(P.TS&TT - Văn Lang, 12/09/2020) - Mặc dù dịch bệnh đã gây nhiều ảnh hưởng đến điều kiện làm việc, giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học, tuy nhiên, sáng ngày 12/09/2020, Khoa Xã hội và Nhân văn Trường Đại học Văn Lang đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học lần 2, với 20 báo cáo có giá trị khoa học và thực tiễn.
Hội thảo khoa học lần 2 của Khoa Xã hội và Nhân văn Trường Đại học Văn Lang tổ chức vào sáng ngày 12/09/2020, với 20 báo cáo khoa học đến từ 3 ngành đào tạo của Khoa (ngành Văn học ứng dụng: 5 báo cáo, ngành Tâm lý học: 7 báo cáo, ngành Đông phương học: 8 báo cáo). Các bài viết là kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên tập trung vào đặc thù chuyên môn mỗi ngành đào tạo.
Ngành Văn học ứng dụng: tiếp tục đào sâu các hướng ứng dụng cho ngành Văn học
Kiên định với những nghiên cứu tiên phong về định hướng đào tạo của ngành Văn học ứng dụng, trong báo cáo khoa học “Định hướng nào cho đào tạo sau đại học của Văn học ứng dụng ở Đại học Văn Lang”, TS. Hồ Quốc Hùng - Phó trưởng Khoa Xã hội & Nhân văn đề xuất xây dựng chương trình đào tạo sau đại học của ngành Văn học ứng dụng theo hai hướng: Văn học và truyền thông, Văn học và Khoa học nhân văn.
Cùng với hướng này, ThS. Nguyễn Quốc Thắng trình bày nghiên cứu “Chương trình đào tạo đại học định hướng ứng dụng ở Pháp: trường hợp nhóm ngành Văn chương và khoa học Nhân văn”, trong đó tác giả đã khái quát đặc điểm của chương trình đào tạo nhóm ngành văn chương và khoa học nhân văn theo định hướng ứng dụng, tính liên ngành và các ý tưởng xây dựng chương trình, những đòi hỏi của giảng viên khi giảng dạy theo định hướng ứng dụng trong bối cảnh hiện nay.
Ở một khía cạnh khác của Văn học ứng dụng, báo cáo “Văn học với Quan hệ công chúng và truyền thông”, TS. Lê Thị Vân đề cập đến thế kỷ bùng nổ truyền thông đa phương tiện, qua đó tác giả phân tích mối quan hệ giữa Văn học với Quan hệ công chúng và truyền thông: Văn học giúp Quan hệ công chúng gửi được những thông điệp có nội dung sâu sắc đến khách hàng, đồng thời Văn học cũng phải dựa vào truyền thông để cộng sinh, cùng phát triển.
Trong khi đó, đi sâu hơn vào ứng dụng phân tích tác phẩm, ThS. Lê Thị Gấm mang đến báo cáo khoa học “Tiếp cận tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng từ lý thuyết diễn ngôn”, qua đó khẳng định hình thức biểu đạt của Số đỏ không đơn thuần là trào phúng, phê phán mà là một câu hỏi lớn không ngừng phóng chiếu vào tương lai những vấn đề về con người, quyền lực, tri thức và các hệ giá trị.
Ngành Tâm lý học: ứng dụng nghiên cứu các hiện tượng tâm lý học sinh, sinh viên
Ngành Tâm lý học có 6 nghiên cứu được báo cáo tại Hội thảo, đa phần đều tập trung vào các hiện tượng tâm lý của học sinh sinh viên, điển hình như nghiên cứu “Rối loạn lo âu của sinh viên Trường Đại học Văn Lang” của nhóm tác giả PGS. TS. Lê Thị Minh Hà, ThS. Trịnh Văn Điềm, ThS. Trần Thư Hà, ThS. Bùi Thị Hân, ThS. Trần Hoàng Thu Thủy; hay nghiên cứu có tính thời sự của ThS. Bùi Thị Hân về “Khó khăn tâm lý của sinh viên khi học trực tuyến trong đại dịch Covid-19”, nghiên cứu “Mức độ hài lòng của sinh viên khoa Xã hội và Nhân văn về công tác đào tạo" của ThS. Nguyễn Thị Đào Lưu, nghiên cứu “Phong cách học tập của sinh viên Văn Lang” của ThS. Trần Hoàng Thị Thu Thủy,...
Khác với các tác giả trên, ThS. Trần Thư Hà chọn “Hiện tượng nghiện game của học sinh trung học cơ sở” làm đề tài nghiên cứu. Từ những khảo sát và nghiên cứu của mình, tác giả nhận định hiện tượng nghiện game online của học sinh là hiện tượng phổ biến hiện nay đồng thời cũng là nguyên nhân làm xuất hiện những hành vi khó kiểm soát ở các em.
Trong các báo cáo của Ngành Tâm lý học, nghiên cứu duy nhất thuần lý thuyết học thuật là “Những hành vi điển hình của xã hội” của TS. Phan Thị Kim Ngân. Báo cáo đã phân tích và hệ thống hai loại hành vi xã hội điển hình – vị tha và gây hấn, tổng hợp những biểu hiện, cơ chế, động cơ, nguyên nhân và ảnh hưởng của hai loại hành vi; từ đó, đưa ra một số giải pháp tăng cường hành vi vị tha và hạn chế hành vi gây hấn ở con người.
Ngành Đông phương học và 3 chuyên ngành sâu: Hàn Quốc học, Nhật Bản học và Trung Quốc học
Với ngành Hàn Quốc học, Hội thảo có sự tham gia của 4 báo cáo khoa học đều mang tính thực tiễn, như “Một số lưu ý khi dịch câu bị động tiếng Hàn sang tiếng Việt” của ThS. Đinh Thị Huyền, “Thực trạng căn bệnh trầm cảm ở người Hàn” của ThS. Trần Thị Diễm Hằng,... Trong làn sóng du học của giới trẻ, ThS. Võ Sang nghiên cứu “Ảnh hưởng của văn hóa đại chúng Hallyu lên sự lựa chọn du học Hàn Quốc của giới trẻ Việt Nam". Đặc biệt, báo cáo của ThS. Nguyễn Thị Hương “Tìm hiểu về thực trạng gia tăng phá thai trong giới trẻ Việt Nam hiện nay” nghiên cứu sự dịch chuyển xã hội, vai trò của gia đình, trường học và cộng đồng đối với giáo dục nhân cách trẻ em nói chung và giới tính/ sức khỏe sinh sản nói riêng. Cả gia đình, nhà trường, cộng đồng đều chưa chuẩn bị để thích nghi, đưa đến nhiều hạn chế trong giáo dục nhân cách, giới tính/ sức khỏe sinh sản cho trẻ em. Đây chính là một trong những yếu tố tác động đến quyết định phá thai trong giới trẻ hiện nay. Từ những nghiên cứu của mình, tác giả đề xuất một số biện pháp giáo dục giới tính/ sức khỏe sinh sản cho sinh viên ở cả 3 môi trường.
Ngành Nhật Bản học lại có sự góp mặt của một nghiên cứu mang tính lịch sử - “Sự biến đổi vị thế của các giai cấp trong xã hội Nhật Bản thời Edo (1600 - 1868)” của ThS. Dương Ngọc Phúc, phân tích sự phát triển và phân hóa của từng giai cấp trong quá trình phát triển của xã hội Nhật Bản.
Ngành Trung Quốc học mang đến 3 nghiên cứu bổ trợ cho hoạt động dạy và học tiếng Trung Quốc, trong đó báo cáo “Nghiên cứu những biểu hiện ngữ âm về trọng âm tiếng Hán của sinh viên Việt Nam” của TS. Phạm Đình Tiến đã đưa ra một số kết luận đáng chú ý. Cụ thể, khi biểu đạt trọng âm, sinh viên có trình độ tiếng Hán cao cấp (HSK6) chưa vận dụng được phương pháp tạo ra độ chênh lệch về độ cao giữa trọng âm và âm tiết liền kề để thể hiện rõ trọng âm trong tiếng Hán. Từ đó, theo tác giả, trong quá trình giảng dạy ngữ âm tiếng Hán, cần chú trọng đến việc truyền thụ kiến thức và thực hành về trọng âm và ngữ điệu cho người học.
Cũng với mong muốn nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Trung Quốc, ThS. Hà Thị Minh Trang trình bày nghiên cứu “Sử dụng sơ đồ tư duy trong giờ nghe hiểu tiếng Trung Quốc” giúp người học ôn tập và rèn luyện kiến thức cũ – mới từ các thông tin nằm trong một cấu trúc tổng thể, có hình ảnh kèm theo, từ đó đưa ra những khuyến nghị nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học ngoại ngữ trên lớp. Trong khi đó, ThS. Nguyễn Trung Hiếu đóng góp một báo cáo bổ sung tư liệu học tập và nghiên cứu cho người học thông qua đề tài "Hình ảnh con ngựa trong thành ngữ, tục ngữ Hán (so sánh với thành ngữ, tục ngữ Việt)", chỉ ra rằng hình ảnh con ngựa xuất hiện trong thành ngữ, tục ngữ Hán nhiều hơn với ý nghĩa biểu trưng phong phú hơn thành ngữ, tục ngữ Việt, phản ánh đặc trưng của một nền văn hóa gốc du mục.
Kết thúc Hội thảo Khoa học lần 2 năm 2020, TS. Hồ Quốc Hùng, Phó Trưởng khoa Xã hội & Nhân văn, Trường Đại học Văn Lang nhận định: Các báo cáo khoa học trình bày tại Hội thảo đã nêu ra những vấn đề rất thú vị, cách nghiên cứu gắn với thực tiễn sẽ là hình thức và khuynh hướng mà dần dà sẽ vượt qua các xu hướng trước đây là nghiên cứu chuyên sâu, hàn lâm. Các vấn đề trình bày tại Hội thảo hôm nay chỉ là khởi đầu. Những ý kiến của các tác giả cũng như người phản biện sẽ là gợi ý và góp ý để mỗi người tiếp tục suy nghĩ, nghiên cứu về sau.”
Khoa Xã hội & Nhân văn Trường Đại học Văn Lang thành lập từ năm 2017, hiện phát triển nhanh chóng với 4 ngành đào tạo: Văn học ứng dụng, Tâm lý học, Đông phương học, Công tác xã hội. Khoa Xã hội & Nhân văn định hướng ứng dụng cho tất cả các chương trình đào tạo trên cơ sở khai thác nền tảng học thuật sâu rộng của mảng xã hội và nhân văn.
Bài viết: Thanh Tiền
Hình ảnh: Minh Phương