TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Kinh nghiệm khởi động điều trị F0 tại nhà của một bác sĩ Đại học Văn Lang

(VLU, 03/10/2021) BS CKII Lê Thị Kim Chi có hơn 30 năm công tác tại Khoa Cấp cứu và là Trưởng Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Bình Chánh. Cô hiện là giảng viên cơ hữu Bộ môn Y Cơ sở, Khoa Y Trường Đại học Văn Lang. Trong đợt bùng phát dịch Covid lần thứ 4 tại Tp.HCM, BS. Chi là một trong nhóm những bác sĩ đầu tiên đề xuất theo dõi điều trị thành công bệnh nhân F0 tại nhà.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ 4 tại Việt Nam. Ngoài công việc giảng dạy, tôi có nhiều thời gian hơn để suy ngẫm và quyết định dấn thân cùng với đội ngũ nhân viên y tế của Tp.HCM hỗ trợ chăm sóc điều trị cho người dân.

vlu mo hinh dieu tri f0 tai nha c

Tôi gắn bó với Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bình Chánh từ đầu năm 1984 ngay khi vừa tốt nghiệp. Sau 24 năm tận tuỵ với công việc căng thẳng tại Khoa Cấp cứu, một khoa bận rộn nhất của bệnh viện, tôi tiếp tục chuyển sang làm Trưởng Khoa Xét nghiệm, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ với chứng chỉ BSCKI (năm 2012), BSCKII (2016) và tiếp tục công việc cho đến khi nghỉ hưu. Từ đó, tôi tiếp tục tham gia khám bệnh từ thiện và giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm thực tiễn trong hơn 30 năm hành nghề cho sinh viên.

Tôi luôn gắn bó với Bình Chánh, bởi đơn giản mình được sinh ra và lớn lên tại làng quê vùng ven ngoại thành (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh), một nơi vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều của quá trình đô thị hoá, vẫn còn mang dáng vẻ của một vùng trời bình yên.

Thế nhưng sự bình yên cũng không thể hồn nhiên được nữa khi đại dịch Covid-19 bùng phát và quê hương tôi lại là nơi có nhiều bệnh nhân nhất. Những ngày đầu 7/2021, lãnh đạo Bình Chánh cho lệnh tạm ngưng hoạt động chợ Bình Điền do phát hiện các ca nhiễm đầu tiên; rồi sau ba ngày truy vết, khu vực tôi sinh sống phát hiện tổng cộng 300 ca dương tính, nhưng chỉ có 100 bệnh nhân được đưa đi cách ly tập trung, khoảng 200 con người còn lại chưa biết đi về đâu khi các bệnh viện điều trị và dã chiến không đủ sức thu nhận số người bệnh liên tiếp tăng nhanh. Xã An Phú Tây của tôi cũng chứng kiến số bệnh nhân tăng theo cấp luỹ thừa, đội ngũ y tế vốn đã mỏng và thiếu trước hụt sau, nay phải căng mình quá tải lấy mẫu xét nghiệm, sàng lọc nhận diện cách ly F0, F1 và bố trí vào các bệnh viện thu dung.

Dù đã về hưu, tôi không thể đứng nhìn đồng đội chiến đấu vất vả với đại dịch. Tôi đăng ký tham gia tình nguyện chung sức với huyện nhà, với thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nhìn bà con hàng xóm phải đi cách ly hàng loạt, có nhà đi hết cả nhà 7, 8 người, bỏ nhà trống không ai chăm sóc, cũng có những nhà cha mẹ đi cách ly bỏ lại những đứa trẻ bơ vơ, thật tội nghiệp! Ngày đêm suy nghĩ, sao mà thuơng quá…

Một người em đồng nghiệp của tôi là bác sĩ Đạt - trưởng trạm Y tế xã An Phú Tây hầu như không có thời giờ về bên con gái nhỏ và gia đình bởi hễ có xét nghiệm phát hiện F0 là phải đưa đi Bệnh viện thu dung. Khi bệnh viện thu dung quá tải không nhận nữa thì Đạt xin ý kiến Ủy ban huyện dùng trường học mẫu giáo của xã cho bà con tập trung. Rồi các nhân viên y tế xã dần bước vào thế khó lực bất tòng tâm khi những khu phong tỏa cũng ngày càng nhiều, mới 15 ngày đầu của tháng 7, toàn xã đã có trên 200 khu vực phong tỏa, đến nỗi dân quân tự vệ cũng không đủ để giữ an toàn cho các khu cách ly.

vlu mo hinh dieu tri f0 tai nha b

Không suy nghĩ thêm nhiều, tôi quyết định xin cho 5 hộ ở riêng lẻ trên cùng một tuyến đường tự cách ly tại nhà. Lúc này Bộ Y tế hoàn toàn chưa có chủ trương cho F0 điều trị tại nhà có sự theo dõi của bác sĩ, sẽ là một việc khó khăn vì chưa có tiền lệ. Đúng như dự liệu, khi gọi điện lên Trung tâm Y tế huyện để đề xuất ý kiến, tôi phải chờ Trung tâm Y tế huyện xin ý kiến của Sở Y tế, nhưng cũng rất nhanh, ngay trong chiều hôm ấy tôi nhận được sự chấp thuận, đồng thời phải cam kết với địa phương thông qua trạm y tế xã.

Tôi suy nghĩ rất nhiều, không phải ở năng lực bản thân mà bởi các thông tin lâm sàng về biến chủng của Delta và các mức độ biến chứng trên các đối tượng bệnh nhân khác nhau vẫn chưa có nhiều trên y văn, rồi dụng cụ, công cụ tối thiểu để theo dõi bệnh nhân, khả năng cập nhật thông tin từ bệnh nhân, thuyết phục người nhà bệnh nhân cũng là những rào cản. Dù vậy, tôi quyết định viết cam kết và tin tuởng sẽ vượt qua các khó khăn trên bằng việc trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân tại nhà trong giai đoạn đầu của bệnh.

Tôi cũng có chút lo sợ không biết sẽ làm tốt hay không, nếu tốt tôi không mong được khen ngợi, nhưng nếu có chuyện không may thì mình ái ngại với gia đình người bệnh và xã hội vì có thể đây là những trường hợp đầu tiên thử áp dụng biện pháp này. Điều may mắn là tất cả các chủ hộ đều vui mừng cam kết hợp tác vì biện pháp này đã giải toả rất nhiều nỗi lo lắng mà họ không thể nói ra hết được.

Trong 5 hộ mà tôi chịu trách nhiệm theo dõi với UBND xã và trạm Y tế, có 3 hộ kinh tế trung bình và đang nuôi con nhỏ. Tổng số người của 5 hộ là 37 nhân khẩu, có đến 35 bệnh nhân là F0, trong đó có 2 người trên 65 tuổi, 5 trẻ nhỏ, còn lại là người lớn trong độ tuổi 30- 45. Đa số họ đều có trình độ học vấn hết cấp 2 trở lên, người hưu trí trước kia cũng làm việc cho khối hành chánh sự nghiệp nên việc trao đổi thông tin qua kênh zalo khá thuận lợi khi hướng dẫn điều trị.

Tất cả quá trình điều trị được tuân thủ theo phác đồ của Bộ Y tế và kinh nghiệm hơn 30 năm hành nghề của bản thân, nhưng thật không đơn giản như tôi nghĩ! Bệnh án cho bệnh nhân đơn giản chỉ là cuốn tập học sinh với các thông tin tối thiểu đủ để theo dõi, các thiết bị theo dõi sức khoẻ như nhiệt kế và huyết áp kế điện tử đều phải cho mượn, đối với hộ có bệnh nhân nặng hơn thì tôi hướng dẫn đo chỉ số nồng độ oxy trong máu SpO2.

Để đảm bảo theo dõi tốt nhất, tôi lên kế hoạch theo dõi trong 15 ngày, mỗi ngày 3 lần đo nhiệt độ, kiểm tra tri giác, điều kiện sinh hoạt đều phải ghi chép lại, khi có biểu hiện không bình thường, bắt buộc phải trao đổi thông qua cuộc gọi có hình ảnh để phán đoán được tình trạng bệnh. Tôi cũng yêu cầu bệnh nhân dành thời gian tập thể dục 40 phút vào buổi sáng và buổi chiều hàng ngày trong khuôn viên từng hộ và không được ra khỏi nhà, đồng thời cũng gọi điện hàng ngày để hướng dẫn ngủ đúng giờ và đủ giấc mỗi tối.

Về phần điều trị trực tiếp, cứ mỗi 3 ngày tôi đến khám một lần, ngày thứ 7 kết hợp trạm y tế xã để lấy mẫu xét nghiệm nhanh, ngày thứ 12 lấy mẫu xét nghiệm PCR và đến ngày thứ 15 thực hiện xét nghiệm nhanh lần cuối. Sau ngày thứ 15, nếu sức khoẻ của bệnh nhân tiến triển tốt, tôi tiếp tục theo dõi tư vấn qua điện thoại mà không đến thăm khám trực tiếp nữa. Lần lấy mẫu xét nghiệm cuối là ngày điều trị thứ 30, nếu đã âm tính, tôi cung cấp minh chứng và nhờ trạm Y tế cấp giấy hoàn tất cách ly tại nhà cho bệnh nhân.

vlu mo hinh dieu tri f0 tai nha a

Nói là vậy, nhưng trong 10 ngày đầu điều trị, tôi thật sự lo lắng, đêm cũng như ngày, lúc nào cũng phập phồng lo sợ người bệnh trở nặng và không kịp đưa đi cấp cứu. Qua 10 ngày, các bệnh nhân tiến triển tốt, cả bệnh nhân, nhiên viên y tế xã và chính quyền đầy hân hoan vui mừng. Bản thân tôi rất vui nhưng tự nhủ kiên trì để vượt qua ngày thứ 15 thì mới thật yên tâm.

Sau đợt điều trị thành công cho 35 người F0 và 2 người F1, tôi tiếp tục nhận theo dõi trên mô hình cách ly F0 tại nhà cho 55 bệnh nhân khác, trong đó có người đã xuất hiện triệu chứng sốt, ho điển hình của bệnh trở nặng. Việc điều trị bất kể ngày đêm khi bệnh nhân gọi báo tình trạng khó thở, đau ngực hụt hơi. Những lúc như vậy, tôi phải liên lạc với UBND xã hỗ trợ cung cấp oxy ngay và nhờ xe công an xã chuyển bệnh nhân vào bệnh viện Bình Chánh ngay lập tức. May mắn thay, 55 bệnh nhân hiện đã hoàn toàn bình phục.

Sau đó, tôi tiếp tục tham gia khám sàng lọc để tiêm vacxin cho người dân huyện Bình Chánh và quận 11. Thật hãnh diện khi quận 11 là quận được công nhận đã hoàn thành tiêm chủng sớm nhất thành phố.

Điều mà tôi lấy làm hạnh phúc sau khi nghỉ hưu đó là mô hình điều trị F0 tại nhà đã được Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện, Sở Y tế vào cuộc triển khai trên toàn thành phố và mô hình điều trị những bệnh nhân F0 của bản thân tôi cũng đã được giới thiệu để áp dụng cho những đơn vị bạn ở Quận 8, Quận 4, chúng tôi cùng liên hệ bắc nhịp cầu nối để hỗ trợ tư vấn với các nhân viên y tế ở nơi có điều trị F0 tại nhà.

Với niềm tin tưởng vào chiến lược phòng ngừa và điều trị của Chính phủ, đội ngũ y bác sĩ và sự tuân thủ của toàn dân, tôi tin cuộc chiến cam go chống dịch Covid nhất định thành công!

Lê Thị Kim Chi
BS CKII, Giảng viên Bộ môn Y Cơ sở, Khoa Y
Ảnh: Nguồn Internet


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag