Ông Bùi Quang Độ: "Văn Lang sẽ Tổ chức nhiều Sự kiện như thế này"
(Truyền thông Văn Lang) Như tin đã đưa,sáng 29/06/2017, tại Hội trường 203A CS1 trường Đại học Văn Lang (45 Nguyễn Khắc Nhu, P.Cô Giang, Q1, TPHCM) đã diễn ra buổi Tọa đàm Báo chí góp phần xây dựng và phát triển Thành phố. Giám đốc truyền thông Văn Lang, Viện trưởng viện đào tạo Văn hóa Nghệ thuật và truyền thông Văn Lang Dương Trọng Dật chủ trì buổi tọa đàm
Tọa đàm có sự tham dự của nhiều lãnh đạo, nhà báo, nhà quản lý báo chí lâu năm của TP nhằm đánh giá một cách sâu sắc hơn hoạt động của báo chí thời gian qua cũng như những thách thức cho hoạt động báo chí hiện nay.
- Ông Phan Xuân Biên, nguyên Ủy viên ban TVTU, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy
- Ông Phạm Quốc Toàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam
- Ông Nguyễn Công Khế, Chủ tịch tập đoàn Thanh Niên, nguyên TBT báo Thanh Niên
- Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội xuất bản VN, nguyên TBT báo Tuổi Trẻ
- Ông Phạm Trường, Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng
- Bà Đỗ Thị Lan Anh, Tổng biên tập tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng
- Ông Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Trang Tin Điện Tử Đảng Bộ Tp.Hồ Chí Minh
- Bà Nguyễn Thị Ngọc Hải, nguyên chuyên viên phụ trách báo chí Ban tư tưởng Văn hóa Thành ủy, Nguyên ủy viên BBT báo Phụ nữ VN
- Bà Ngô Ngọc Ngũ Long, Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Tp.HCM, Tổng biên tập tạp chí Điện ảnh
- Bà An Dung, Phó Tổng biên tập tạp chí Nhiếp ảnh
- Ông Nguyễn Khắc Văn, Tổng Thư ký tòa soạn báo Sài Gòn Giải phóng
- Bà Phạm Bích Ngà, Phó Tổng biên tập tạp chí Hồn Việt
- Bà Nguyễn Thị Kim Ửng, Tổng biên tập tạp chí Kiến thức ngày nay
- Ông Vu Gia, nguyên Trưởng Ban biên tập báo Người Lao Động
- Bà Văn Minh Hoa, nguyên phó Giám đốc phía Nam Thời báo Kinh tế VN
- Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc TT Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA).
Và các phóng viên của Đài Truyền hình HTV, Truyền hình Quốc hội, Báo Tuổi trẻ, Báo Người lao động, Báo Dân trí, Báo Sài Gòn giải phóng, Báo Đại đại kết,Trang tin Điện từ Đảng bộ Tp.HCM.
Về phía chủ nhà, tham gia buổi tọa đàm gồm có:
- ông Bùi Quang Độ - Chủ tịch HĐQT Đại học Văn Lang;
- Ông Võ Văn Tuấn - Phó hiệu trưởng thường trực
- PGS TS Phạm Ngọc Doanh - trưởng Khoa QHCC&TT và các giảng viên khoa QHCC và TT.
Phát biểu đề dẫn, ông Dương Trọng Dật cho biết SGGP là tờ báo cách mạng đầu tiên xuất hiện tại Tp.HCM. Tiếp theo đó là sự xuất hiện của Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Phụ nữ, Người lao động… Cùng với nhiệm vụ là vũ khí tuyên truyền của Đảng những giai đoạn trước, đồng hành cùng sự phát triển kinh tế xã hội đất nước, báo chí Việt Nam đặc biệt là báo chí Tp.HCM với sự nhạy bén, năng động đã phản ánh sinh động sự phát triển của Tp.HCM về kinh tế xã hội, đời sống lao động và hoạt động sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của thành phố ; báo chí đi đầu trong việc thẩm định các chính sách xã hội, phản biện xã hội, là tiếng nói của nhân dânTp.HCM, là nơi chuyển tải những bức xúc của dư luận xã hội và thực sự trở thành một nền báo chí của dân, do dân và vì dân.
Mặc dù vậy, theo ông Dương Trọng Dật, báo chí đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới rất gay gắt. Chính sách đa dạng đa phương hóa quan hệ đối ngoại, hội nhập sâu vào thế giới tạo điều kiện cho sự xâm nhập mạnh mẽ của của báo chí nước ngoài, sự phát triển mạnh mẽ của KHCN (sự ra đời của báo điện tử, mạng Internet) khiến cho báo giấy đứng trước những thách thức chưa từng có. Đó là chưa kể những thách thức trong cơ chế quản lý lỗi thời, những trì trệ trong tư duy của người làm báo, sức ỳ của lối làm báo quan phương - áp đặt, cứng nhắc, khiên cưỡng trong tuyên truyền; và là bước lùi trong chức năng phản biện vốn là thế mạnh của báo chí Tp. HCM.
Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải, người có thời gian dài theo dõi báo chí Tp. HCM khái quát về những vấn đề của báo chí Tp. HCM trong những năm qua. Theo bà Ngọc Hải, bà có cơ hội đi theo các lãnh đạo như ông Võ Văn Kiệt, ông Nguyễn Văn Linh, ông Mai Chí Thọ gặp gỡ và tiếp xúc với các nhà báo lớn của thế giới. Những lãnh đạo thành phố lúc đó này đã sử dụng lực lượng truyền thông để thực hiện những chính sách lớn của Tp. HCM, bàn bạc về những chính sách cho nhân dân như chính sách 1,2 giá, lương bổng, cầu tre…. Theo bà Ngọc Hải, những thế hệ tổng biên tập như Võ Như Lanh, Vũ Kim Hạnh,Thế Thanh, Lê Hoàng, Dương Trọng Dật, Nguyễn Công Khế mà bà được tiếp xúc và làm việc là những người lãnh đạo báo chí có bản lãnh, sử dụng hiệu quả vũ khí truyền thông, báo chí, trong đó có việc phản ánh và kiến giải các vấn đề kinh tế xã hội, thẩm định và phản biện chính sách. Báo chí ngoài chức năng thông tin còn thực hiện thành công những hoạt động sau mặt báo như: Hoạt động học bổng VÌ NGÀY MAI PHÁT TRIỂN, TIẾP SỨC ĐẾN TRƯỜNG của Tuổi trẻ, chương trình học bổng Nguyễn Văn Hưởng, mùa xuân biên giới của báo SGGP, Giải mai vàng của báo Lao động, Ngôi nhà mơ ước của HTV…
ông Bùi Quang Độ, Chủ tịch HĐQT trường đại học Văn Lang bày tỏ sự niềm vui được đón tiếp các nhà báo, các vị lãnh đạo có mặt tại buổi tọa đàm. Ông khẳng định vai trò của báo chí hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội và ông mong muốn truyền đạt điều này đến cho SV của trường. Khoa Quan hệ công chúng và truyền thông thành lập năm 2007 và hiện nay đang là khoa thuộc hàng “hot” với số lượng sinh viên theo học đông và ra trường hơn 90% có việc làm. Hiện trường đang mở thêm một số ngành nghệ thuật, xã hội nhân văn; trường cũng đang xây dựng cơ sở mới tại Gò Vấp với với đầu tư khoảng 2000 tỷ để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của xã hội. Ông hứa với các nhà báo: sắp tới trường sẽ tiếp tục tổ chức nhiều sự kiên văn hóa nghệ thuật, truyền thông để tập hợp trí thức,văn nghệ sĩ, Sẽ còn có nhiều cuộc tọa đàm như thế này.
Nhà báo Vũ Kim Hạnh, nguyên TBT báo Tuổi trẻ, bà cũng là người sáng lập chương trình hàng VN chất lượng cao và SGTT phát biểu mở đầu bằng câu chuyện 5G của Bí thư tỉnh ùy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, và kết luận “nếu đứng yên là chúng ta đang tụt hậu”.
Nhà báo Kim Hạnh đúc kết về những thành công và những điều chưa làm được của 30 năm đổi mới của VN, những hạn chế trong quá trình phát triển. Trong bài phát biểu, bà Kim Hạnh so sánh Việt Nam với thế giới (cụ thể là Trung Quốc), trước những năm 1980 và không có nhiều chênh lệch, Sau 1980, Trung Quốc phát triển một cách mạnh mẽ và việc học hỏi những chính sách kinh tế của họ là điều nên suy xét . Một trong những lý do là khát vọng thoát nỗi nhục đói nghèo. Nhà báo nói về khát vọng phát triển của Trung Quốc và cho rằng “Việt Nam cần 50% khát vọng đó thì chúng ta có thể phát triển rồi” nhà báo Kim Hạnh nhận định.
Ngoài ra, bà Kim Hạnh còn nêu bật 3 trụ cột chính cho sự phát triển của Việt Nam: thịnh vượng kinh tế - bền vững môi trường, công bằng và hòa nhập xã hội, năng lực giải trình và trách nhiệm của nhà nước. Bà nhấn mạnh 6 chuyển đổi căn bản, công thức RICH (mà ngân hàng thế giới đã tìm ra cho VN), những cái bẫy trong phát triển, những nghịch lý của SXKD VN đặc biệt về sản xuất nông nghiệp “không có nông sản Việt Nam mà không “giải cứu”. Bà Vũ Kim Hạnh có đề nghị rằng “báo chí luôn tư duy lại về phát triển VN và luôn bám sát thực tế VN và thế giới”.
Nhà báo Nguyễn Công Khế đưa ra những vấn đề của báo chí hiện nay như báo chí không làm đúng chức năng của mình (vấn nạn nhận tiền của báo chí, sự can thiệp của quản lý vào sự công tâm của báo chí), bất cập về sự sống còn của các tờ báo, báo chí được gọi là sống, thiết thực về nội dung và sức thuyết phục không còn bao nhiêu tờ. Ông cũng nêu ra những vấn đề truyền thông mạng xã hội không thể kiểm soát, chính sách thông tin không giúp cho báo chí con đường để phát triển, chính vì vậy làm cho sự trung thực, can đảm không còn . Theo nhà báo, không có cải cách, chúng ta sẽ không có thay đổi, với sự phát triển như hiện tại sẽ không còn có báo chí đích thực.
Nhà báo Lê Hoàng phát biểu về sự đóng góp của báo chí đối với sự phát triển bền vững, vai trò của báo chí đối với sự phát triển, đặt lợi ích cao nhất của đất nước lên hàng đầu. Theo ông, công việc chính của báo chí đó là vai trò phản biện, đặc biệt là trong phạm vi phát triển. Những chính sách mới được ban hành cần lấy ý kiến người dân hay những chính sách hiện hữu cần điều chỉnh, đổi mới thì nhờ cóđội ngũ chuyên gia, đời sống thực tiễn, báo chí có thể thực hiện được vai trò này. Vào giai đoạn 75-90 có sự thuận lợi là vì các nhà lãnh đạo có khao khát cho sự phát triển, có sự lắng nghe, có sự đồng cảm, tin tưởng báo chí; vì vậy chúng ta nhận thấy rằng phản biện của báo chí cần có sự đồng hành của lãnh đạo. Trong quá trình phát triển thì luôn có khuyết điểm, báo chí học hỏi từ những khuyết điểm để vươn lên và đóng góp cho sự phát triển đó.
Hiện nay, theo nhà báo Lê Hoàng không phải những nhà báo “sinh ra” để làm bậy, đội ngũ nhà báo “ngay ngắn trước đây” bây giờ gặp phải những khó khăn; ví dụ như báo Tuổi trẻ trước kia PV không được làm quảng cáo nhưng bây giờ họ phải làm quảng cáo, PR để an toàn hoặc vì báo chí viết về doanh nghiệp thì không được liên kết hay làm sự kiện với doanh nghiệp nhưng hiện tại thì khác. Lúc trước báo chí đồng hành cùng với sự phát triển và có thể vừa lòng của người dân, đó là thời kỳ “ý Đảng lòng Dân”, hiện tại đã thay đổi. Theo ông, báo chí hiện nay muốn đồng hành cùng với sự phát triển thì họ phải đối mặt với những khó khăn.Thứ nhất, khi người làm báo muốn đấu tranh với những điều sai trái (đất đai, chính sách) thì có sự xuất hiện, cản trở của nhóm lợi ích, nhóm này ngày càng lớn mạnh về tài chính và dần đang liên kết với những quyền lực chính trị. Thứ hai, các đồng chí lãnh đạo báo chí hiện nay, không biêt có phải vì quá bận hay không, thường ít gần gũi báo chí, thiếu sự đồng cảm và chia sẻ, động viên và không có phương thức tận dụng sức mạnh của báo chí thậm chí còn có những quy định hạn chế sự tác nghiệp của báo chí gây những bất cập đối với người làm báo.
Nhà báo Lê Hoàng nhấn mạnh để báo chí có sự đóng góp đối với sự phát triển bền vững của thành phố, lãnh đạo thành phố cần hỗ trợ, đồng cảm, chia sẻ và tin tưởng đối với báo chí như những lãnh đạo Sáu Dân, Nguyễn Văn Linh, Sáu Tường trước kia. Và đây là điều rất quan trọng.
Ông Phan Xuân Biên đồng ý với các ý kiến của Nguyễn Công Khế, Lê Hoàng. Theo ông Biên, từ xưa đến nay báo chí đều gắn chặt với sự phát triển xã hội và đời sống như việc xuất hiện máy in mực từ năm 1814, đài phát thanh vào năm 1905, đài truyền hình vào năm 1936. Nhưng ông rất tiếc vì không có lãnh đạo thành phố tham gia vào buổi tọa đàm. Ông đánh giá cao nội dung cuộc tọa đàm và đề nghị Trường Đại học Văn Lang phối hợp với Hội nhà báo Tp. HCM tổ chức một diễn đàn diễn đàn sâu hơn về vấn đề này. Ông Phan Xuân Biên đồng ý rằng nếu báo chí không được sự đồng cảm của lãnh đạo thì hiệu quả không cao. Ông nhấn mạnh báo chí hay tuyên giáo thì phải phát triển cái mới, ủng hộ cái mới, làm cho cái mới từ nhỏ từ đầu thành xu hướng phổ biến
Ông Phan Xuân Biên đề nghị "Báo chí phải làm đúng chức năng của mình là thông tin, là tiếng nói của Đảng, của các tổ chức chính trị xã hội đồng thời là diễn đàn của nhân dân. Nghĩa là chúng ta phải làm hai nhiệm vụ một là tuyên truyền những chủ trương chính sách vào xã hội để trở thành lực lượng vật chất, nhưng quan trong hơn đó là chúng ta phải đưa thực tiễn vào nghị quyết, nghĩa là chúng ta phải phản ảnh được đời sống của xã hội, của nhân dân vào nghị quyết , vào chính sách chứ không phải làm chính sách từ phòng lạnh".
Ông Phan Xuân Biên mong rằng báo chí sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của thành phố.
Nhà báo Phạm Trường đồng ý với các ý kiến của các nhà báo, Theo ông cho rằng "báo Đảng là thiên về chính trị và có vẻ người dân không quan tâm là thiên kiến. Thực ra, báo Đảng cũng có vai trò rất quan trọng vì nó làm cho ý Đảng với lòng dân gặp nhau, thực chất ý Đảng sinh ra từ lòng dân". Theo ông, báo chí có một vai trò đó là làm sao để ý Đảng và lòng dân là một. Báo chí cần thực hiện tốt các vai trò của mình trong nhiều mặt, quan trong nhất là báo chí cần phải nâng cao ý thức của xã hội của người dân, của lãnh đạo; nâng cao được nhận thức thì báo chí mới thúc đẩy xã hội phát triển được.
Có quan điểm cho rằng, báo chí phải thể hiện được hiện thực xã hội, nhưng nếu chỉ thể hiện mà quên mất vai trò nâng cao nhận thức xã hội thì báo chí sẽ đi theo xu hướng tự nhiên chủ nghĩa và dẫn đến báo lá cải càng nhiều hơn.Chính vì vậy mà báo chí cần phải hướng đến việc nâng cao nhận thức xã hội, khi đó báo chí mới phát huy được khả năng phản biện; làm cho lãnh đạo và báo chí có cùng một nhận thức, có một sự đồng điệu. "Chỉ khi báo chí, người dân, lãnh đạo có sự đồng điệu thì chúng ta mới làm xã hội phát triển được, khi đó chủ trương chính sách của nhà nước mới thể hiện được cuộc sống, đưa hơi thở cuộc sống vào trong nghị quyết và từ đó báo chí tiếp tục thể hiện vai trò soi rọi cuộc sống và đối chiếu ý Đảng và lòng dân để đưa hai vấn đề này luôn đồng điệu trong sự phát triển", nhà báo nhận định.
Nhà báo Phạm Trường có nêu về các chương trình đột phá được nói đến trong Đại hội 10 của Đảng bộ TP nhằm thúc đẩy và xây dựng Tp. HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, hội nhập. Hiện tại các giải pháp cho những chương trình này đang còn gặp khó khăn. Báo SGGP luôn bám sát vào các nghị quyết của TP và soi rọi các nhiệm vụ vào trong thực tế và thực hiện các tin bài để phản ánh những bất cập và những nút thắt mà trong quá trình thực hiện nghị quyết và từ đó thông qua các ý kiến của chuyên gia, các giới và người dân để đưa nghị quyết vào cuộc sống, tìm ra những hướng ra, thúc đẩy việc thực hiện các nghị quyết được nhanh và hiệu quả hơn.
Nhà báo nhấn mạnh báo chí trong giai đoạn hiện nay gặp nhiều khó khăn, như báo in đi xuống do xu thế phát triển của báo chí nói chung và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ; đặt ra một vấn đề về phương thức tiếp cận thông tin, tiếp cận bạn đọc để nhiệm vụ góp phần vào xây dựng thành phố cũng như là đất nước mới được phát huy và nâng cao.
Nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long phát biểu về báo lá cải, theo bà đây là một xu hướng thị hiếu của bạn đọc hiện nay. Theo nhà báo đó là một phần của thực tế mà nhiều báo chí đúng đắn cũng phải thông tin để tồn tại. Tuy nhiên, Báo chí nên có trách nhiệm và biết kiềm chế hơn khi đưa thông tin này, đồng thời cần có những thông tin tốt, trong sạch hơn.
Theo nhà báo, một rào cản với baó chí hiện nay là lợi ích nhóm. Theo bà một trong những nguyên nhân gây ra lợi ích nhóm là do cơ chế như chính sách về đất đai, “đất đai là sở hữu của toàn dân, không có dân nào sở hữu hết mà nhà nước quản lý nghĩa là ông ấp ông xã cũng là nhà nước cho nên ông có quyền lấy đất của bất kỳ ai. Tất cả những khiếu kiện của dân, cả nước khiếu kiện là xuất phát từ cơ chế quản lý này và nếu còn nó thì sẽ vẫn còn vòi bạch tuộc của nhóm lợi ích”, nhà báo nhận định.
Nhà báo trăn trở về về vấn đề của văn học nghệ thuật hiện nay, đặc biệt là nền điện ảnh; Điện ảnh Việt Nam hiện đang bị chi phối các nhà kinh doanh điện ảnh nước ngoài. Rạp chiếu phim gần như là độc quyền các ông chủ Hàn Quốc, các rạp nhà nước thì đóng cửa; doanh thu các phim cao nhưng đối tượng thụ hưởng là nước ngoài. Chất lượng nội dung phịm đa phần là chạy theo thị hiếu mì ăn liền vì tư nhân đầu tư. Phim Việt mặc dù muốn đi ra thế giới nhưng không cạnh tranh được với nước ngoài. Trường hợp tác với nước ngoài thì làm theo ý muốn của nhà làm phim ngoại. Thậm chí chấp nhận cả sự phí báng tinh thần dân tộc như trong phim “Người cộng sự” viết về Phan Bội Châu (phim hợp tác với Nhật Bản) đã đánh mất hình ảnh và vị thế của một nhà cách mạng được mọi người kính yêu nhưng không có tờ báo nào phản ứng, và được liên hoan phim trao giải Vàng…
Nhà báo Tô Đình Tuân nhận định rằng trong 10 năm gần đây báo chí Việt Nam, báo chí Tp. HCM có sự chuyển mình mạnh mẽ tích cực lẫn chưa tích cực. Về phần tích cực, báo chí đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế, chính trị của đất nước, thành phố thể hiện qua các nghị quyết và chỉ thị. “Báo chí có vai trò rất quan trọng trong xã hội, là tiếng nói phản biện, điểm tựa cho những người yếu thế, một chỗ để soi rọi đối với người lãnh đạo, nếu lãnh đạo có góc nhìn, có tầm, đương nhiên vì nó rất quan trọng nên rất dễ bị lạm dụng và trở thành một thế lực, công cụ của những người có quyền lực, có lợi ích nhóm… bất cứ một đất nước nào, một xã hội nào có báo chí, có phát triển thì có những chuyện đó sẽ xảy ra”, nhà báo chia sẻ.
Với vấn đề báo lá cải, theo nhà báo không phải là lá cải mà phải gọi đúng tên là “LÁ NGÓN”, trong 10 năm gần đây loại hình truyền thông này tiêu diệt thế hệ tương lai từ từ bằng những bài viết độc địa và tự nhiên chủ nghĩa. Đó là những trang tin tổng hợp, được cấp phép “vội vã”, thiếu trách nhiệm, thiếu quản lý và nếu có bị kiểm tra thì họ vẫn có cách để thoát.
Do vậy, báo chí cần phải thay đổi để thích nghi nhưng thay đổi trong giới hạn cho phép. Báo chí hiện nay đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt về thông tin, vấn đề tồn tại để giữ tiếng nói của mình. Nhà báo cũng nêu lên 5 nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện tại: Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2007-2008; Sự phát triển của công nghệ số, Báo mạng, mạng xã hội; Sự quản lý lơi lỏng của cơ quan quản lỳ; Sức ép cạnh tranh do có quá nhiều cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình; Sự suy thoái đạo đức và tinh thần của một số người làm báo.
Đối với xu hướng sắp tới, nhà báo có 5 nhận định như sau: Tiếp tục diễn biến phức tạp về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới sẽ tác động vào báo chí thế giới và việt nam; công nghệ phát triển mạnh mẽ và báo giấy tiếp tục bị ảnh hưởng; viết báo phổ thông phát triển gây ra sự phức tạp trong kiểm soát và chọn lọc thông tin; xu hướng viết “đánh đấm, bôi nhọ nhau” ngày càng phát triển.
Và nhà báo đề xuất 5 giải pháp: công tác quản lý cần chấn chỉnh (chủ trương quy hoạch báo chí) và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm trong hoạt động truyền thông, báo chí; cơ quan báo chí nên tăng cường quản lý PV nhằm tránh tình trạng vụ lợi cá nhân;tăng cường trách nhiệm của tổ chức, hội nghề nghiệp (hội nhà báo); tiếp tục rèn luyện và giáo dục đạo dức cho nhà báo; tăng cường dân trí – người tiếp nhận thông tin thông minh thì chúng ta sẽ có một nền báo chí lành mạnh và giải pháp đồng bộ.
Nhà báo Khắc Văn đưa ra nhận định về vấn đề báo chí góp phần xây dựng và phát triển thành phố, theo ông báo chí là tuyên truyền thông tin, giám sát và phản biện vào 7 chương trình đột phá của thành phố: phát triển nguồn nhân lực, chống kẹt xe, chống ngập, giảm tai nạn giao thông, tăng trưởng kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Báo chí hiện nay gặp nhiều khó khăn và phải đối mặt với nhiều thách thức, do đó báo chí cần phải tăng khả năng phân tích, bình luận, lý giải vấn đề; người làm báo cần tăng khả năng giám sát và phản biện xã hội và khả năng hòa nhập của báo chí trong thời đại truyền thông số. Theo nhà báo, năng lực cần thiết của người làm báo trong thời đại truyền thông số đó là khả năng kết nối xã hội, liên kết, huy động các nguồn lực trong xã hội để thực hiện công tác báo chí, truyền thông. “Việc đào tạo, huấn luyện người làm báo để thay đổi cách làm báo đang là vấn đề cấp thiết cần được quan tâm cho mỗi cơ quan báo chí và cho thành phố chúng ta”, nhà báo nhấn mạnh.
Nhà báo Vu Gia chia sẻ về vấn đề phản biện xã hội, theo ông muốn phản biện thì lãnh đạo cũng phải “bật đèn xanh” thì báo chí mới có thể tiếp cận sự thật.
Nhà báo Hồng Quân quan tâm đến vấn đề phát huy tính sáng tạo của báo chí trong công cuộc đổi mới đất nước. “Báo chí là một lĩnh vực hoạt động sáng tạo của xã hội, sự ra đời của báo chí kể từ những bản tin sớm nhất của Châu Âu đáp ứng đòi hỏi phát triển của xã hộivà nó chính là kết quả sáng tạo của con người. Mấy trăm năm phát triển của báo chí ghi lại những nấc thang sáng tạo không ngừng của loại hình hoạt động này, nhất là khi thế giới bước sang thời đại thông tin, bùng nổ thông tin, các phương thức sáng tạo trong loại hình hoạt động báo chí từ nội dung, thông tin, các hình thức thông tin, các phương thức thông tin, truyền thông”
Theo nhà báo, những yếu tố ảnh hưởng đến sự sáng tạo của báo chí: cuộc cách mạng xã hội (thông tin mở, dân trí nâng cao, sự tham gia của nhân dân vào việc giải quyết các vấn đề xã hội); đường lối thông tin phản ánh đường lối chính trị; sự điều hành của các cơ quan báo chí; sự năng động của đội ngũ phóng viên (hoạt động sáng tạo của phóng viên, tác phẩm báo chí); phương thức thể hiện. “Tính sáng tạo của báo chí gắn liền theo tỉ lệ thuận với năng lực và bản lĩnh sáng tạo của phóng viên”, nhà báo chia sẻ. Người làm báo cần say mê nghề nghiệp, lý tưởng chính trị chân chính trong hoạt động báo chí. Người phóng viên chân chính luôn tìm kiếm sự thật, tiếp cận chân lý để nói lên chân lý dù khó khăn, gian nan. Họ luôn không ngừng vươn tới những nấc thang cao hơn của nghề nghiệp; trí tuệ, kỹ năng thể hiện trong tác phẩm báo chí.
Phóng sự đăng trên trang Truyền hình Quốc hội :
Lê Thị Quỳnh Chi (Phòng Truyền thông - Văn Lang)
Xem thêm: - - - - - - - - - - - - - - - - -
Báo chí góp phần xây dựng, phát triển TPHCM - Trang Tin Điện tử Đảng bộ Tp. HCM
Tọa đàm báo chí tại TP.HCM: Nhà báo nói thẳng, nói thật về báo chí - Thể thao Văn Hóa
Báo chí góp phần xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh - Báo Đại đoàn kết
Báo chí góp phần xây dựng và phát triển TPHCM - Báo Sài Gòn Giải phóng