(P.TS&TT – Văn Lang, 23/12/2020) - Chiều ngày 23/12/2020, Viện Công nghệ Vật liệu Tiên tiến Trường Đại học Văn Lang ký kết Thỏa thuận hợp tác với Công ty CP NATANI về việc nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ để gia tăng giá trị cho cây mãng cầu ta (Na).
Lễ kí kết Thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Công ty CP NATANI hướng đến hợp tác nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ để gia tăng giá trị cho cây mãng cầu ta (Na) thông qua việc tận dụng các phụ phế phẩm (quả na non), chế biến sâu và giải pháp bảo quản/ vận chuyển đến các thị trường tiêu thụ xa và tiến tới xuất khẩu.
Tham dự Lễ ký kết, về phía Công ty CP NATANI bao gồm Ông Nguyễn Thế Tân, Giám đốc và Ông Trần Công Huấn, Phó Giám đốc Kỹ thuật. Về phía Trường Đại học Văn Lang, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng, PGS. TS. Phan Phước Hiền, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ ứng dụng, TS. Vũ Thị Quyền – Trưởng bộ môn Công nghệ Sinh học, TS. Ngô Minh Hùng – Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế & Nghiên cứu khoa học, TS.Tô Vũ Thanh Điền, Phó Viện trưởng, Viện Công nghệ Vật liệu Tiên tiến đã tham dự.
Trước sự chứng kiến của đại diện hai bên, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang và Ông Nguyễn Thế Tân, Giám đốc Công ty CP NATANI đã ký kết biên bản ghi nhớ, đánh dấu sự hợp tác giữa hai đơn vị.
Theo đó, phạm vi hợp tác nhưng không giới hạn các nội dung:
- Phối hợp chia sẻ thông tin/ kinh nghiệm, yêu cầu và các định hướng cần nghiên cứu, đáp ứng các yêu cầu trong bảo quản quả Na và tận dụng phụ phế phẩm từ cây Na;
- Nghiên cứu phát triển các sản phẩm chế biến sâu sau thu hoạch từ quả Na;
- Phối hợp trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ/ giải pháp đáp ứng yêu cầu ứng dụng thực tế;
- Thực hiện tư vấn giải pháp/ chuyển giao công nghệ từ Đại học Văn Lang cho Cty CP NATANI khi kết quả nghiên cứu/ giải pháp công nghệ đáp ứng được yêu cầu.
PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang giới thiệu và gợi mở thêm nhiều lĩnh vực có thể hợp tác cũng như hỗ trợ Công ty CP NATANI: “Bên cạnh việc khai thác trái Na tươi và những sản phẩm chính thì còn rất nhiều phụ phẩm có thể nghiên cứu để tạo ra sản phẩm có giá trị. Trường Đại học Văn Lang có nhiều nghiên cứu liên quan đến chế biến sản phẩm từ nông sản cũng như tối ưu hóa trong quá trình trồng trọt,…Tất cả đều có thể hỗ trợ công ty một cách hiệu quả.”
Tại buổi ký kết, hai bên cũng đề xuất một số định hướng có thể xúc tiến như: Giải pháp phòng chống sâu bệnh, bảo vệ quả Na và cây Na, tăng năng suất, sản lượng,… TS. Vũ Thị Quyền – Trưởng bộ môn Công nghệ Sinh học đã giới thiệu những giá trị của cây Na cũng như những bất cập đang tồn tại tại các vùng nguyên liệu khiến cây Na chưa được khai thác đúng giá trị hoặc giảm chất lượng như: vấn nạn sử dụng thuốc trừ sâu, chăm sóc chưa đúng cách, bảo quản chưa hợp lý,… Qua đó, TS. Vũ Thị Quyền đưa ra một số giải pháp cũng như đề xuất hợp tác giữa hai đơn vị.
PGS. TS. Phan Phước Hiền, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ ứng dụng cũng giới thiệu một số giải pháp về Xử lý chậm chín và Chế biến quả Na để mở rộng phạm vi hợp tác.
Cùng với đó, TS. Ngô Minh Hùng – Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế & Nghiên cứu khoa học cho biết: “Hiện tại Trường Đại học Văn Lang đang có nhiều thế mạnh liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của công ty như: Quy hoạch diện tích canh tác, thiết kế các nhà máy, công nghệ chế biến, kho bãi, nông nghiệp thông minh, xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm,… Chính vì vậy, nếu NATANI có nhu cầu, Nhà trường và các nhóm nghiên cứu sẽ hỗ trợ hết mình."
Ông Nguyễn Thế Tân, Giám đốc Công ty CP NATANI cho biết: “Về góc độ của công ty, chúng tôi đã và đang nỗ lực không ngừng để làm tất cả những gì có thể cho cây Na cũng như cho bà con nông dân, chính vì vậy hơn ai hết tôi rất mong có thể nâng cao giá trị tối ưu nhất của cây Na. Công ty thật sự rất mong muốn có thể hợp tác và ứng dụng nhiều hơn các công trình nghiên cứu của Trường cũng như chuyển giao công nghệ để phát triển cây Na một cách tốt nhất”.
Lễ kí kết MOU giữa Trường Đại học Văn Lang là dấu mốc mở ra nhiều cơ hội hợp tác thiết thực và đẩy mạnh sự phát triển của hoạt động nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, mang đến nhiều giải pháp hiệu quả tạo giá trị tối ưu trái Na – đặc sản Tây Ninh nói riêng và cho ngành Nông sản Việt Nam chung.
Ra đời với khát vọng và tâm huyết xây dựng một thương hiệu nông sản đặc sản của vùng đất Tây Ninh “SẠCH - AN TOÀN - CHẤT LƯỢNG”, tạo dựng giá trị bền vững cho nông sản Việt trên trường quốc tế, NATANI từng bước thực hiện quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp sạch, hoàn toàn tự nhiên (Organic) đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào canh tác và phát triển sản phẩm trái Mãng Cầu ta (Na) trên vùng nguyên liệu hơn 10.000 ha địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Bài: Thanh Tiền
Ảnh: Minh Phương