TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

TS. Hồ Quốc Hùng - Đại học Văn Lang: "Văn học ứng dụng - học gì?"

(P.TS&TT - Văn Lang, 07/5/2020) - Vừa qua, Tạp chí Nghiên cứu Văn học của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (số tháng 4/2020) đã đăng bài nghiên cứu của TS. Hồ Quốc Hùng - Phó Trưởng khoa Xã hội & Nhân văn, Trưởng ngành Văn học (ứng dụng) Trường Đại học Văn Lang, bàn luận về chủ đề "Văn học ứng dụng, học gì?" Website Trường Đại học Văn Lang xin đăng tải lại bài nghiên cứu lý thú về một vấn đề mới mẻ và cần thiết, xác lập cơ sở lý luận của đào tạo Văn học ứng dụng.

tapchi thayhung a

Trong Tạp chí Nghiên cứu văn học số 1-2019, chúng tôi có dịp nêu vấn đề này trong chừng mực hiểu biết về xu thế dạy văn dưới góc độ tổng quan qua một vài khía cạnh theo hướng ứng dụng trong và ngoài nước. Liền sau đó, ý kiến bày tỏ thái độ đồng tình của GS. Trần Đình Sử được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu văn học số 3-2019. Giáo sư đã làm sáng tỏ thêm vấn đề và còn nhấn mạnh về sự đòi hỏi bức xúc của đời sống xã hội trong xu thế hội nhập cũng như dự báo tính khả thi của việc ứng dụng văn vào nhiều lĩnh vực phi truyền thống trên tinh thần cổ xúy cho xu hướng mới đang trong thời kỳ định hình ngành học này ở nước ta [1]. Một vài ý kiến khác ngoài lề xoay quanh tính định hướng nghề nghiệp và sự lúng túng trong việc xây dựng chương trình, thậm chí còn đặt vấn đề cần làm rõ cơ sở lý luận, hệ lý thuyết của ngành văn học ứng dụng cũng như chỉ ra sự khác biệt với việc đào tạo văn học truyền thống bậc Đại học. Đấy là những gợi ý đáng suy nghĩ, cần tiếp tục làm rõ. Bàn vẫn cứ bàn, làm vẫn cứ làm, một số cơ sở đào tạo đại học vẫn tổ chức dạy văn học theo hướng ứng dụng một cách tự phát, sinh động, làm cho bức tranh ngày một rõ nét hơn. Nhưng vận dụng như thế nào, bắt đầu từ đâu vẫn là trăn trở của nhiều người có cùng mối quan tâm trong bước đi khởi nghiệp đầy gian nan này. Vì vậy, người viết mong được tiếp tục trao đổi. Hy vọng có thể qua đấy sẽ sáng tỏ thêm nhiều vấn đề, tiến tới xác lập cho văn học ứng dụng một cơ sở khoa học, dần quy chuẩn từ nhận thức đến quy trình đào tạo.

vlu hoquochungTS. Hồ Quốc Hùng, Phó trưởng Khoa Xã hội & Nhân văn Trường Đại học Văn Lang. TS. Hồ Quốc Hùng là người tiên phong mở ngành Văn học ứng dụng tại Việt Nam.

1. Mỗi khoa học ứng dụng bao giờ cũng dựa trên nền tảng, đặc thù của chuyên ngành cụ thể để khai thác những khía cạnh phù hợp khi đưa vào cuộc sống. Những đặc trưng ấy đối với văn học ứng dụng, xét dưới góc độ nào cho phù hợp với mục tiêu đào tạo là điều rất cần làm rõ. Đặc trưng của đối tượng nghiên cứu được xác lập từ cách tiếp cận khoa học. Mỗi cách tiếp cận sẽ chỉ ra những khía cạnh nào đấy thuộc bản chất của đối tượng. Sự đa dạng của các hướng tiếp cận sẽ tạo ra nhiều lý thuyết khác nhau. Nếu không lựa chọn hướng đi tiếp cận phù hợp, sẽ lãng phí khi đưa khối lượng kiến thức dư thừa cho người học trước yêu cầu của việc tác nghiệp về sau. Do đó, đối với văn học, trước hết cần minh định lại việc đưa/vận dụng tri thức văn chương vào các lĩnh vực hoạt động phải dựa trên nền tảng đặc trưng của tư duy nghệ thuật, hay còn gọi là tư duy hình tượng. Đấy là nét đặc thù của tư duy văn học, cần được khám phá, mà dù ở góc độ nào của các lý thuyết vẫn có thể lẫy ra những khía cạnh phù hợp phục vụ cho việc ứng dụng văn học vào những công tác có khi phi truyền thống.

Cần phải nhắc lại, mục tiêu đào tạo ngành văn truyền thống ở bậc đại học thiên về nghiên cứu sâu các quy luật sáng tạo, cấu trúc tác phẩm, truy tìm các giá trị nghệ thuật, đạo đức, chính trị-xã hội để phục vụ cho việc giáo dục, giáo dưỡng hay công tác báo chí, truyền thông. Về bản chất đấy cũng là hoạt động ứng dụng nhưng bị khuôn hẹp trong một giới hạn nhất định. Đi theo hướng ứng dụng, buộc phải mở sang hướng đào tạo rộng hơn mà ở đấy công việc lắm khi xa lạ với các thao tác quen thuộc nên hạn chế không ít đến phương pháp tác nghiệp vào các lĩnh vực mới. Vì vậy, mục tiêu của văn học ứng dụng không chỉ dừng lại ở việc lấy tác phẩm làm đối tượng khảo cứu, truy tìm các giá trị mà còn phải xem là khối lượng tri thức mang tính công cụ để tác nghiệp theo hướng đa hệ cho người học sau khi ra trường, điều mà chúng tôi đã có dịp trình bày trước đây. Chuyển hướng đó đòi hỏi phải làm rõ mối quan hệ giữa tư duy hình tượng liên quan như thế nào với tư duy của nhiều lĩnh vực đòi hỏi nhiều về tính logic. Hai kiểu tư duy này dung hợp, tương tác theo nguyên tắc nào, vai trò của nó trong việc rèn luyện các kỹ năng ra sao là điều đáng bàn ở đây.

Tham khảo định hướng các chương trình văn học ứng dụng ở một số nước Phương Tây, cho thấy, người học được chú trọng rèn luyện một số kỹ năng: đọc, viết, phản biện…, nhất là tư duy phê phán hoặc phân tích, đánh giá một vấn đề qua việc xây dựng văn bản. Nói như GS. Trần Đình Sử, học văn là nghề đọc và viết. Như vậy, chương trình văn học ứng dụng tập trung rèn luyện kỹ năng tư duy logic hơn tư duy hình tượng, lý tính nhiều hơn cảm tính. Ngoài việc đọc hiểu, cảm thụ, phân tích những tác phẩm kinh điển, phải học một số vấn đề về lý luận văn học, thì mục tiêu cuối cùng vẫn phải rèn luyện nhiều kỹ năng khác. Những vấn đề ấy cần được nhìn nhận dưới góc độ kỹ năng thao tác sáng tạo của nhà văn ở cấp độ cấu trúc tư duy hay quy trình nhận thức hơn là các thao tác phân tích, đánh giá tác phẩm. Điều đó không có nghĩa việc học văn theo hướng ứng dụng không quan tâm đến tư duy nghệ thuật mà quan trọng hơn là dùng lý trí để khám phá quy trình kiến tạo tác phẩm. Nhờ thao tác này sẽ thấy tính logic chặt chẽ ở nhiều công đoạn mà người học có thể lẫy ra để học tập, rèn luyện kỹ năng xử lý công việc. Từ một lĩnh vực chú trọng tìm hiểu các giá trị đặc thù của văn học chuyển sang khám phá quy trình vận hành, với công năng khác để ứng dụng vào thực tế là một sự chuyển hệ cực kỳ phức tạp. Theo GS Trần Đình Sử: “Lý thuyết, tri thức (của văn học - HQH nhấn mạnh) và ứng dụng là hai lĩnh vực liên quan mật thiết với nhau nhưng không phải là một” [2]. Vậy cơ sở khoa học nào để kết nối hai lĩnh vực hoạt động này? Theo chúng tôi, có lẽ phải đi sâu tìm hiểu bản chất cấu trúc của tư duy sáng tạo văn học dưới góc độ mở rộng giới hạn sang phạm vi các lĩnh vực khác để xem các thao tác của nhà văn như là một tổng thể về hoạt động nhận thức cùng một lúc phối hợp các hệ khác nhau, một vấn đề không hề đơn giản.

2. Ai cũng hiểu, tác phẩm văn học là kết quả của một quá trình thai nghén, dồn nén cảm xúc, tư tưởng và lựa chọn cách thức biểu đạt bằng công cụ ngôn từ của nhà văn. Đó là kết quả của quá trình tương tác giữa người sáng tác với thực tế sinh động của thời đại, xã hội nhằm hướng tới sự thỏa mãn nhận thức của người đọc về các phương diện xã hội, mỹ cảm, hướng thiện,... Quá trình này được lý luận đúc kết theo nhiều cách tiếp cận khác nhau. Mỗi hướng tiếp cận là một chìa khóa khám phá thế giới tổ chức tác phẩm, đặc thù tư duy sáng tạo của nhà văn. Tất cả các hướng đi ấy đều được xem là nghiên cứu tuyến tính, trở thành hàn lâm trong nghiên cứu văn học từ trước đến nay. Nó đòi hỏi đi sâu đến các thành tố kiến tạo tác phẩm. Có lẽ vì vậy mà hằn sâu, mặc định vào nhận thức của người dạy, học rằng, văn chương là thế giới đặc thù, là nơi không dành cho kẻ ngoại đạo. Nó tạo nên một rào chắn vô hình khiến cho việc vận dụng văn học khó lòng vươn đến các lĩnh vực khác nhất là đi sâu vào những góc khuất, những ranh giới mờ cực kỳ phức tạp của lý luận khiến cho người học càng xa lánh là điều dễ hiểu. Văn học ứng dụng khác hàn lâm ở chỗ biến các lý luận mơ hồ thành công cụ đưa vào thực tiễn cuộc sống, do đó càng đòi hỏi cách tiếp cận khác với truyền thống.

Vào những thập niên cuối thế kỉ XX, đầu XXI, việc nghiên cứu liên ngành, đa ngành đã mở rộng thêm tầm nhìn về chiều kích của văn học ở những tầng cấu trúc sâu của tác phẩm. Chính điều đó tạo thêm cơ hội, mở ra những cánh cửa khác để khai thác tri thức văn chương ở những khía cạnh phong phú hơn, năng động hơn khi đưa vào ứng dụng trong công việc. Tuy nhiên, trên thực tế, việc chuyển hướng nghiên cứu liên ngành vẫn bị cuốn theo quán tính của việc nghiên cứu tuyến tính khiến cho ứng dụng văn học vào hoạt động phi truyền thống vẫn chưa thực sự khả dụng. Đúng hơn là chưa có đường nét rõ ràng. Ngoài những môn bổ trợ mang tính nghiệp vụ, việc học tác phẩm như thế nào, liên kết về việc khai thác tri thức giữa các ngành như thế nào, nói cách khác học văn phải học cái gì vẫn là bài toán còn nhiều “bí số”. Điều đó đòi hỏi phải có cách tiếp cận văn học cởi mở hơn, đa chiều hơn mới tìm thấy các cung đường của tư duy, giúp người học rút tỉa được những kiến thức, học tập các kỹ năng cần thiết cho việc tác nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Để làm rõ thêm vấn đề này, tác phẩm văn học là kết quả của một hoạt động tư duy phức hợp (À Lapenske complexe – khái niệm dùng của Edgar Morin). Ở đấy, các tri thức thuộc nhiều hệ thống khác nhau, đan cài thành các tầng, được ví như các mắt lưới tạo ra một siêu hệ để xử lý, một vấn đề không hề đơn giản về mặt nhận thức khoa học đối với cuộc sống và con người. Nghĩa là bản thân quá trình kiến tạo văn học đã chứa đựng tri thức liên ngành ở trong nó. Dĩ nhiên mỗi lĩnh vực có quy luật, nguyên tắc vận hành, biểu đạt và thẩm định khác nhau. Cho nên xét mỗi khía cạnh có thể không hợp lý ở quan hệ này nhưng lại phù hợp ở quan hệ khác. Tất cả ấy đều tích hợp trong tác phẩm. Bởi thế, sáng tạo là một quá trình tư duy được dẫn dắt bởi lý tính, cảm tính, nhiều khi bị ẩn chìm trong vô thức, trông có vẻ hỗn độn nhưng lại logic trong từng quan hệ, cấp độ khác nhau.

Theo Edgar Morin, tư duy phức hợp là hoạt động của cơ thể sống, nên nó “tuân thủ theo một tổ chức phức hợp và phong phú, không thể quy giản thành những quy luật tuyến tính, những nguyên lý đơn giản, những ý niệm tỏ tường và phân minh, một nhãn quan cơ giới” [1, trang 73]. Đấy là logic biện chứng của tư duy phức hợp. Nhờ đó, nó tạo nên tính năng động cho tư duy phức hợp, tránh được sự máy móc cứng nhắc khi tiếp cận các vấn đề, hay có thể biểu đạt nhiều tri thức thuộc các hệ thống khác nhau cùng một lúc, hướng tới một nhận thức nào đấy. Nghĩa là tư duy phức hợp có thể tạo ra hay liên kết nhiều hệ thống cùng một lúc để đáp ứng nhu cầu của công việc. Ngay trong việc xây dựng nhân vật, không phải nhà văn nhất nhất tuân thủ một nguyên tắc tập trung xây dựng những tình tiết phù hợp với nhân vật phản diện theo kiểu cổ tích mà có khi vẫn lồng yếu tố, chẳng hạn nhân tính một cách tự nhiên khiến cho nhân vật gần với đời thường hơn. Định hướng này sẽ giúp người học tránh được kiểu duy ý chí hay thao tác theo hướng đơn nhất. Chẳng hạn, nếu làm một kịch bản cho việc tuyên truyền hay PR cho mặt hàng không nhất thiết diễn giải bằng văn bản theo các quy tắc ngữ pháp... mà rất cần vận dụng một lúc nhiều tri thức vốn không hẳn nằm trong hệ thống tư duy nghệ thuật; có thể một quảng cáo vừa có ký hiệu ngôn từ, vừa có hình ảnh biểu trưng đan xen. Về mặt cú pháp có thể thiếu logic nhưng lại có tác dụng đánh vào thị giác và tâm lý người dùng. Đấy không phải là một kết cấu hỗn độn mà có những nguyên tắc riêng do kết hợp liên ngành. Nghĩa là mỗi lĩnh vực hoạt động có những nguyên tắc riêng nhưng có khi phải chấp nhận cái ngoài hệ thống để đạt được mục tiêu chính của công việc. Do đó, “nó cần viện đến phương pháp luận vừa mở (tích hợp cả những cái cũ), vừa đặc thù (mô tả những đơn vị phức hợp)”. Đấy chính là tư duy siêu hệ [1, trang 111-113].

DH van lang van hoc tham quan bao nguoi tieu dung 04“Trải nghiệm tạo hình thành một khối gắn kết” – Bài tập thú vị trong buổi học ngoại khoá của sinh viên Khóa 23 ngành Văn học ứng dụng ở Trường Múa Tp. Hồ Chí Minh.

Khác với tính hệ thống đơn nhất, hệ thống của tư duy phức hợp “nằm ngay ở cấp độ xuyên ngành, cho phép cùng lúc ý thức được tính thống nhất của khoa học lẫn sự phân biệt giữa các khoa học không chỉ dựa vào bản chất vật chất của các đối tượng của chúng, mà còn vào những loại hình và những sự phức hợp của các hiện tượng liên kết/tổ chức.” [2, trang 26]. Nhờ độ mở này mà tư duy phức hợp giúp người học hình thành các kỹ năng tư duy sáng tạo với nhiều mức độ khác nhau. Đấy thực sự là một thách thức đối với cách học truyền thống vốn có thói quen dựa dẫm vào mô hình, công thức, mẫu có sẵn. Nói như vậy, chúng tôi không có ý phức tạp hóa vấn đề hay phê phán thành tựu nghiên cứu văn học về phương diện lý luận và thực tiễn, mà chính là tìm đến một hướng tiếp cận dưới góc độ triết học và hơn thế, đúng hơn là thay đổi phương pháp tiếp cận để có thể đặt nền tảng cho việc bắc cầu, chuyển tải tri thức từ lĩnh vực nghệ thuật sang hoạt động ứng dụng. Từ đó, người học có thể tránh được cách cảm thụ và cách tiếp cận tác phẩm theo kiểu phân cực tốt/xấu, đúng/sai trong hệ tư duy dạy và học cũ mà mãi gần đây, trên tinh thần khai phóng, các nhà khoa học ở ta mới hạn chế được phần nào sự máy móc và cứng nhắc ấy.

Như đã nói, trong một tác phẩm, hình tượng văn học chứa đựng vô vàn các quan hệ mà mỗi quan hệ là một mắt xích có thể bị chi phối bởi nhiều hệ thống tri thức khác nhau. Để tạo nên các quan hệ chằng chịt ấy, người viết phải trải qua một quá trình lựa chọn, tìm kiểu kết nối giữa các quan hệ tối ưu từ việc chọn vấn đề, triển khai ý tưởng, sắp xếp bố cục và các kỹ thuật biểu đạt,... Bởi vậy đối với văn học ứng dụng, người học cần tìm hiểu kiểu tư duy, cách tổ chức và các quy trình thao tác của sáng tạo trên cơ sở cấu trúc, kiểu kết nối của quan hệ được thể hiện qua tác phẩm để phục vụ cho mục đích rèn luyện các kỹ năng cụ thể.

3. Đào tạo văn học ứng dụng ngày nay có thể tham gia vào các lĩnh vực hoạt động: văn phòng, quản lý, truyền thông, hoạt động văn hóa nghệ thuật, kể cả kinh tế, … Ngay cả việc truyền thông ở mỗi lĩnh vực vẫn có những yêu cầu riêng. Chẳng hạn viết content cho một dịch vụ khác với content cho một mặt hàng về mặt kỹ thuật, định dạng. Như vậy, việc mở rộng biên độ ứng dụng của văn học, không còn quẩn quanh tìm hiểu tác phẩm nữa mà cần nhiều năng lực khác như đã nói trên. GS Trần Đình Sử còn khẳng định: “Điều này đòi hỏi đào tạo phải theo hướng liên ngành hóa” [1, trang 111-113]. Nó buộc phải kết hợp với những chuyên ngành khác và tạo ra một hệ phương pháp riêng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của công việc. Để đảm bảo cho việc tác nghiệp các lĩnh vực đa dạng như vậy, chương trình phải cơ cấu nhiều môn học bổ trợ, chẳng hạn các môn học: quản trị đại cương, quản trị nhân sự, ứng dụng văn học văn hóa trong quản trị, tổ chức sự kiện, nghệ thuật và kinh doanh, thể hiện ý tưởng. Mỗi bộ môn bổ trợ sẽ giúp định hướng ứng dụng thấy được yêu cầu cụ thể của các công việc để khai thác hay phân hóa/tách chia thành các nhóm kiến thức, thao tác làm cơ sở cho việc khai thác tác phẩm văn học. Muốn vậy, tri thức văn học buộc phải có độ mở đủ để tích hợp, kết nối nhiều tri thức ngoài văn học. Từ đó chuyển hóa thành kỹ năng viết, lựa chọn các kiểu và kỹ thuật phù hợp mục đích công việc, tạo ra văn bản có hiệu quả tối ưu.

Song song, người học còn phải hiểu, viết như là một hành động mang tính xã hội, cho nên không thể dừng lại ở phạm vi tự thể hiện mà cần phải biết phản biện, đối thoại và nhận phản hồi từ đồng nghiệp, nhằm thuyết phục, tìm sự đồng thuận của đối tác,… Trong quá trình thể hiện, người viết cần phải biết tương tác. Trên cơ sở đó có thể từ một ý tưởng phát triển lên thành một hoặc nhiều cách diễn đạt phù hợp nhiều đối tượng và mục đích khác nhau, bằng những thao tác kỹ thuật khác nhau. Người viết còn phải biết xây dựng chiến lược tổ chức cho các bài viết cùng một chủ đề, còn phải biết phê bình văn bản, đề xuất,... Những kỹ năng này, trong quá trình học, người học chắt lọc từ thao tác, khả năng lựa chọn và thể hiện của nhà văn qua tác phẩm. Chỉ có tư duy đa hệ mới giúp người viết cùng lúc sử dụng/xử lý nhiều dữ liệu theo các mục tiêu khác nhau, đáp ứng tính đa dạng của văn bản.

vlu clb van hoc cSinh viên ngành Văn học ứng dụng Trường Đại học Văn Lang sinh hoạt tại Câu lạc bộ Văn học, với những bài học về tương tác và hợp tác.

Ngoài ra, để xây dựng một văn bản, trước hết người viết rèn luyện cách tìm ý tưởng, tránh lặp lại người khác và của chính bản thân. Đây là một thách thức không nhỏ cho người viết vốn được rèn luyện trong môi trường giáo dục mang nặng tính giáo điều, bảo thủ. Trong quá trình học cần thay đổi thói quen bám vào tri thức cơ bản một cách máy móc từ thuyết giảng, cố gắng tìm cách thoát ly các văn bản hàn lâm, tập thể hiện bản lĩnh trong việc đề xuất, trình bày ý tưởng riêng,… Việc sử dụng học thuật trong lập luận, định dạng chính xác cho trích dẫn, củng cố ý tưởng qua quá trình xâu chuỗi các bài viết,… là một năng lực đòi hỏi sự nỗ lực rèn luyện từ phía người viết mà nếu không thực học sẽ không bao giờ có được. Như đã nêu trên, quá trình rèn luyện đó được tích hợp từ nền tảng hiểu biết tác phẩm và tri thức các ngành học bổ trợ. Chính nó sẽ giúp người học hình thành nền tảng kiến văn tốt cũng như xây dựng tinh thần nhân văn và tác phong khoa học.

Nền tảng kiến văn tốt, hiểu theo nghĩa rộng là năng lực cảm thụ và kiến thức đủ sâu, rộng về khoa học văn chương cộng với kỹ năng kết nối với cuộc sống, với con người. Qua đó, giúp cho người học có thái độ, cảm xúc tích cực đối với con người, cuộc sống và động lực sáng tạo đối với công việc được đảm nhận. Tất cả cộng hưởng tạo nên năng lực giúp người học định hướng trong việc chọn vấn đề, cách biểu đạt, hướng tiếp cận đối với công việc. Về mặt này, các tác phẩm văn học có một lợi thế mà ngành học khác không có.

Có thể nói kiến văn là kết tinh của một quá trình nhận thức mang tính phức hợp, tạo tiền đề cho việc ứng dụng văn học vào công việc. Người học sẽ tìm thấy cách nhà văn hình thành tư tưởng nghệ thuật và đưa các loại tri thức vào thao tác qua kỹ năng biểu đạt mà mỗi lát cắt trong đó cho thấy sự đan cài hợp lý, đủ sức thuyết phục. Sự phong phú, đa dạng tạo ra ma trận về cấu trúc tác phẩm nghệ thuật chuyển hóa thành năng lượng, gợi ý cho người viết ứng dụng vào công việc.

Thử dẫn ra đây trường hợp Cáo Bình Ngô (Nguyễn Trãi). Bài Cáo hình thành trên một ý tưởng cổ vũ niềm tự hào dân tộc về võ công lừng lẫy. Chiến tích ấy là kết quả của hành động cộng đồng dựa trên nền tảng quan niệm về chữ “Nhân, Nghĩa” theo cách riêng của dân tộc. Tiền đề để xây dựng văn bản này bao trùm lên một hệ ứng xử văn hóa của dân tộc đối với kẻ thù truyền kiếp phương Bắc hình thành từ bao đời nay. Và vì vậy nó đạt đến chân lý. Đây là một lựa chọn tối ưu của tác giả. Nếu mục đích của văn bản này chỉ nhằm ca ngợi võ công để khắc thêm niềm tự hào của dân tộc thì chỉ có giá trị tức thời, củng cố niềm tin vào sức mạnh đoàn kết của dân tộc. Hai cách tiếp cận khác nhau dù có thể cùng sử dụng dữ liệu, minh chứng lịch sử. Một bên đi từ gốc văn hóa, sự chiến thắng của sức mạnh văn hóa, một bên ngợi ca chiến công xoay quanh sự kiện trong phạm vi không, thời gian nhất định. Cách tiếp cận văn bản như Cáo Bình Ngô vì vậy trường tồn, vượt thời gian. Đấy là kỹ năng chọn lựa, hình thành, thể hiện ý tưởng (Copywriting). Xây dựng các loại văn bản sáng tạo, rất cần đến kỹ năng lựa chọn. Nếu tiếp cận theo hướng này, người học sẽ được rèn luyện cách xây dựng ý tưởng, cách tiếp cận vấn đề hơn là mô phỏng, sao chép văn bản mẫu, cho dù văn mẫu có giá trị cao về biểu đạt.

Trường hợp Chí Phèo là một sáng tạo của nhà văn Nam Cao, rất có thể được nhào nặn từ mẫu nhân vật dị dạng, nhân vật “phản tỉnh” trong nền văn học cổ điển thế giới. Ta có thể tìm thấy bóng dáng của nhân vật lão gù Quasimodo trong “Nhà thờ Đức Bà Paris” của Victor Hugo qua Thị Nở hay nhân vật Hamlet của William Shakespeare qua việc xây dựng nhân vật Chí Phèo. Dùng cổ mẫu trong văn học nhân loại nhưng lại khoác lên hình hài người nông dân trong bối cảnh xã hội phong kiến thực dân Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX, và các tình huống đặc trưng, tác giả đã tạo nên nhân vật vừa lạ, vừa quen. Hamlet là nhân vật phản tỉnh trên tinh thần đề cao giá trị con người, với sự tỉnh táo, thông minh, dám vạch mặt sự đen tối của tầng lớp thống trị đương thời, báo hiệu cho một Châu Âu đang quẫy mình thoát ra khỏi “đêm trường Trung cổ”. Trong lúc đó, sự phản tỉnh của Chí Phèo qua câu nói bất hủ chỉ dừng ở mức độ ngộ ra sự bế tắc cùng cực của thân phận người nông dân trong xã hội nông nghiệp lạc hậu ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XX. Dĩ nhiên dưới góc độ nào đó, người ta xem Chí Phèo là kẻ lưu manh, nhưng ở góc khác lại là tinh thần phản tỉnh. Sự tồn tại, dung hòa của những đối cực này trong một con người/ nhân vật chính là biểu hiện của tư duy phức hợp. Cùng một kiểu nhân vật phản tỉnh nhưng sáng tạo của nhà văn ở chỗ đó, nó giúp cho tác phẩm mang tầm tư tưởng, tính triết lý vượt lên trên thủ pháp mô tả hiện thực thô thiển. Những kỹ năng sáng tạo như vậy đáng học hơn là truy tìm giá trị tư tưởng, chủ đề tác phẩm mà người học đã được đào luyện khá kỹ ở cấp học dưới hoặc có thể tự tìm hiểu được.

Rõ ràng, nếu tiếp cận văn học theo hướng đi sâu vào cấu trúc tư duy nghệ thuật, tìm ý đồ sáng tạo và các thủ pháp thể hiện, người học sẽ được rèn luyện về năng lực tư duy, kỹ năng lựa chọn ý tưởng, cách thể hiện cho mỗi văn bản tùy theo mục đích của mỗi công việc.

Những điều vừa nêu trên cho thấy tư duy khoa học không hề đối lập với năng lực cảm thụ. Nó có thể chỉ ra các cung đường nhận thức đến cảm xúc. Bởi vậy văn học ứng dụng đòi hỏi tiếp cận tác phẩm ở mức độ cao hơn, không nhất thiết phải theo quy trình tuần tự các yêu cầu từ tư tưởng đến nghệ thuật... mà phải tìm ra cơ chế nhận thức dẫn đến cảm xúc và các kỹ năng lựa chọn biểu đạt.

Trong tư duy, người ta chia ra các cấp độ nhận thức, mỗi cấp độ ứng với một kiểu tư duy. Dĩ nhiên, người theo nghề văn học cần có đủ các năng lực tư duy. Khi phối hợp các cấp độ tư duy nhuần nhuyễn sẽ đạt được tư duy phức hợp để có thể đi sâu vào tìm hiểu tác phẩm cũng như xây dựng nhiều ý tưởng thể hiện văn bản đa dạng hơn. Tuy nhiên trên thực tế, mỗi người có thể chỉ mạnh/ sở trường về một kiểu tư duy. Nếu biết tận dụng tối đa năng lực ấy vẫn có thể ứng dụng hữu hiệu vào một số hoạt động nhất định. Do đó không thể nhìn nhận vấn đề theo một chiều đơn giản được.

Kỹ năng nhận thức, thể hiện chưa đủ nếu người viết không biết tạo ra sản phẩm phục vụ cho ai nếu không phải con người. Nghĩa là nó cần một tinh thần nhân văn và hướng tinh thần nhân văn đó vào các công việc cụ thể qua xử lý các loại văn bản. Một tư duy mạch lạc có thể tạo nên logic hình thức nhưng chưa hẳn đủ sức thuyết phục; nhưng một tâm hồn nhiệt huyết biết hướng về con người, thì người viết có nhiều cách lựa chọn, nhiều cách biểu đạt hơn để phù hợp với đối tượng nhận thức. Hơn thế, nó còn giúp cho người học kết nối cuộc sống hiện tại với quá khứ, mở rộng tầm giao kết trên không gian phẳng để tìm đến những giá trị nhân loại và quay trở lại phục vụ cuộc sống thực tại phù hợp với xu thế phát triển chung. Nếu người học không thấu đạt đến mức độ này, rất khó ứng dụng tốt văn chương vào các lĩnh vực hoạt động. Bởi vì, vai trò của tinh thần nhân văn và cơ chế trong việc chuyển tải tri thức xây dựng các văn bản sẽ là một vấn đề lớn khác, có dịp xin trao đổi sau.

Tài liệu tham khảo
[1] Trần Đình Sử (2019), “Văn học và ứng dụng”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 3 -2019
2] EDGAR MORIN (2009), Chu Tiến Ánh, Chu Trung Can, Nhập môn Tư duy phức hợp, NXB Tri thức, Hà Nội


TS. Hồ Quốc Hùng
Phó trưởng Khoa Xã hội & Nhân văn Trường Đại học Văn Lang

 

Trong thời đại của kỷ nguyên số, Văn học ứng dụng lại trở thành một hướng đi "thức thời" cho đào tạo Văn học, đầy khả năng cạnh tranh, cho phép bạn chọn một lối đi riêng nơi mà ý tưởng được chuyển thành nội dung, nội dung thay đổi xã hội; giúp bạn làm việc trong một phạm vi nghề nghiệp vô cùng đa dạng.

Văn Lang là trường đại học tiên phong ở Việt Nam đưa Văn học Ứng dụng vào giảng dạy, với đội ngũ giảng viên là các tiến sĩ, thạc sĩ, nhà báo nổi tiếng: TS. Hồ Quốc Hùng (Trưởng ngành), Nhà báo Dương Trọng Dật, GS.TS. Trần Đình Sử, PGS. TS La Khắc Hòa (nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội), TS. Nguyễn Hoài Thanh (nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Tp.HCM), Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải - "bà trùm" phỏng vấn của làng báo chí Việt Nam,...

Xem thêm:
   - Bài nghiên cứu "Con đường mới cho ngành Văn học ở bậc đại học", TS. Hồ Quốc Hùng, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 01-2019
   - Văn học ứng dụng và những nghề nghiệp triển vọng trong xã hội hiện đại

 


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag