(P.TS&TT – Văn Lang, 21/01/2021) - Ngày 21/01/2021, Trường Đại học Văn Lang phối hợp với Tạp chí Dân chủ và Pháp luật – Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Hoàn thiện khung pháp lý trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam”. Hội thảo thể hiện tính chuyên môn cao, với sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ nhiều Bộ, ngành, địa phương và giảng viên, chuyên gia của 22 trường đại học, đại học, học viện trên cả nước.
Hội thảo được chia làm hai phiên, trong đó 6 đại biểu trình bày báo cáo tham luận, đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện khung pháp lý trong phòng, chống dịch Covid-19 ở các lĩnh vực pháp luật hành chính, dân sự, hình sự.
Tại phiên thứ nhất của Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Trưởng Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày tham luận “Hoàn thiện pháp luật về tình trạng khẩn cấp ở Việt Nam nhằm ứng phó với đại dịch”, phân tích khía cạnh pháp lý liên quan đến tình trạng khẩn cấp và vấn đề thẩm quyền áp dụng các biện pháp ứng phó trong tình trạng khẩn cấp nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý của Việt Nam trong ứng phó với dịch Covid-19.
Báo cáo của TS. Vũ Thị Thúy - Trưởng Bộ môn Luật Hình sự, Khoa Luật Trường Đại học Văn Lang đã phân tích các dấu hiệu pháp lý của Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người, đối chiếu thực tiễn xử lý hành vi này trong tình hình dịch bệnh Covid-19, trên cơ sở so sánh với pháp luật Trung Quốc và Liên bang Nga. Tác giả kiến nghị chuyển “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” (Điều 240 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017) sang Điều 316a thuộc Mục 3 (Các tội phạm khác xâm phạm an toàn công cộng) trong Chương XXI (Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng) BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Ngoài ra, TS. Vũ Thị Thúy còn nêu kiến nghị cần bổ sung pháp nhân thương mại là chủ thể của Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Thảo luận trong phiên thứ nhất, Thiếu tướng, PGS.TS. Phan Xuân Tuy – Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh đánh giá cao mục tiêu của Hội thảo hướng đến nhận diện đầy đủ và định hướng hoàn thiện khung pháp lý trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. Tiếp đó, TS. Trần Văn Đạt – Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ GD&ĐT cho rằng Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật cần bổ sung thêm quy trình rút gọn trong ban hành văn bản để có thể đáp ứng được các yêu cầu cấp bách đươc đặt ra trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19.
Ở phiên thứ hai, PGS.TS. Nguyễn Văn Quang – Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế Trường Đại học Luật Hà Nội báo cáo chủ đề “Hoàn thiện pháp luật về các biện pháp cưỡng chế hành chính trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam”. Tác giả đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định theo hướng quy định tất cả những vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế một cách cụ thể, rõ ràng là cần thiết để bảo đảm tính minh bạch, tránh những phản ứng tiêu cực của các đối tượng bị áp dụng, tránh sự tùy tiện trong việc áp dụng pháp luật.
Tham gia thảo luận tại Phiên thứ hai, TS. Nguyễn Đức Chính – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Ủy viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TƯ cho rằng, đại dịch COVID-19 xuất hiện đột ngột làm đảo lộn cuộc sống của toàn bộ người dân, lúc này các khung pháp lý phải đặt vấn đề tính mạng, sức khỏe của toàn dân lên ưu tiên hàng đầu.
Tổng kết hội thảo, PGS. TS. Bùi Anh Thủy – Trưởng Khoa Luật Trường Đại học Văn Lang, Thường trực Ban Tổ chức Hội thảo đánh giá Hội thảo thu hút được sự quan tâm của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học thuộc nhiều Bộ, ngành, địa phương, từ 22 đại học, trường đại học, học viện trên cả nước, với 56 bài viết nghiên cứu có giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Các bài viết dự kiến sẽ được chọn lọc, thẩm định và in trong Kỷ yếu Hội thảo do NXB Đại học Quốc gia TP.HCM xuất bản. Một số bài sẽ được phản biện và đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật. Các ý kiến của đại biểu trình bày trong hội thảo sẽ được Ban Tổ chức sàng lọc, tổng hợp gửi đến các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm của Nhà nước nghiên cứu, sử dụng.
Bài: ThS. Trần Diệu Thúy, Khoa Luật
Ảnh: Đăng Anh, Trần Thịnh