TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Sự trỗi dậy của bản sắc văn hóa dân tộc trong thiết kế hiện đại

(P.TSTT - Văn Lang, 11/05/2020) - Những biểu hiện của bản sắc văn hóa từ lâu đã trở thành chất liệu cho mỹ thuật, nhưng nay lại như khoác một diện mạo mới trong thiết kế đương đại. Xu hướng thiết kế trong 5 - 10 năm trở lại đây có những bước chuyển mình mạnh mẽ và sáng tạo, với những thiết kế tiếp cận dễ dàng hơn tới giới trẻ và tạo cảm hứng lan truyền trên mạng xã hội, song hành cùng sự phát triển công nghệ. 


Khái niệm bản sắc văn hóa dân tộc vẫn còn mơ hồ với nhiều người bởi tính khái quát, “sách vở” của nó. Ví như nói đến Việt Nam là nhắc các biểu tượng áo dài, hoa sen, cờ đỏ sao vàng, dải đất chữ S, cây tre, cậu bé cưỡi trâu, tranh Đông Hồ… Bản sắc văn hóa là một cấu trúc phức tạp phản ánh hệ hình tư duy, quan niệm của một dân tộc, nhưng có thể biểu hiện qua những biểu tượng, hình ảnh đặc trưng và cụ thể như thế.

Những biểu hiện của bản sắc văn hóa từ lâu đã trở thành chất liệu cho mỹ thuật, nhưng nay lại như khoác một diện mạo mới trong thiết kế đương đại. Xu hướng thiết kế trong 5 - 10 năm trở lại đây có những bước chuyển mình mạnh mẽ và sáng tạo, với những thiết kế tiếp cận dễ dàng hơn tới giới trẻ và tạo cảm hứng lan truyền trên mạng xã hội, song hành cùng sự phát triển công nghệ. Thú vị là, càng phát triển những xu hướng mới, thiết kế đương đại càng khai thác sáng tạo bản sắc văn hóa dân tộc, như một cách đi tìm đặc trưng và tính cách dân tộc trong một thế giới ngày càng phẳng.

Con đường đưa văn hóa dân tộc vào thiết kế hiện đại

Trong một thế giới mà những thứ không thể xa rời với con người, đặc biệt với thế hệ trẻ là những chiếc laptop, smartphone, máy tính bảng, thì… tất cả đều trên internet. Sự phát triển của công nghệ đã biến những triển lãm, viện bảo tàng thực tế dần trở thành các thư viện online, bảo tàng online, nơi mà người ta không cần phải đi lại, chỉ cần những cú chạm và nhấp chuột. Thay vì đi theo lối mòn thương mại trong các thiết kế “sính ngoại”, các thương hiệu đổi mới, bứt phá mạnh mẽ. Vai trò của người thiết kế trở nên ý nghĩa khi họ biết đánh thức nét đẹp tiềm ẩn và khơi dậy cảm hứng từ những giá trị văn hóa đặc trưng.

Trên thế giới, nhiều nhà thiết kế đã lồng ghép yếu tố nghệ thuật mang tính dân tộc vào thiết kế và chinh phục được bạn bè khắp năm châu. Có thể kể đến Yayoi Kusama, nữ họa sĩ nổi tiếng với những tác phẩm sử dụng các họa tiết chấm bi lớn nhỏ. Biểu tượng chấm bi tròn với ý nghĩa mặt trời (biểu tượng của Nhật Bản), là năng lượng, mềm mại, tròn đầy sống động, nối liền vô hạn. Những chấm bi của Yayoi cuốn hút công chúng thưởng lãm ở khắp nơi trên thế giới.

Khi những thiết kế hiện đại dần trở nên bão hòa vì đi theo xu hướng ngoại, sự trỗi dậy của bản sắc văn hóa dân tộc như thổi một luồng gió mới cho những người sáng tạo. Chính bởi sự gần gũi thân quen, lòng tự hào dân tộc ẩn sâu nơi tiềm thức mỗi người, mà những thiết kế mang nét văn hóa dân tộc dễ dàng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ.

Năm 2015, dự án “Hoa văn Đại Việt” được khởi xướng bởi nhóm Đại Việt Cổ Phong đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng, với cách thể hiện chính là sử dụng vector để vẽ lại những hoa văn dân tộc, sử dụng những nguyên liệu phong phú sẵn có của văn hóa Việt, ứng dụng vào rất nhiều sản phẩm hàng ngày: quần áo, giày dép, khăn thời trang,... Kế đó là dự án “Họa sắc Việt” - dự án đầu tiên trên con đường số hóa tranh hàng Trống - dòng tranh với hàng trăm năm tuổi đứng trước nguy cơ biến mất, tiếp tục được quan tâm.

Cũng không thể không nhắc đến những thiết kế trang phục của đại diện Việt Nam trên sân khấu Miss Universe gần đây. Các thiết kế liên tiếp tạo hiệu ứng tốt, góp phần đưa hình ảnh văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế: Nàng Mây (2016), Hồn Việt (2017), Bánh Mì (2018), Café phin sữa đá (2019). Tiếp nối thành công, cuộc thi thiết kế trang phục dân tộc đại diện Việt Nam tham gia Miss University 2020 đã được khởi động với chủ đề thiết kế “Việt Nam – Tuyệt tác đường cong”.

Tại Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc năm 2019, một sinh viên vừa tốt nghiệp đã khẳng định được chất lượng sản phẩm khi truyền cảm hứng văn hóa dân tộc vào đồ án tốt nghiệp “Trang sức cưới hình tượng Phượng Hoàng trong hoa văn cung đình Huế”. Đó là Nguyễn Võ Kim Ánh, cựu sinh viên khóa 21 ngành Thiết kế Công nghiệp (Thiết kế Sản phẩm) Trường Đại học Văn Lang, đạt giải nhì của cuộc thi. Khi theo học ngành Thiết kế Sản phẩm tại Văn Lang, Ánh đã được trang bị kỹ năng vẽ tay, chuyển sang vẽ 3D trên máy tính, ứng dụng phần mềm thiết kế chuyên ngành ngay từ năm nhất.

ICAD2020 Catalogue Students 76Đồ án “Trang sức cưới hình tượng Phượng Hoàng trong hoa văn cung đình Huế” của Nguyễn Võ Kim Ánh, cựu sinh viên khóa 21 ngành Thiết kế Công nghiệp (Thiết kế Sản phẩm) Trường Đại học Văn Lang.

Các chuyên đề khai thác vốn cổ dân tộc để ứng dụng vào thiết kế hiện đại đã được Trường Đại học Văn Lang dày công phát triển trong nhiều năm qua và đạt được rất nhiều thành tựu, góp phần gợi mở cho sự phát triển nghề nghiệp của nhiều sinh viên Mỹ thuật Văn Lang. Sinh viên các ngành Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Thời trang, Thiết kế Nội thất, Thiết kế Công nghiệp được đào tạo để đi theo phong cách gợi nhớ cội nguồn mà vẫn đáp ứng yêu cầu về các thiết kế đa dạng, kết hợp mà không gượng ép, mới mẻ, sáng tạo.

Bản sắc văn hóa dân tộc: cảm hứng bất tận nhưng cũng là thách thức

Những chất liệu, hình ảnh văn hóa dân tộc dễ dàng trở thành cảm hứng cho các thiết kế hiện đại, nhưng không phải ai cũng có thể sáng tạo thành công. Theo TS. Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Tp.HCM, giảng viên Trường Đại học Văn Lang: Bản sắc văn hóa dân tộc phải thấm nhuần từng hơi thở, thấm vào máu, người thiết kế mới có được sự bứt phá trong các sản phẩm thiết kế. Nó chẳng hề đơn giản như việc rập khuôn một cách máy móc, nhàm chán và đơn điệu. Nhà thiết kế đương đại phải say đắm nó, yêu cội nguồn từ chính sự thấu hiểu nội tâm, học hỏi tiếp thu những giá trị ông cha để lại từ ngàn năm trước.

Nhà thiết kế phải tìm ra những nét độc đáo là điểm quyết định để gây ấn tượng. Nét độc đáo càng gắn cùng bản sắc dân tộc thì càng đem lại giá trị thiết kế lớn. Đó cũng là thách thức với các nhà thiết kế, làm sao để tạo được nét cá tính riêng, hòa nhập mà không hòa tan.

Điều đáng mừng là sinh viên các trường mỹ thuật, trong đó có Trường Đại học Văn Lang hiện nay ngày càng quan tâm và tìm được những cách khai thác vốn cổ dân tộc sáng tạo, tạo ra các thiết kế độc đáo. Người tiêu dùng sẵn sàng ủng hộ các thương hiệu dùng chất liệu và biểu tượng văn hóa dân tộc một cách thẩm mỹ, hợp lý. Tính ứng dụng của thiết kế gắn liền với đời sống sinh hoạt hằng ngày lại càng dễ tiếp cận với người dùng. Các xu hướng thiết kế cũng ngày một tối ưu, hỗ trợ cho người sáng tạo. Các biểu tượng, hình ảnh văn hóa dân tộc có thể được tiếp cận dễ dàng hơn qua các app điện thoại, công nghệ in 3D, AI, VR,…

vlu icad my thuat design highlights 2Hầu hết tác phẩm tham gia Triển lãm ICAD 2020 đều toát lên bản sắc văn hóa dân tộc của các quốc gia, khai thác vốn cổ dân tộc kết hợp các xu hướng thiết kế hiện đại.

Các sáng tác thể hiện được cá tính sáng tạo của designer đồng thời thể hiện cá tính văn hóa của dân tộc – đây là nhận xét của ThS. Nguyễn Đắc Thái – Phó trưởng Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường Đại học Văn Lang về chất lượng Triển lãm thiết kế mỹ thuật ICAD 2020 do Đại học Văn Lang – Việt Nam và Đại học Handong –Hàn Quốc tổ chức.

Nền thiết kế Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng, trong đó một nét tương đồng quan trọng là coi trọng bản sắc văn hóa. Để thưởng thức các tác phẩm art và design đậm nét văn hóa dân tộc thời đại 4.0 của Việt Nam, Hàn Quốc cùng hơn 10 quốc gia khác, bạn có thể truy cập trang web triển lãm online http://icad.vanlanguni.edu.vn

Triển lãm hoàn toàn miễn phí, tham gia đơn giản chỉ bằng một cú nhấp chuột. Đây cũng là triển lãm quốc tế về design lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay và lần đầu được tổ chức online. Hơn 400 tác phẩm đến từ 13 quốc gia, 23 bài nghiên cứu để giao lưu học thuật quốc tế về nghệ thuật thiết kế chắc chắn sẽ là một “bữa tiệc thịnh soạn” cho những ai có niềm đam mê trong lĩnh vực nghệ thuật.

 

Lê My


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag