ trên đại học khoảng trên 1% năm 2015 và khoảng 1,5% năm 2020. Trong đó, tỷ lệ nhân lực được bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng làm việc trong tổng số nhân lực qua đào tạo của ngành Du lịch khoảng 35% - 40% thời kỳ 2011-2015 và khoảng 30% - 35% thời kỳ 2016-2020.
Tuy nhiên theo các khảo sát lao động trong ngành Du lịch hiện nay so với yêu cầu của hội nhập, phát triển, cạnh tranh trên thế giới, đặc biệt trong khu vực dịch vụ cao cấp (tiêu chuẩn khách sạn từ 3 đến 5 sao hoặc hơn nữa), thì nhân lực Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu. Khu vực dịch vụ cao cấp có tính cạnh tranh cao, nhưng nhân lực của Việt Nam còn thiếu nhiều kỹ năng quản trị toàn cầu và quản trị chuỗi giá trị đặc thù của ngành. Chẳng hạn, các cơ sở lưu trú và phục vụ ẩm thực, các công ty vận chuyển du lịch; những nhà tổ chức du lịch liên quan đến MICE, thiên nhiên, văn hóa, di sản, thể thao và du lịch mạo hiểm; nghề thủ công và bán lẻ, các công ty công nghệ hỗ trợ.
Thị trường lao động du lịch của Việt Nam có sự đa dạng lớn về yêu cầu và mức độ kỹ năng. Ngành Du lịch trải rộng từ những yêu cầu phức tạp đối với các sản phẩm và dịch vụ 5 sao cho đến các yêu cầu rất đa dạng trong các khu vực kinh doanh nhỏ và không chính thức. Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam cần xác định và ưu tiên đề xuất xoay quanh các chiến lược rõ ràng với định vị giá trị riêng của từng phân khúc. Đó là cách tiếp cận có ưu tiên, có trọng điểm và dồn hết nguồn lực để hoàn thành ưu tiên theo lộ trình.
Hình thành dự án “mẫu”
Chúng ta có thể tham khảo mô hình phát triển nguồn nhân lực du lịch của một số quốc gia Đông Nam Á hợp tác với Học viện William Angliss (Australia) - một học viện đào tạo nguồn nhân lực hàng đầu thế giới. Tại Indonesia, Học viện William Angliss kết hợp với Quỹ viện trợ Australia - Ban Thư ký ASEAN thành lập và tập trung phát triển hệ thống đào tạo quốc gia về du lịch và kỹ năng như: phát triển tiêu chuẩn năng lực công nghiệp, đánh giá ngành đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu đầu tư du lịch ASEAN với các khuyến nghị đầu tư.
Tại Singapore, Học viện William Angliss được Chính phủ Singapore mời thành lập Trung tâm Giáo dục và Đào tạo du lịch (CET) để cung cấp các khóa học chính thức mà chính phủ tài trợ cho người dân Singapore. Học viện William Angliss Singapore cũng tích cực đào tạo cho các học viên trong lĩnh vực khách sạn, sự kiện và du lịch.
Có thể thấy rằng, Chính phủ Indonesia và Singapore linh hoạt trong cách tiếp cận hợp tác khác nhau với đối tác hàng đầu quốc tế, dựa trên sự ưu tiên về chiến lược phát triển nhân lực ngành Du lịch. Đây là bài học quan trọng đối với Tp.HCM để phát triển du lịch thành phố. Cụ thể, Tp.HCM có thể mời tất cả công ty trong nước và quốc tế cùng suy nghĩ và tham gia với cơ chế thưởng, phạt, lợi ích và đầu tư rõ ràng. Một phương thức mời gọi như vậy có thể thông qua cơ chế quỹ (quỹ phát triển du lịch Tp.HCM chẳng hạn), tạo thành một nền tảng để hút các nguồn lực mong muốn đầu tư vào du lịch nói chung và phát triển nguồn nhân lực trong du lịch nói riêng.
Một ví dụ khác là chương trình phát triển nguồn nhân lực (một trong 7 chương trình đột phá của Tp.HCM nhiệm kỳ 2015-2020), hay UBND Tp.HCM cũng đang thực hiện chương trình thu hút tài năng đặc biệt cho thành phố. Những chương trình này hoàn toàn có thể mở rộng để đối tác tư nhân cùng tham gia vì mục tiêu chung cho sự phát triển du lịch thành phố. Các doanh nghiệp mới và đang nổi còn là chìa khóa cho sự thịnh vượng trong tương lai của ngành du lịch Việt Nam. Họ sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao trong ngành du lịch toàn cầu và bao gồm một số lĩnh vực chuyên môn phát triển nhanh nhất như spa/chăm sóc sức khỏe, golf, sòng bài, thể thao…
Để cụ thể hóa ý tưởng trên, chúng tôi đề nghị xây dựng chương trình phát triển 2 - 3 dự án trọng điểm cho nhân lực du lịch của Tp.HCM với cơ chế hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân. Việc thực hiện thành công một vài dự án như vậy không những tạo ra “thành công mẫu” cho du lịch của một địa phương cụ thể, mà còn tạo ra một sự tiên phong quan trọng trong cách làm, cách thực hiện, tạo thành những liên minh đầu tư cho du lịch của cả nước.
Các ngành Du lịch Trường Đại học Văn Lang
Khoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang là một trong những đơn vị đào tạo lâu năm, uy tín trong ngành Du lịch, với mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nhạy bén với xu hướng mới, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài, hướng đến hội nhập ASEAN và quốc tế. 100% giảng viên của Khoa có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; được đào tạo và cấp bằng bởi các trường đại học của Pháp, Úc...
Khoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang hiện đào tạo hai ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, và ngành Quản trị Khách sạn. Khoa có 3 chương trình đào tạo cho sinh viên lựa chọn: chương trình tiêu chuẩn, chương trình đào tạo đặc biệt, chương trình Hai văn bằng Pháp - Việt, chương trình tiếng Anh tăng cường.
Khoa là thành viên tích cực của Tổ chức các trường ĐH khối Pháp ngữ (Agence Universitaire de la Francophonie, AUF), Hiệp hội Du lịch Tp. HCM; gắn bó với công ty du lịch, khách sạn ở Tp. HCM: Ben Thanh Tourist, Sheraton Saigon hotel, Park Hyatt hotel, Saigontourist, Viet Premier, Intercontinetal hotel, Viettravel,…; đồng thời hợp tác đào tạo, nghiên cứu với các trường ĐH trên thế giới: ĐH Perpignan, ĐH Toulouse III, ĐH La Réunion (Pháp); ĐH Prince of Songkla (Thái Lan); ĐH Cadi Ayyad (Ma rốc); ĐH UQÀM (Canada); ĐH Griffiths (Úc),…
TS. NGUYỄN CAO TRÍ
Phó Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Văn Lang