TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Khoa Du lịch và dấu ấn Tọa đàm quốc tế: Nghiên cứu thực địa trong Khoa học Xã hội

(VLU, 10/6/2021)– Ngày 09/6/2021, trong khuôn khổ kỷ niệm 20 năm thành lập Viện nghiên cứu về Đông Nam Á đương đại (IRASEC) thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS), IRASEC đã phối hợp cùng Trường Đại học Văn Lang và Trường Đại học Sư phạm TP. HCM đồng tổ chức Tọa đàm Online chủ đề “Nghiên cứu thực địa trong Khoa học xã hội” dành cho các nhà nghiên cứu, các nghiên cứu sinh trẻ đang làm việc tại Việt Nam cũng như đã/ đang thực hiện các nghiên cứu khoa học liên quan đến Việt Nam.

Tọa đàm diễn ra từ 8g00 đến 18g00 với sự tham dự của nhiều diễn giả là các nhà khoa học nổi tiếng trong và ngoài nước, kết nối hơn 100 nghiên cứu sinh, nhà khoa học tham dự đến từ 58 địa điểm khác nhau (trong đó có 31 địa điểm tại Việt Nam và 27 nơi trải rộng khắp các nước Pháp, Anh và Mỹ).

vlu hoi thao quc te nghien cuu thuc fTọa đàm online quy tụ 9 diễn giả, nhà nghiên cứu uy tín, hơn 100 người tham dự trên 58 địa điểm khác nhau trên các nước Anh, Mỹ, Pháp và Việt Nam.

Đại diện Trường Đại học Văn Lang, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng phát biểu: “Việc tổ chức Tọa đàm “Nghiên cứu thực địa trong Khoa học xã hội” sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các nhà nghiên cứu lĩnh vực khoa học xã hội được thảo luận và trao đổi học thuật, hiểu hơn về vai trò của hoạt động nghiên cứu thực địa cũng như những thách thức mà một nhà nghiên cứu phải đối mặt. Đây thật sự là cơ hội quý cho các nhà nghiên cứu trẻ trong các lĩnh vực khoa học xã hội như du lịch, địa lý, xã hội học, nhân học, nghệ thuật, kiến trúc và kinh tế, được tiếp cận và học hỏi các kiến thức và trải nghiệm thực tiễn từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm, đã có thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu thực địa."

DANH SÁCH 9 DIỄN GIẢ, NHÀ NGHIÊN CỨU UY TÍN THAM DỰ TỌA ĐÀM

GS. TS. Jérémy Jammes - Giáo sư Nhân học và nghiên cứu Đông Nam Á tại Viện Nghiên cứu Chính trị Lyon (Sciences Po Lyon) và Viện Nghiên cứu Đông Á Lyon (IAO), Pháp. Chủ đề chính trong các công trình của GS. Jammes là nhân chủng học ở các nước Đông Á và Đông Nam Á với nhiều xuất bản phẩm về địa chính trị và tôn giáo Đông Nam Á như các chuyên đề về đạo Cao Đài Việt Nam (2014). Ông từng là Giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á, Đại học Brunei Darussalam, đồng thời là Phó Giám đốc kiêm Trưởng ban Xuất bản của Viện Nghiên cứu về Đông Nam Á Đương đại (IRASEC), Thái Lan.

PGS. TS. Olivier Tessier - chuyên gia về Nhân chủng học, phụ trách Viện Viễn Đông Bác cổ tại Việt Nam (EFEO) từ năm 2015. Ông từng là điều phối viên của hai chương trình hợp tác khoa học (1999-2004) đại diện cho Đại học Công giáo Louvain ở các tỉnh miền núi Sơn La và Hòa Bình. Từ năm 2005 đến 2006, Ông đã thiết kế và chỉ đạo dự án FSP “Hỗ trợ nghiên cứu về những thách thức của quá trình chuyển đổi kinh tế và xã hội ở Việt Nam” do Bộ Ngoại giao Pháp tài trợ. Khi gia nhập EFEO, Ông xây dựng chương trình nghiên cứu mang tên “Việt Nam, một xã hội nước: nghiên cứu về các mối quan hệ giữa nông dân và Nhà nước thông qua lăng kính thủy lợi (thế kỷ XII-XXI)”.

GS. Chung Hoàng Chương - nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. HCM; là chuyên gia thuộc tổ chức phi chính phủ International Rivers. Ông từng là cựu giáo sư Khoa Á Mỹ học, Đại học Tiểu bang San Francisco, Mỹ. Ông dành nhiều thời gian nghiên cứu về sông Mekong và có nhiều chuyến khảo sát tại các vùng miền thuộc các nước Đông Nam Á mà dòng sông đi qua. Những năm gần đây, Ông tập trung đi thực địa nhằm nghiên cứu các chuyển biến về môi trường, sinh kế, và văn hóa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

TS. Bùi Trân Phượng - Chủ tịch Trường Đại học Thái Bình Dương, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen. Bà được Tổng thống Pháp trao tặng hai huân chương vì những cống hiến thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Bà còn nhận giải thưởng Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2013, và được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 20 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 với những đóng góp hiệu quả góp phần đổi mới giáo dục đại học và cao đẳng tại Việt Nam. TS. Phượng tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ ngành lịch sử tại Đại học Paris và tiến sĩ lịch sử tại Đại học Lyon 2, Pháp.

PGS. TS. Trần Thị Anh Đào -
 Giảng viên cao cấp tại Đại học Rouen Normandy (Pháp). Bà tham gia Viện Nghiên cứu Phát triển của Pháp (DIAL-IRD) tại Hà Nội trước khi trở thành nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu về Đông Nam Á Đương đại (IRASEC-CNRS) và hiện đang cộng tác nghiên cứu với Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh (SISS-VASS). Bà cũng là Phó Chủ tịch (đại diện Châu Âu) của Hội Kinh tế gia Việt Nam Toàn cầu (ISVE) với nhiệm vụ xây dựng năng lực, khuyến khích và thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo về Kinh tế, Quản lý và Tài chính trong cộng đồng các học giả Việt Nam trên thế giới.

TS. Emmanuelle Peyvel - Giảng viên ngành địa lý tại Đại học Western Brittany (UBO), đồng thời là nghiên cứu viên tại Viện Đông Á (UMR 5062, Lyon) chuyên về lĩnh vực du lịch và Đông Nam Á từ góc nhìn hậu thuộc địa. Bà là người đồng sáng lập và đồng Giám đốc của chương trình Thạc sĩ “Quản lý các hoạt động và cấu trúc du lịch ven biển” tại UBO. Hiện TS. Peyvel đang cùng Đại học Văn Lang phối hợp thực hiện dự án nghiên cứu CNRS (2020-2022) tại Viện Nghiên cứu về Đông Nam Á Đương đại (IRASEC) với nội dung tập trung vào mối liên hệ giữa du lịch và đô thị hóa ở vùng núi Việt Nam từ các trạm đo độ cao được thành lập từ thời thuộc địa.

TS. Trần Cẩm Thi - Phó trưởng Khoa, phụ trách Khoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang. Hướng nghiên cứu chính của TS. Trần Cẩm Thi là về quản lý điểm đến du lịch, chuyên về phát triển sản phẩm và quản lý dòng khách tham quan nhằm hướng tới việc phát triển bền vững của điểm đến, cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan. Ngoài ra, tiến sĩ tham gia các dự án về phát triển điểm đến tại Tp.HCM, như Dự án xây dựng điểm tham quan Vietnam Silver House tại Quận 5, Dự án về phát triển điểm tham quan tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Tp.HCM. Cô tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Du lịch tại Université de Toulouse - Le Mirail (Pháp) vào năm 2006, và Tiến sĩ ngành Địa lý tại Communauté Université Grenoble Alpes (Pháp) năm 2017 với chủ đề về Du lịch di sản.

TS. Quảng Đại Tuyên - Cử nhân Nhân học của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM (2007), Thạc sĩ Nhân học Ứng dụng tại trường Đại học Hawaii – Manoa, Hoa Kỳ (2013), Tiến sĩ Nhân học (Di sản Du lịch), trường Đại học Queensland, Úc (2020). Luận án của ông tập trung vào các vấn đề khai thác di sản sống vào phát triển du lịch tại nơi thiêng của người Chăm ở Ninh Thuận. Tiến sĩ đã có gần 10 năm làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm ở tỉnh Ninh Thuận. Ông cũng có thời gian công tác giảng dạy tại Khoa Du lịch của trường Đại học Hoa Sen năm 2015. Hiện nay, ông đang là giảng viên của Khoa Du lịch, trường Đại học Văn Lang. Ông là người sáng lập và đang duy trì các mạng lưới học thuật như CLB các nhà nhân học trẻ Việt Nam, mạng lưới học thuật Chamstudies. Mảng nghiên cứu quan tâm của ông tập trung vào Văn hoá Chăm và nhân học ứng dụng. Cụ thể, ông quan tâm nghiên cứu các khía cảnh khác nhau trong Nhân học ứng dụng về quản lý di sản văn hoá, phát triển điểm đến, phát triển du lịch bền vững, du lịch cộng đồng và phát triển cộng đồng. Bên cạnh hoạt động học thuật, ông cũng đang thử sức mình để phát triển điểm đến/ khu du lịch nhằm khai thác các tài nguyên văn hoá bản địa để phát triển du lịch ở tỉnh Ninh Thuận.

TS. Fanny Quertamps - người tham gia và quản lý nhiều chương trình và dự án nghiên cứu về đô thị và môi trường tại Việt Nam. Từ 2007 đến 2009, Bà là đồng Giám đốc của Trung tâm Dự báo và Nghiên cứu đô thị (PADDI) tại thành phố Hồ Chí Minh. Bà đã phát triển các khóa đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật và các hoạt động nghiên cứu khác nhau trong lĩnh vực nghiên cứu đô thị. Năm 2019, Bà là Cố vấn cấp cao của Chương trình khu vực về giải pháp kinh tế với rác thải ở biển do Liên minh Châu Âu và Cộng hòa Liên bang Đức đồng tài trợ, được quản lý bởi GIZ và Expertise France. Bà tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Bordeaux với đề tài về quá trình đô thị hóa vùng ven của Hà Nội.


6 PHIÊN THẢO LUẬN VÀ NHIỀU NỘI DUNG HỌC THUẬT HẤP DẪN

vlu toa dam quoc te nghien cuu thuc dia cThông qua ứng dụng trực tuyến, các nhà khoa học gặp gỡ và cùng nhau chia sẻ nhiều trải nghiệm thú vị trong quá trình nghiên cứu thực địa, những kiến thức, vốn kinh nghiệm đúc kết từ các công trình nghiên cứu đã/đang thực hiện.

Hướng đến các nhà khoa học trẻ trên toàn thế giới, tọa đàm được tổ chức với nhiều tham luận được trình bày bằng 3 ngôn ngữ Việt – Pháp – Anh, tập trung chia sẻ những phương pháp nghiên cứu thực địa hữu ích cho lĩnh vực Khoa học xã hội, những trải nghiệm thực tế của các nhà khoa học trong quá trình điền dã, nghiên cứu thực địa tại Việt Nam qua nhiều lăng kính khác nhau (nhân học, lịch sử, địa lý,…) và chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh quá trình nghiên cứu. Tọa đàm “Nghiên cứu thực địa trong Khoa học xã hội” được chia làm 6 phiên, với các chủ đề phong phú:


Phiên 1: Các nguyên tắc chính của việc tạo và xử lý dữ liệu thực địa (Chủ tọa: TS. Trần Thị Anh Đào – IRASEC)
- Tham luận: “Phương pháp và kỹ thuật thực địa trong Khoa học xã hội” của Nhà nghiên cứu Olivier Tessier (EFEO)

Phiên 2: Điểm thực địa không chỉ là nơi chốn mà là giai đoạn thời gian (Chủ tọa: TS. Quảng Đại Tuyên – Trường Đại học Văn Lang)
- Tham luận: “Nghiên cứu làng xã Việt Nam: điều tra thực địa, số hóa và triển vọng nghiên cứu trong tương lai” của nhà nghiên cứu Trần Văn Quyến (Trường Đại học Thăng Long)
- Tham luận: “Ứng dụng phương pháp nghiên cứu thực địa trong bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Huế. Trường hợp nghiên cứu: Lăng vua Minh Mạng” của 2 nhà nghiên cứu Bùi Thị Hiếu và Nguyễn Quang Huy (Trường Đại học Huế)
- Tham luận: “Nghiên cứu trong và ngoài phạm vi các bảo tàng Việt Nam: thực hiện thực địa từ Bảo tàng chứng tích chiến tranh” của nhà nghiên cứu Tough Rachel (UEA)

Phiên 3: Trong cuộc hay ngoài cuộc: hoạt động tích cực và tính thân mật (Chủ tọa: TS. Bùi Trân Phượng – Collège de France)
- Tham luận: “Trình diễn giới nơi nhóm nam đồng tính ở TP. HCM: Tiếp cận khách thể nghiên cứu từ vị thế “Người trong cuộc” của nhà nghiên cứu Phù Khải Hùng (SISS)
- Tham luận: “Vai trò của phụ nữ trong việc lựa chọn giữa sinh thường và sinh mổ: kết hợp quan điểm bên trong và hiểu biết bên ngoài về y sinh hóa của quá trình sinh đẻ ở Việt Nam” của nhà nghiên cứu Myriam de Loenzien, Violinne Tsopgni và nhà nghiên cứu Hoàng Thị Thùy Trang (IRD, CEPED).

Phiên 4: Bí mật của điểm thực địa, những địa điểm bí mật (Chủ tọa: GS. Chung Hoàng Chương – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM)
- Tham luận “Giới thiệu sách Fieldwork and the self, đồng tác giả với V.T. King, Springer, Dân tộc học của Homo Secretus: Bên trong các xã hội với những bí mật ở Việt Nam” của nhà nghiên cứu Jérémy Jammes (IAO)
- Tham luận “Đoàn Thanh nhiên Cộng sản Hồ Chí Minh tại Cần Thơ: hòa nhập vào điểm thực địa” của nhà nghiên cứu Tepliashina Tatia (IAO)

Phiên 5: Thương lượng tiếp cận thực địa (Chủ tọa: TS. Emmanuelle Peyvel - IRASEC)
- Tham luận “Định lượng và đo địa hình của bạn: Những khó khăn và phương pháp sắp xếp trong bối cảnh Việt Nam” của nhà nghiên cứu Trần Khắc Minh (PRODIG)
- Tham luận “Dịch, nói và khiến mọi người nói: chiến thuật thực địa từ Gò Vấp” của nhà nghiên cứu Jullien Clara (IRASEC)

Phiên 6: Đồng kiến tạo, điểm thực địa chia sẻ (Chủ tọa: TS. Trần Cẩm Thi - Phó Trưởng Khoa, Phụ trách Khoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang)
- Tham luận “Việc sử dụng các trò chơi nghiêm túc trong việc nâng cao nhận thức của các nhà quản lý về phòng ngừa các rủi ro liên quan đến nước: phản hồi từ Đồng bằng song Cửu Long” của nhà nghiên cứu Trần Thị Huyền, Amalric Marion Rousseaux Frédéric, GaudouBenoit (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, CITERES)
- Tham luận: “Những thách thức và khó khăn trong công tác thực địa ở môi trường hoang dã” của nhà nghiên cứu Morère Pierre (EFEO)

Tại Tọa đàm, PGS. TS. Olivier Tessier đã giới thiệu đến người tham dự phương pháp và kỹ thuật điền dã trong Nhân học – Xã hội bằng chính những trải nghiệm thực tế của bản thân trong suốt thời gian nghiên cứu như câu chuyện tham gia khóa học tại Tam Đảo, tiền trạm ở Cần Thơ,... Đối với người làm nghiên cứu, quá trình từ đặt vấn đề đến thực địa cần có thứ tự và kế hoạch rõ ràng. Nó bắt đầu từ việc đặt vấn đề chung, trải qua hàng loạt trình tự đặt giả thiết, tiền thực địa, xây dựng các phương pháp điều tra và công cụ nghiên cứu rồi mới đến thực địa và xử lý dữ kiện và cho ra những giải thích mang tính khai phá. Nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh về những lợi ích và các lưu ý khi sử dụng 4 công cụ chính trong quá trình điền dã gồm:

  • Quan sát tham dự: Bằng một chuyến ở lại dài ngày tại nơi mình điều tra, nhà nghiên cứu Nhân học có thể tìm hiểu và điều tra thông qua việc học ngôn ngữ địa phương, va chạm với thực tại mà nhà nghiên cứu muốn nghiên cứu. Người làm khoa học cần quan sát, tham dự vào đời sống cộng đồng nhưng không nên tham dự quá mạnh mẽ, dẫn đến đi xa khỏi mục đích khoa học ban đầu.
  • Phỏng vấn: Những cuộc trao đổi qua lại do nhà nghiên cứu chủ động tiến hành nhằm tìm hiểu sâu bên trong. Những câu chuyện được nghe từ các cuộc phỏng vấn có thể là nguồn tư liệu quý giá với nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, các câu hỏi phỏng vấn cần được chọn lọc, tránh những câu hỏi không thỏa đáng (khó trả lời, không rõ nghĩa hoặc không mang ý nghĩa với người được hỏi)
  • Những kỹ thuật liệt kê: Quá trình nghiên cứu cần áp dụng các phương pháp, công cụ thống kê để khảo sát mang tính định lượng, có hệ thống
  • Các nguồn tài liệu văn bản: Khảo sát các nguồn tài liệu văn bản như báo chí, tài liệu trong kho lưu trữ, các loại văn bản ở địa phương,…

Bên cạnh những lý thuyết nền tảng giúp nhà khoa học thực hiện nghiên cứu thực địa, Tọa đàm cũng giới thiệu những nghiên cứu chuyên sâu về các điểm thực địa cụ thể giàu tính lịch sử tại Việt Nam. Trong đó, các nhà khoa học đã chỉ ra nhiều phương pháp mang tính thời đại, đem đến thuận lợi cho quá trình nghiên cứu. Theo nhà nghiên cứu Trần Văn Quyến, việc số hóa, lập danh mục các tư liệu địa phương trong quá trình sưu tầm và nghiên cứu sẽ góp phần bảo tồn tư liệu bằng hình ảnh, giúp cộng đồng khoa học có thể chia sẻ nguồn tư liệu dễ dàng hơn. Đồng thời, trong nghiên cứu Hán Nôm, việc không tác động trực tiếp đến tư liệu gốc quá nhiều cũng góp phần bảo vệ nguồn tư liệu lâu đời khỏi hư mất bởi các nhân tố tác động bên ngoài.

Sự hiện diện của những nhà khoa học trẻ như nhà nghiên cứu Phù Khải Hùng, Myriam de Loenzien, Violinne Tsopgni và Hoàng Thị Thùy Trang đã thổi một làn gió mới năng động, tự tin đến hội thảo qua những đề tài tiếp cận với đời sống cộng đồng trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung. Trong khuôn khổ tọa đàm, nhà nghiên cứu Phù Khải Hùng đã có những chia sẻ rất thực về con người và quá trình tiếp cận đối tượng nghiên cứu. Đó là một hành trình thể hiện bản lĩnh, tinh thần xông pha và hi sinh vì khoa học của người trẻ khi dám lựa chọn cách tiến cận insider đầy khó khăn với nhóm đối tượng vốn mang tính ẩn danh rất cao và hành trình khám phá phải luôn diễn ra trong thầm lặng.

Hầu hết các tham luận trình bày trong buổi tọa đàm đều mang tính học thuật rất cao, thể hiện tính chuyên nghiệp và vốn hiểu biết sâu rộng của tác giả đối với lĩnh vực nghiên cứu: GS. TS. Jérémy Jammes đã giới thiệu đến người tham dự quyển sách, đồng thời cũng là công trình nghiên cứu của 17 nhà khoa học làm việc về Đông Nam Á trong nhiều lĩnh vực, đề cập đến các cách thu thập dữ liệu, phân tích và diễn giải, giải thích những tương tác với nghiên cứu thực địa của họ; Bàn luận về Dân tộc học của Homo Secretus: Bên trong xã hội với những bí mật ở Việt Nam; Một cộng đồng Cao Đài với những bí mật; Với chủ đề “Đồng kiến tạo, điểm thực địa chia sẻ”, các đề tài cũng cho thấy những mô hình mới trong việc tạo ra và chia sẻ dữ liệu, khái niệm "trò chơi nghiêm túc" cùng sự tương tác với người dân địa phương, các bên liên quan trong quá trình sử dụng “trò chơi nghiêm túc”; trình bày nhiều quan điểm về nguồn dữ liệu được thu thập từ công tác thực địa ở môi trường hoang dã, chia sẻ cùng người tham dự các vấn đề mang tính gợi mở và đem đến những kiến thức bổ ích cho các nhà nghiên cứu khoa học xã hội trẻ.

Có mặt tại Cơ sở chính Trường Đại học Văn Lang để cùng chủ trì tọa đàm, TS. Emmanuelle Peyvel (IRASEC) nhận xét: “Tôi cho rằng chất lượng của tọa đàm hôm nay rất tốt, đúng với những kỳ vọng ban đầu. Các câu hỏi được đặt ra cũng rất thú vị và góp phần khiến chủ đề bàn luận thêm sôi nổi. Tôi thích việc chúng ta có thể chia sẻ cùng nhau bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh lẫn tiếng Pháp xuyên suốt quá trình để tất cả có thể kết nối và trò chuyện cùng nhau.”

vlu toa dam quoc te nghien cuu thuc dia aTS. Emmanuelle Peyvel (IRASEC) và TS. Trần Cẩm Thi trong buổi làm việc, dẫn dắt tọa đàm chủ đề "Nghiên cứu thực địa trong Khoa học Xã hội"

 DẤU ẤN VĂN LANG TẠI TỌA ĐÀM QUỐC TẾ

Là đơn vị đồng tổ chức, Trường Đại học Văn Lang làm chủ tọa của 2 phiên thảo luận trong hội thảo, cùng IRASEC kết nối với nhiều nhà khoa học nổi tiếng và cộng đồng đam mê nghiên cứu Khoa học Xã hội. Trong tình hình tái bùng phát dịch bệnh, việc chuyển hướng tổ chức Tọa đàm online của Khoa Du lịch Văn Lang nói riêng và tổ chức nói chung là một động thái đúng đắn, vừa đảm bảo sức khỏe cộng đồng, vừa thể hiện quyết tâm, sự kiên định nhưng rất linh hoạt trong việc tạo nên sân chơi học thuật cho các nhà khoa học trẻ.

TS. Trần Cẩm Thi - Phó Trưởng Khoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang cho biết: "Ban tố chức đã có một thời gian dài (từ cuối tháng 3/2021) để chuẩn bị cho tọa đàm này. Mình muốn nói đến phương pháp khảo sát thực địa trong lĩnh vực khoa học xã hội vì trên thực tế, đặc biệt tại Việt Nam, những tọa đàm liên quan đến phương pháp trong Khoa học Xã hội vốn không nhiều. Với sự hỗ trợ nhiệt tình từ TS. Emmanuelle Peyvel, đơn vị đã kết nối được với nhiều diễn giả danh tiếng trong lĩnh vực để cùng tạo nên một buổi trò chuyện thật ý nghĩa. Trong diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, loạt hoạt động tham quan trường Đại học Văn Lang, xem phim và khảo sát thực địa tại đường Phạm Ngũ Lão Tp.HCM theo kế hoạch Ban tổ chức đã đề ra rất tiếc phải tạm gác lại. Tuy nhiên, chắc chắn rằng, chuỗi hoạt động thú vị này sẽ vẫn tiếp tục ngay khi tình hình đã ổn định hơn."

vlu toa dam quoc te nghien cuu thuc dia eMặc dù có nhiều thay đổi trước diễn biến của dịch Covid-19, tọa đàm khoa học do IRASEC, Trường Đại học Văn Lang và Trường Đại học Sư phạm TP. HCM vẫn diễn ra một cách thành công tốt đẹp.

Bên cạnh đó, TS. Quảng Đại Tuyên - giảng viên Khoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang cũng cho biết thêm: “Với khoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang, tọa đàm quốc tế chủ đề “Nghiên cứu thực địa trong Khoa học Xã hội” là cơ hội rất tốt để khởi động loạt hoạt động mới của diễn đàn du lịch Văn Lang. Trường chúng ta nói chung và Khoa nói riêng cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động nghiên cứu khoa học, các chương trình giới thiệu về nghề, thảo luận và chia sẻ những kiến thức bổ ích cùng với diễn giả nổi tiếng. Trong tương lai, Khoa Du lịch chắc chắn sẽ tạo thêm nhiều hoạt động giàu ý nghĩa tương tự để đóng góp vào quá trình phát triển nghiên cứu khoa học chung của Trường Đại học Văn Lang.”

 

Tin và hình: Hoài Anh


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag