TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Hội thảo “Tiếp cận định tính trong nghiên cứu du lịch ở Việt Nam: câu chuyện từ các trường hợp nghiên cứu”

(P.TS&TT - Văn Lang - 03/6/2020) - Ngày 29/05/2020 vừa qua, Khoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học chuyên đề “Tiếp cận định tính trong nghiên cứu du lịch ở Việt Nam: Câu chuyện từ các trường hợp nghiên cứu”.

Nghiên cứu khoa học là sức sống, là nền tảng phát triển của mỗi trường đại học. Nhằm phát triển toàn diện năng lực nghiên cứu, trình độ khoa học, uy tín giảng dạy cho đội ngũ giảng viên, vừa qua Khoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang tổ chức Hội thảo khoa học chuyên đề “Tiếp cận định tính trong nghiên cứu du lịch ở Việt Nam: Câu chuyện từ các trường hợp nghiên cứu”, với các nghiên cứu xoay quanh lĩnh vực du lịch Việt Nam hiện nay.

vlu hoithaodulich aKhoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang đón tiếp các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ nhiều trường đại học và trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh tham dự Hội thảo khoa học ngày 29/5/2020.

Tại Hội thảo khoa học “Tiếp cận định tính trong nghiên cứu du lịch ở Việt Nam: câu chuyện từ các trường hợp nghiên cứu”, Khoa Du Lịch Trường Đại học Văn Lang cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã trình bày 06 tham luận tiêu biểu nhằm làm rõ xu hướng tiếp cận định tính trong nghiên cứu Du lịch. 

Ngày nay, nghiên cứu du lịch đã kết hợp nhiều phương pháp dựa trên việc tiếp cận liên ngành để nghiên cứu du lịch như một hiện tượng kinh tế và văn hóa xã hội. Câu hỏi về phương pháp nào để áp dụng khi tiến hành nghiên cứu từ lâu đã là một vấn đề gây tranh cãi trong nghiên cứu du lịch. Vấn đề này không chỉ là câu hỏi của việc lựa chọn công cụ thực hiện nghiên cứu mà còn liên quan đến các vấn đề bản thể học, nhận thức luận và chính trị/ triết học về vấn đề nghiên cứu, cách nghiên cứu và mục tiêu nghiên cứu (Ren 2016). Việc áp dụng các phương pháp định lượng hay định tính đã là đối tượng của cuộc thảo luận căng thẳng và thường đi kèm với một cái nhìn phân biệt về lĩnh vực nghiên cứu du lịch, như được chia thành: (1) định hướng kinh doanh (định lượng) và (2) định hướng xã hội (định tính) (Franklin & Crang, 2001; Higgins-Desbiolles, 2006). Ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, các nhà nghiên cứu về Du lịch cũng cần làm rõ việc sử dụng các nghiên cứu này như thế nào thông qua các công trình được công bố.

vlu hoithaodulich bTS.Trần Cẩm Thi - Phó trưởng Khoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang mở đầu Hội thảo với tham luận "Phương pháp nghiên cứu định tính: Tổng quan bối cảnh trên thế giới và Việt Nam qua các tạp chí nghiên cứu".

Theo TS. Trần Cẩm Thi - Phó trưởng Khoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang: "Qua tham luận này, tôi muốn chỉ ra tầm quan trọng của việc tiếp cận định tính là rất lớn, tuy nhiên lại có rất ít hội thảo hay chuyên đề để có thể làm sáng tỏ vấn đề. Đồng thời, tôi cũng muốn đúc kết thông qua hội thảo, về việc các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành để có thể thích ứng với các cách tiếp cận định tính khác nhau trong các nghiên cứu định tính cụ thể. Họ đã vận dụng những chiến lược nghiên cứu khác nhau trong các nghiên cứu định tính, hay phương pháp chọn mẫu hiện thực, thu thập dữ liệu khác nhau để thu thập dữ liệu định tính cho mình và cách họ sử dụng dữ liệu định tính, về định luật và độ tin cậy trong nghiên cứu định tính, thách thức của siêu văn hoá trong nghiên cứu định tính về ngôn ngữ hay về lý thuyết…”

Trong khi đó, đi từ tổng quan về bối cảnh của việc vận dụng phương pháp nghiên cứu định tính, PGS. TS Nguyễn Đức Lộc (Viện nghiên cứu Đời sống Xã hội – Social Life) mang đến Hội thảo tham luận Nghiên cứu định tính: từ lý thuyết chuẩn mực đến thực tiễn Việt Nam. Tham luận nêu lên hiện trạng ngày nay khi các phương pháp thực nghiệm không còn được xem là phương pháp tối ưu nhất trong giải thích các vấn đề phức tạp của đời sống xã hội. Cũng trong hơn một thập niên trở lại đây, phương pháp tiếp cận và thu thập dữ liệu định tính ngày càng được sử dụng rộng rãi và khẳng định được tính hữu ích của mình trong các trào lưu nghiên cứu hiện tượng học, chú giải văn bản, ký hiệu học và xu hướng nghiên cứu cấu trúc luận với các phương pháp phân tích nội dung, phân tích diễn ngôn….

PGS. TS Nguyễn Đức Lộc đặt vấn đề: "Giới nghiên cứu định tính trong khoa học xã hội đôi khi bị cho là quá chủ quan khi phân tích dữ liệu. Bởi lẽ, lâu nay người nghiên cứu thường khá lúng túng trong quá trình thu thập và xử lý thông tin định tính do thiếu công cụ ứng dụng phân tích. Phải chăng không có biện pháp khắc phục? Những hạn chế kể trên, được khắc phục như thế nào, trong các nghiên cứu cụ thể trong các dự án nghiên cứu ở Việt Nam?"

vlu hoithaodulich cPGS. TS Nguyễn Đức Lộc trình bày tham luận "Nghiên cứu định tính: từ lý thuyết chuẩn mực đến thực tiễn Việt Nam"

Tại hội thảo, TS. Alan Thớ - Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh cũng đóng góp một tham luận mở ra nhiều gợi ý về các hướng tiếp cận đến nhóm đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong nghiên cứu du lịch, đó là "Những rào cản trong việc tiếp cận nghiên cứu “tiếng nói” của cán bộ người dân tộc thiểu số tại nơi làm việc: Trường hợp của cơ quan chính quyền cấp huyện ở Tây Nguyên". TS. Alan Thớ nêu ra những gợi ý cho cách tiếp cận thành công đối tượng nghiên cứu là người DTTS làm việc trong cơ quan nhà nước, chẳng hạn thông qua người “gác cổng” – thường là người DTTS có chức vụ cao trong cơ quan nhà nước và có uy tín với người DTTS.

“Mọi sự tiếp cận nên bắt đầu từ sự thấu cảm, tức là sự cảm thông và thấu hiểu lẫn nhau giữa người với người. Nếu các bạn là những nhà nghiên cứu mà không thể cảm thông cho họ (DTTS) về những khó khăn mà họ vô tình tạo ra trong cách giao tiếp khi trò chuyện với các bạn, vì thường người DTTS ít khi nói thẳng vào vấn đề mà các bạn quan tâm, họ sẽ nói ví von hay ngụ ý hoặc cả ám chỉ, việc này gây nhiễu thông tin của nhà nghiên cứu”. Ông đưa ra điểm mấu chốt của nghiên cứu định tính chính là nhà nghiên cứu cần phải hoà mình vào cộng đồng mà mình nghiên cứu, trực tiếp quan sát và làm việc để có thể hiểu được câu chuyện của họ.

vlu hoithaodulich dTS. Alan Thớ chia sẻ đề tài tâm đắc liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số.

Nối tiếp nghiên cứu về các giá trị văn hoá của người DTTS, TS. Quảng Đại Tuyên – giảng viên Khoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang mang đến tham luận “Tính xác thực” văn hoá trong Du lịch: Góc nhìn của cộng đồng Chăm trong việc trình diễn lễ tục tại ngôi đền thiêng Po Klaong Girai, tỉnh Ninh Thuận". Tham luận tập trung vào phân tích việc khai thác và phát huy di sản văn hoá Chăm phục vụ khách du lịch tại ngôi đền thiêng Po Klaong Girai ở Ninh Thuận – nơi lưu giữ nguồn tài nguyên di sản văn hoá đặc sắc để phát triển du lịch. Dữ liệu của nghiên cứu được thu thập từ năm 2015- 2017 thông qua phương pháp điền dã, ‘tham gia quan sát’ (Observant participation), phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm với các thành viên của cộng đồng Chăm và Ban quản lý di tích. Từ tham luận, TS. Quảng Đại Tuyên nhận định về việc tái kiến tạo các vùng không gian văn hoá nhằm đáp ứng nhu cầu của khách tham quan du lịch; đồng thời chỉ ra nhược điểm trong việc tái cấu trúc lễ hội làm thay đổi phong tục tập quán của cộng đồng, đi ngược với tập tục của người Chăm; từ đó đề nghị cần phải có sự tham vấn trực tiếp từ cộng đồng Chăm để giữ gìn, phát huy và khai thác du lịch văn hoá Chăm. 

vlu hoithaodulich eTS. Quảng Đại Tuyên trình bày tham luận “Tính xác thực” văn hoá trong Du lịch: Góc nhìn của cộng đồng Chăm trong việc trình diễn lễ tục tại ngôi đền thiêng Po Klaong Girai, tỉnh Ninh Thuận".

Ngoài ra, hội thảo nghiên cứu lần này cũng nêu lên mối quan hệ giữa phát triển du lịch và xóa đói giảm nghèo trong các khu bảo tồn thiên nhiên qua tham luận "Du lịch và xoá đói giảm nghèo trong các khu bảo tồn thiên nhiên: nghiên cứu song hành giữa Nhật Bản và Việt Nam" của TS. Nguyễn Văn Hoàng, Khoa Du lịch Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh. Dựa vào khái niệm du lịch vì người nghèo, nghiên cứu đưa ra hai khái niệm về nghèo tương đối và nghèo tuyệt đối cho hai khu vực nghiên cứu, giữa một nước phát triển và một nước đang phát triển: Di sản thiên nhiên thế giới đảo Yakushima ở Nhật Bản và Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm ở Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy phát triển du lịch không có tổ chức va quản lý dễ dẫn đến sự phân hoá không đồng bộ lên thu nhập của người dân và làm gia tăng nhóm đối tượng nghèo tương đối, gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế chung.

vlu hoithaodulich fTS. Nguyễn Văn Hoàng với tham luận "Du lịch và xoá đói giảm nghèo trong các khu bảo tồn thiên nhiên: nghiên cứu song hành giữa Nhật Bản và Việt Nam"

Cuối cùng, TS. Trương Thị Hồng Minh – Khoa Du lịch Trường Đại học Hoa Sen mang đến Hội thảo chuyên đề “Vận dụng linh hoạt các phương pháp nghiên cứu khác nhau trong nghiên cứu định tính: Nghiên cứu vai trò của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch tại huyện miền núi A Lưới – Tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Trong nghiên cứu này, TS. Trương Thị Hồng Minh tập trung vào nghiên cứu hoạt động phát triển du lịch vùng, trong bối cảnh hoạt động phát triển du lịch được xem là công cụ phát triển kinh tế với sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ ở một số khu vực miền núi. Phương pháp nghiên cứu không sử dụng một loại hình nghiên cứu định tính nhất định mà kết hợp nhiều phương pháp định tính khác nhau với mục tiêu chính là “GIẢI THÍCH” được hoạt động phát triển du lịch diễn ra như thế nào, vai trò “THỰC HIỆN” của nghiên cứu viên ra sao khi tìm hiểu về hệ thống các bên liên quan trong việc phát triển du lịch, từ đó “ÁP DỤNG” nghiên cứu tình hình phát triển du lịch tại địa bàn nghiên cứu là huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam.

vlu hoithaodulich cominhTS. Trương Thị Hồng Minh với chuyên đề Vận dụng linh hoạt các phương pháp nghiên cứu khác nhau trong nghiên cứu định tính: Nghiên cứu vai trò của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch tại huyện miền núi A Lưới – Tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Hội thảo khoa học chuyên đề “Tiếp cận định tính trong nghiên cứu du lịch ở Việt Nam: Câu chuyện từ các trường hợp nghiên cứu” do Khoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang tổ chức đã diễn ra sôi nổi và thú vị, có nhiều nội dung mới được hình thành qua Hội thảo, đặc biệt là đóng góp về phương pháp luận từ góc nhìn bản địa, phương pháp tiếp cận đối tượng nghiên cứu bắt nguồn từ sự song hành, hoà nhập và đa tiếng nói. Có thể thấy, bên cạnh uy tín đào tạo thông qua các hoạt động ứng dụng và trải nghiệm cho sinh viên, Khoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang không ngừng phát triển các hoạt động học thuật ở nhiều quy mô, song hành cùng cộng đồng nghiên cứu về du lịch Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

 

Nguyễn Trung Nghĩa
Ảnh: Ngọc Thạch & Dương Nhật Huy (Khoa Du lịch)


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag