(P.TS&TT – Văn Lang, 28/04/2021) - Nằm trong chuỗi hoạt động thuộc Trại Sáng tác và Hội thảo “Đồ họa tranh in Việt Nam – Quốc tế 2021”, ngày 27/04/2021, Seminar trao đổi về sự phát triển của đồ họa trong giai đoạn mới 2020 – 2025 được tổ chức tại Cơ sở 3 Trường Đại học Văn Lang với sự tham dự của các nhà khoa học, họa sĩ và giảng viên trong và ngoài nước.
Tiếp nối thành công của buổi Khai mạc và Workshop về các hoạt động chuyên môn chủ đề Đồ họa – in khắc diễn ra vào ngày 21/04 vừa qua, Khoa Mỹ thuật và Thiết kế Trường Đại học Văn Lang tiếp tục đồng hành cùng Hội Mỹ thuật TP.HCM và Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM chủ trì tổ chức buổi Hội thảo quốc tế, kết nối họa sĩ, nhà khoa học và các giảng viên tài năng đến từ Thái Lan, Lào, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Việt Nam để tạo nên sân chơi học thuật, cùng trao đổi về vai trò và tầm quan trọng của đồ họa tranh in trong nền mỹ thuật hiện đại; lịch sử phát triển đồ họa tranh in thế giới và Việt Nam; thực trạng hoạt động và những giải pháp, phương hướng đào tạo, hoạt động nghệ thuật đồ họa tranh in với môi trường.
Là một trong những hoạt động học thuật chuyên nghiệp then chốt được đầu tư bài bản, hội thảo "Đồ họa tranh in Việt Nam - Quốc tế 2021" đã thu hút sự tham dự của nhiều nhà khoa học, họa sĩ và giảng viên mỹ thuật trong và ngoài nước đến tham dự, lắng nghe và chia sẻ các quan điểm nghệ thuật dưới sự dẫn dắt của Ban chủ tọa là những nghệ sĩ, nhà phê bình nghệ thuật uy tín trong lĩnh vực:
- TS. Nguyễn Xuân Tiên – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Tp. HCM;
- TS. Nguyễn Văn Minh – Hiệu Trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Tp. HCM;
- TS. Nguyễn Xuân Nghị - Đại diện của Khoa Mỹ thuật và Thiết kế Trường Đại học Văn Lang;
- TS. Nguyễn Nghĩa Phương – Đại học Mỹ thuật Tp. HCM.
Đại diện Ban chủ tọa buổi hội thảo, GS. TS. Nguyễn Xuân Tiên phát biểu: “Đồ họa tranh in Việt Nam đã có truyền thống phát triển lâu đời, được tiếp nối phát triển qua các giai đoạn thăng trầm lịch sử và gặt hái được khá nhiều thành công. Hiện nay, trong quá trình hội nhập, đồ họa tranh in đã tiếp cận với khu vực, với thế giới và có những dấu ấn nhất định trong các buổi giao lưu, hội thảo hay các trại sáng tác quốc tế từ thể loại cho đến nội dung, kỹ thuật về chế bản, kỹ thuật về in, khắc cũng như cách thể hiện hình thức. Điều quan trọng nhất lúc này là chúng ta phải làm sao để nghệ thuật tranh in Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển chung của đồ họa tranh in thế giới nhưng đồng thời vẫn giữ được bản sắc, văn hóa con người Việt Nam.”
Thành công kết nối 4 họa sĩ đến từ Lào, 12 họa sĩ từ Thái Lan, 1 họa sĩ từ Malaysia, 1 họa sĩ từ Ấn Độ với các giảng viên, nhà khoa học và phê bình nghệ thuật tại Việt Nam, buổi hội thảo "Đồ họa tranh in Việt Nam - Quốc tế 2021" đã tiến hành báo cáo 10 bài tham luận tiêu biểu trong số 40 bài được gửi về chương trình, bày tỏ quan điểm và nghiên cứu xoay quanh chủ đề đồ họa tranh in trong các nền văn hóa và đời sống nghệ thuật. Bên cạnh đó, hội thảo cũng là dịp để các nghệ sĩ, giao lưu văn hóa với bạn bè quốc tế, mở rộng hiểu biết về đồ họa tranh in của nước bạn nói riêng và văn hóa, xu hướng giáo dục tại các nước nói chung.
Được biết trong thời gian tới, chương trình sẽ tổ chức triển lãm 105 tác phẩm đã được gửi về trại sáng tác dưới hình thức online và offline nhằm thuận tiện cho việc theo dõi từ xa đối với khán giả quốc tế. Trong đó, buổi triễn lãm offline sẽ được thực hiện tại Hội Mỹ thuật TP.HCM (số 218A Pasteur, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3) từ ngày 30/04/2021 đến ngày 10/05/2021.
Xem thêm thông tin tại:
Trường Đại học Văn Lang khai mạc trại sáng tác và hội thảo "Đồ họa tranh in Việt Nam - Quốc tế 2021"
Bài: Hoài Anh
Hình ảnh: Nhật Huy - Khoa Mỹ thuật và Thiết kế