TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Khoa Công nghệ tổ chức seminar về Sinh thái học và độc lực nấm Cryptococcus neoformans ở Việt Nam

(VLU, 29/7/2021) Ngày 30/7, Khoa Công nghệ tổ chức seminar học thuật chủ đề "Sinh thái học và độc lực nấm Cryptococcus neoformans ở Việt Nam" do TS. Phan Hải Triều chủ trì. Seminar đã mang lại cho hơn 80 sinh viên và người tham dự cái nhìn chi tiết hơn về tác hại của vi nấm, đặc biệt là chủng nấm Cryptococcus neoformans, đồng thời giới thiệu đến sinh viên các phương pháp thu thập mẫu, phương pháp PCR hiện đại và phân tích kết quả đạt được.

Tiếp nối chuỗi hoạt động học thuật sôi nổi, ngày 30/7/2021, Khoa Công nghệ Trường Đại học Văn Lang tổ chức Seminar học thuật “Sinh thái và độc lực nấm Cryptococcus neoformans ở Việt Nam”. Với kinh nghiệm 10 năm tham gia các hoạt động nghiên cứu lâm sàng quốc tế tại Đại học Oxford, TS. Phan Hải Triều đã có những chia sẻ khoa học sâu sắc, đặt và chứng minh giả thuyết sự khác biệt về hệ phiên mã giữa Cryptococcus neoformans môi trường và Cryptococcus neoformans lâm sàng thông qua việc sử dụng mô hình nhiễm Galleria mellonella (wax worm) và những thử nghiệm về gen đầy công phu.

vlu cn hoi thao sinh thai g

Trên thế giới có hàng triệu loại nấm, từ loại nấm ăn được cho đến các loại có thể gây bệnh, các loại mắt thường không thể thấy được. Trong hàng triệu loại nấm, có khoảng vài trăm loại là tác nhân gây ra các bệnh thường gặp ở con người như hen suyễn, dị ứng, nấm da, móng. Ngoài ra, một số loại nấm gây bệnh nguy hiểm với sức khỏe của con người như viêm phổi, nhiễm trùng máu, viêm màng não,...

Trung bình 1 năm, Việt Nam có đến 1.000 - 2.500 ca mắc bệnh viêm màng não do loại nấm này gây nên. Cryptococcus neoformans là chủng nấm ngoại sinh sống trong môi trường, sinh sản bằng cách nảy chồi, được tìm thấy nhiều trong phân bồ câu, phân chim, không khí, hốc cây và trong đất. Khi bị nhiễm bệnh do hít phải loại nấm từ môi trường, con người dễ mắc chứng viêm phổi, dẫn đến viêm màng não và tỷ lệ tử vong là 30% trong 10 tuần.

vlu cn hoi thao sinh thai hTS. Phan Hải Triều cho biết, có sự tương quan giữa khí hậu nóng lên và sự mở rộng vùng cư trú của nấm. Một số loài nấm khi mở rộng phạm vi cư trú sẽ gây ảnh hưởng đến động vật hoang dã.

Trong khuôn khổ buổi trao đổi, TS. Phan Hải Triều cũng giới thiệu đến người tham dự các kiến thức cơ bản về nấm và các bệnh nấm, cơ chế bảo vệ cơ thể khỏi nấm (2 cột trụ); bệnh viêm màng não do nấm Cryptococcus neoformans và điều trị nhiễm trùng do Cryptococcus neoformans gây nên; đồng thời thực hiện hàng loạt nghiên cứu so sánh độc lực của C. neoformans từ môi trường và C. neoformans từ bệnh nhân thông qua nhiều phương pháp hiện đại.

Trải qua quá trình tìm hiểu, tiến hành nghiên cứu công phu, TS. Phan Hải Triều đã đưa ra được nhiều kết luận khoa học giá trị như: Sự phân bố ca nhiễm C. neoformans theo kiểu gen; C. neoformans lần đầu tiên phân lập được ở cây sao và tràm bông vàng; C. neoformans có độc lực cao hơn các nấm Cryptococcus khác phân lập từ môi trường; C. neoformans môi trường có độc lực kém hơn C. neoformans lâm sàng trên mô hình G. mellonella; Sự khác biệt về hệ phiên mã giữa C. neoformans môi trường và C. neoformans lâm sàng (1700 genes) và gen độc lực ở C. neoformans lâm sàng được biểu hiện gấp 2 - 45 lần so với C. neoformans ở môi trường.

Có thể nói, đây là một đề tài nghiên cứu sâu, bao gồm cả hệ sinh thái rộng lớn, đem lại cho người tham dự những kiến thức về sinh học, môi trường và y học bổ ích, gợi mở nhiều hướng nghiên cứu cho sinh viên Khoa Công nghệ trong tương lai.

vlu cn hoi thao sinh thai bHội thảo sôi nổi với nhiều trao đổi học thuật giữa TS. Phan Hải Triều cùng các thầy cô, sinh viên Khoa Công nghệ.

TS. Nguyễn Hữu Hùng - Phó trưởng Khoa Công nghệ tổng kết: “Là một nhân tố mới của Khoa Công nghệ trong thời gian tới, TS. Phan Hải Triều sẽ đem đến nhiều bài học bổ ích về sinh học nấm, vấn đề về dịch tễ của nấm, sinh học phân tử của nấm và các kiểu mô hình nuôi cấy, đặc biệt là kinh nghiệm phân tích dữ liệu lớn. Đây là một công cụ khá phức tạp đối với những người làm công nghệ sinh học phân tử. Hi vọng rằng đây sẽ là động lực và cơ hội cho các sinh viên Khoa Công nghệ tìm tòi, học hỏi các phương thức tiếp cận hiện đại, nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu trong quá trình học tập tại Văn Lang.”

Theo dự kiến, Khoa Công nghệ sẽ tiếp tục tổ chức Hội thảo khoa học chia sẻ về việc ứng dụng tế bào gốc trong vấn đề chăm sóc thẩm mỹ và điều trị vào khung giờ 13g30 thứ Sáu tuần tới, ngày 06/8/2021.

Hoài Anh


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag