TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Hội thảo khoa học Khoa Luật: Công ước Viên 1980 về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam

(P.TS&TT – Văn Lang, 25/7/2020)Ngày 15/7/2020, Khoa Luật Trường Đại học Văn Lang tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp Khoa với chủ đề “Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và một số vấn đề cần lưu ý đối với doanh nghiệp Việt Nam trong đàm phán, ký kết hợp đồng thương mại quốc tế”.

Hội thảo chuyên đề được nhóm nghiên cứu đề tài khoa học cấp Khoa về Công ước Viên 1980 (sau đây viết tắt là CISG) đề xuất thực hiện với mong muốn chia sẻ các vấn đề mà nhóm đang nghiên cứu với các giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài trường quan tâm đến lĩnh vực này.

vlu hoi thao khoa hoc khoa luat c

CISG được hình thành với mong muốn tạo ra khung hành lang pháp lý chung, áp dụng cho việc ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế vốn sôi nổi nhưng cũng vô cùng phức tạp, diễn ra giữa các thương nhân mang quốc tịch khác nhau, sinh sống và kinh doanh trên các lãnh thổ quốc gia khác nhau. Dù đã ra đời từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, trải qua 40 năm với những thay đổi không ngừng của thương mại toàn cầu, CISG vẫn thể hiện được giá trị trong việc hỗ trợ các thương nhân hòa hợp tư duy pháp lý, giảm thiểu rủi ro khi tham gia vào hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế.

Với thương nhân Việt Nam, CISG không còn quá xa lạ khi đa phần các đối tác quốc tế của họ là thành viên của CISG. Tuy nhiên, nếu trước thời điểm ngày 01/01/2017, việc lựa chọn CISG làm nguồn luật điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên trong hợp đồng hoặc dựa trên kết quả dẫn chiếu của các quy phạm xung đột, thì sau thời điểm này, khi Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 84 của Công ước, CISG sẽ được áp dụng đương nhiên đối với các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được ký kết giữa thương nhân Việt Nam với các thương nhân có trụ sở thương mại tại các quốc gia thành viên CISG khác (theo Điều 1.1.a CISG), trừ trường hợp các bên thống nhất loại trừ việc áp dụng CISG. Sự thay đổi cơ bản này sẽ tác động đến hoạt động giao thương quốc tế của thương nhân Việt Nam, do đó, thương nhân Việt Nam cần có sự hiểu biết nhất định về CISG trước khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế để đảm bảo quyền lợi của mình trong trường hợp có rủi ro khi thực hiện hợp đồng.

05 báo cáo tham luận do các chuyên gia, giảng viên trong và ngoài trường được trình bày tại Hội thảo, bao gồm:
- GVC. Nguyễn Thị Yên – Phó trưởng bộ môn Quốc tế, Khoa Luật Trường Đại học Văn Lang, Chủ nhiệm đề tài
- ThS. Chiêm Phong Phi – Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Bình Dương. 
- ThS. Nguyễn Đào Phương Thúy – Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. 
- LS. Vũ Thị Bích Hải – Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Văn Lang, thành viên Nhóm nghiên cứu. 
- ThS. Nguyễn Ngọc Biện Thùy Hương – Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Văn Lang, thành viên Nhóm nghiên cứu.

Các tham luận được trình bày trong 02 phiên, tập trung làm rõ các vấn đề: (1) Phạm vi áp dụng của CISG, (2) Nghĩa vụ của bên mua trong việc kiểm tra và thông báo tính phù hợp của hàng hóa, (3) Hủy bỏ hợp đồng và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng và (4) Miễn trách do sự kiện bất khả kháng. Thông qua việc phân tích một số án lệ liên quan đến CISG, các nhà nghiên cứu đã rút ra một số bài học kinh nghiệm cho thương nhân Việt Nam khi tham gia vào hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế.

Về phạm vi áp dụng của CISG

Thông qua án lệ giữa người mua Serbia và người bán Thụy Sĩ đối với hợp đồng cho thuê thiết bị đóng gói sữa vào năm 2002, diễn giả đã đưa ra ba lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam về khả năng áp dụng CISG đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và hệ quả của việc chấm dứt hiệu lực hợp đồng theo CISG. Cụ thể như sau:

- Thứ nhất, CISG vẫn có thể trở thành luật điều chỉnh của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế dù hợp đồng không quy định về luật áp dụng.

Quan điểm này xuất phát từ quy định tại Điều 1.1 CISG và theo các nguyên tắc về lựa chọn pháp luật. Theo đó, CISG sẽ được áp dụng trong các trường hợp (i) khi các bên có địa điểm kinh doanh tại các quốc gia là thành viên của CISG (Điều 1.1.a CISG), (ii) khi các quy tắc của tư pháp quốc tế dẫn chiếu đến áp dụng luật của một quốc gia thành viên CISG (Điều 1.1.b CISG), (iii) khi các bên lựa chọn CISG là luật áp dụng và (iv) khi cơ quan giải quyết tranh chấp lựa chọn CISG làm luật áp dụng.

Đồng thời, các bên cũng có thể loại trừ phạm vi áp dụng của Công ước đối với hợp đồng bằng cách lựa chọn luật áp dụng là pháp luật của một quốc gia không phải thành viên của CISG hoặc pháp luật của quốc gia đã bảo lưu Điều 1.1.b CISG.

- Thứ hai, hợp đồng cho thuê có thể được xem là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế hay không?

Qua phân tích án lệ, tác giả xác định tên gọi của hợp đồng không làm thay đổi bản chất của quá trình chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa theo quy định của Điều 7.1 CISG. Việc đáp ứng các nội dung được nêu tại Điều 7.1 của CISG là cơ sở để xác định việc áp dụng Công ước cho hợp đồng cho thuê thiết bị đóng gói sữa được nêu tại án lệ.

- Thứ ba, cần nêu rõ yêu cầu bồi hoàn khi đề nghị chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Đây là lưu ý với cả bên bán lẫn bên mua, rút ra từ thực tế của án lệ, do chỉ có bên bán đưa ra yêu cầu bồi hoàn, bên mua không có yêu cầu hoặc phản tố đối với quan điểm của bên bán nên phán quyết của Trọng tài đã buộc bên mua hoàn trả lại máy móc cho bên bán mà không được bên bán hoàn lại số tiền mà bên mua đã trả để mua máy.

Nghĩa vụ của bên mua trong việc kiểm tra và thông báo tính phù hợp của hàng hóa theo CISG

Thông qua việc phân tích án lệ Chicago Prime Packers Inc. và Northam Food Trading Co. và quy định tại Điều 38 của CISG, đối chiếu với quy định liên quan của Luật Thương mại 2005, diễn giả đã rút ra một số lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam:

- Thứ nhất, với vai trò là nhà nhập khẩu hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện kiếm tra hàng hóa ngay sau khi nhận hàng hoặc trước khi hàng được giao cho bên vận chuyển để đảm bảo quyền lợi của mình. Đối với với hàng hóa dễ hư hỏng như nông sản, hàng thủy sản cần phải được lưu ý về thời hạn. Nếu bên mua không chú ý đến điều này, mọi rủi ro về hàng hóa sau thời điểm giao hàng sẽ thuộc về bên mua.

- Thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam cần yêu cầu nhà nhập khẩu nước ngoài kiểm tra hàng hóa trong thời hạn ngắn nhất để tránh những tranh chấp do hàng hóa bị biến đổi phẩm chất do kiểm tra chậm trễ.

- Thứ ba, các bên cần nêu rõ thời hạn kiểm tra phẩm chất của hàng hóa để hạn chế các tranh chấp về sau.

Hủy bỏ hợp đồng và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng

Lựa chọn phân tích án lệ SARL Ego Fruits và Sté La Verja Begasti, tác giả đưa 03 khuyến nghị mà doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cần lưu tâm:

- Thứ nhất, về cách thức xác định các vi phạm cơ bản của hợp đồng. Ở nội dung này, tác giả đi sâu phân tích các điểm tương đồng và khác biệt giữa pháp luật Việt Nam và CISG trong vấn đề loại trừ “trường hợp vi phạm hợp đồng gây thiệt hại đáng kể cho bên bị vi phạm nhưng bên bị vi phạm không tiêu liệu được hậu quả đó và người có lí trí minh mẫn cũng sẽ không tiên liệu được nếu họ cũng ở vào hoàn cảnh tương tự” ra khỏi phạm vi khái niệm “vi phạm cơ bản”.

- Thứ hai, về tính dự đoán trước được của thiệt hại đối với người mua. Theo đó, một bên khi áp dụng một hành động đối phó hay một biện pháp bảo hộ hợp lý với một sự vi phạm hợp đồng của bên kia cần phải thông báo để tránh việc bên vi phạm viện dẫn việc không thể lường trước thiệt hại để loại trừ trách nhiệm của mình.

- Thứ ba, việc bồi thường thiệt hại khi mua hàng thay thế. Căn cứ quy định tại Điều 75 CISG, bên bị vi phạm có thể tính toán nhanh chóng khoản tiền đòi bồi thường và đưa ra yêu cầu đối với bên vi phạm.

Miễn trách do sự kiện bất khả kháng

vlu hoi thao khoa hoc khoa luat ee

Ở nội dung này, các diễn giả khách mời đã tập trung phân tích khái niệm và điều kiện để áp dụng quy định về miễn trách do bất khả kháng, cũng như các hậu quả pháp lý có thể phát sinh nếu sự kiện bất khả kháng xảy ra. Cùng thông qua các tình tiết được nêu trong án lệ Macromex Srl. v. Globex International Inc., các diễn giả đề cập đến ba điều kiện cần phải có để một sự kiện được xem là bất khả kháng:

- Thứ nhất, phải tồn tại một trở ngại.

- Thứ hai, trở ngại này phải vượt khỏi tầm kiểm soát mà không thể dự liệu một cách hợp lý và thời điểm ký kết hợp đồng.

- Thứ ba, trở ngại là không thể tránh hoặc không thể vượt qua một cách hợp lý.

Tuy nhiên, để có thể chứng minh việc vi phạm hợp đồng đáp ứng đầy đủ cả ba yếu tố trên không phải là việc đơn giản đối với bên vi phạm, ngay cả trong những hoàn cảnh đặc biệt như thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19 hiện nay. Chính vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam khi giao kết hợp đồng cần phải lưu ý:

- Thứ nhất, phải thỏa thuận rõ ràng về điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng.

- Thứ hai, quy định rõ ràng về nghĩa vụ thông báo, chứng cứ để chứng minh sự kiện bất khả kháng cũng như sự ảnh hưởng của sự kiện đối với việc thực hiện hợp đồng.

- Thứ ba, cần lưu ý nguyên tắc “thiện chí” khi thực hiện hợp đồng để áp dụng mọi biện pháp cần thiết nhằm giảm tối đa thiệt hại và khắc phục hậu quả.

vlu hoi thao khoa hoc khoa luat d

Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS. TS. Bùi Anh Thủy – Trưởng Khoa Luật cho rằng CISG là một đề tài xưa nhưng không cũ. Qua việc phân tích các án lệ và các nội dung quy định của CISG, có đối chiếu, so sánh với pháp luật Việt Nam, Nhóm nghiên cứu và các nhà khoa học khách mời đã đưa ra được những lưu ý quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và lựa chọn CISG làm luật áp dụng để điều chỉnh hợp đồng. Nội dung các bài tham luận thiết thực, gắn sát với chủ đề hội thảo đưa ra. Tuy nhiên, với biến động không ngừng của hoạt động thương mại quốc tế, ngoài CISG, còn rất nhiều các quy định pháp luật quốc tế khác như UNCITRAL, PICC hay PECL mà các thương nhân cũng cần phải biết và lưu tâm; do đó, hy vọng Nhóm nghiên cứu tiếp tục tìm tòi, mở rộng đề tài trong thời gian tới.


Bài: ThS. Đoàn Kim Vân Quỳnh
Ảnh: Thùy Dương


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag