Ngày 29/6, Đại học Văn Lang đã tổ chức tọa đàm chủ đề “Báo chí góp phần xây dựng và phát triển TPHCM”. Tọa đàm có sự tham dự của nhiều lãnh đạo, nhà báo, nhà quản lý báo chí lâu năm của TP nhằm đánh giá một cách sâu sắc hơn hoạt động của báo chí thời gian qua cũng như những thách thức cho hoạt động báo chí hiện nay.
Thể hiện phẩm chất đầu tàu
Mở đầu tọa đàm, nhà báo Dương Trọng Dật, nguyên Tổng Biên tập áo Sài Gòn Giải Phóng, đúc kết khá đầy đủ về thành tựu của báo chí TPHCM qua hơn 30 năm đổi mới. Báo chí TP đã thể hiện những phẩm chất “đầu tàu” trong sự phát triển của báo chí cả nước: phản ánh sâu những vấn đề kinh tế, xã hội, đời sống lao động, sáng tạo sôi động của TPHCM; phát hiện nhiều vấn đề lớn từ đó đúc kết cho thực tiễn, dẫn đến sự ra đời của những chính sách không chỉ cho TP mà còn cho cả nước; đi đầu trong vai trò phản biện xã hội, thẩm định những chính sách kinh tế - xã hội từ các nhà hoạch định chính sách; đấu tranh hiệu quả với những biểu hiện tiêu cực, phản nhân văn trong đời sống xã hội, là tiếng nói mạnh mẽ chống tham nhũng… Báo chí TP cũng là một nền báo chí vì dân, luôn đồng hành cùng nhân dân, thực sự trở thành diễn đàn của nhân dân, chuyển tải những nguyện vọng, bức xúc, tiếng nói trung thực, đầy tâm huyết của nhân dân.
Đồng thời, nhà báo Dương Trọng Dật cũng cảnh báo báo chí hiện nay đã lơi lỏng nhiều, để cho mạng xã hội chiếm lĩnh các khoảng trống thông tin lẽ ra báo chí phải chủ động; tư duy của người làm báo đang có xu hướng xơ cứng; cơ chế quản lý báo chí còn bất cập, làm giảm chức năng phản biện xã hội của báo chí.
Gắn bó với báo chí TPHCM từ năm 1987 đến nay, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải khẳng định báo chí TP phát triển mạnh mẽ nhất từ trong mối quan hệ dân chủ với các đồng chí lãnh đạo. Sự kết hợp của một thế hệ lãnh đạo cầu thị, biết lắng nghe, nhận thức được sức mạnh của báo chí và chủ động phát huy sức mạnh đó cùng với một thế hệ lãnh đạo báo chí vững vàng, máu lửa đã tạo nên một nền báo chí tiên phong đổi mới với những bài báo đóng góp thiết thực vào chính sách phát triển TP.
Đồng quan điểm, nhà báo Lê Hoàng (nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ) cho rằng, báo chí dù ở bất cứ giai đoạn phát triển nào cũng cần có sự tin tưởng, đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước - những người phát huy hiệu quả nhất vai trò của báo chí cho công cuộc xây dựng và phát triển TP. Nhờ đó, báo chí mới tự tin làm tốt vai trò phản biện xã hội, phát triển bền vững và luôn đặt lợi ích của đất nước lên trên hết.
Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Trang tin Điện tử Đảng bộ TPHCM, phân tích những chuyển biến mạnh mẽ theo nhiều chiều hướng của báo chí TP trong 20 năm qua: “Về mặt tích cực, rõ ràng, báo chí TP đã đóng góp cho sự phát triển toàn diện kinh tế - chính trị - xã hội TP. Đặc biệt, có thể nói báo chí là nơi nương tựa cuối cùng của “người dân oan”, là tiếng nói phản biện xã hội, bảo vệ quyền lợi của người dân, giúp soi rọi lại các đường lối, chính sách của lãnh đạo. Báo chí luôn có vai trò quan trọng vì thế mà cũng dễ bị lạm dụng, trở thành công cụ của các thế lực. Điển hình là trong 10 năm qua, với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, đã xuất hiện hiện tượng “truyền thông lá ngón” - những trang tin tổng hợp được cấp phép vội vã, thiếu sự quản lý - đang giết dần thế hệ tương lai bằng những bài viết độc hại, bằng những tường thuật tự nhiên chủ nghĩa gây nhiễu loạn xã hội”.
Nhà báo Tô Đình Tuân cũng đề xuất giải pháp: Phải chấn chỉnh công tác quản lý báo chí; xử lý nghiêm những vi phạm trong hoạt động báo chí - truyền thông; cơ quan báo chí tăng cường quản lý phóng viên; tăng cường trách nhiệm của tổ chức nghề nghiệp - Hội Nhà báo; rèn luyện và đào tạo đạo đức nghề nghiệp cho nhà báo; nỗ lực nâng cao dân trí.
Phải làm đúng chức năng
Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Phạm Trường nhấn mạnh vai trò của báo chí, đặc biệt là báo Đảng, phải làm sao để “ý Đảng - lòng dân hòa làm một”. Để tăng tính cạnh tranh của báo chí trong xã hội bùng nổ thông tin hiện nay, báo chí phải nâng cao vai trò của mình thông qua việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội, trong đó có nhận thức của người dân và cả nhận thức của lãnh đạo, tạo được sự đồng điệu trong nhận thức của xã hội về mục tiêu phát triển chung.
Nhà báo Vũ Kim Hạnh, nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, người khởi xướng chương trình “Hàng Việt Nam chất lượng cao” cho rằng, nếu không muốn bị tụt hậu và tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của TP, của đất nước, “báo chí, các nhà báo phải tư duy lại về sự phát triển của Việt Nam và luôn bám sát tình hình thực tế của Việt Nam và thế giới”.
PGS.TS Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, nguyên Tổng Biên tập Trang tin Điện tử Đảng bộ TPHCM, cho rằng báo chí phải làm đúng chức năng của mình là tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng - Nhà nước và đặc biệt phải “đưa thực tiễn vào Nghị quyết”, tức là phải phản ánh được hơi thở cuộc sống vào trong Nghị quyết, chứng tỏ những chủ trương đó xuất phát từ đời sống thực tiễn chứ không chỉ trong phòng máy lạnh. “Báo chí thì phải biểu dương cái đẹp, luôn luôn ủng hộ cái mới, phát triển cái mới, sao cho cái mới vốn rất nhỏ lúc ban đầu trở thành xu hướng chung”, PGS.TS Phan Xuân Biên nhấn mạnh.
Ngọc Tuyết
(Theo Trang tin điện tử - Đảng bộ Tp. HCM)