(P.TS&TT – Văn Lang, 07/05/2021) - Sinh viên đại học ai ít nhiều cũng từng cảm thấy lúng túng khi đối diện với nhiều môn học khô khan và trừu tượng như các môn đại cương hay lý thuyết chuyên ngành. Không gian giảng đường cũng có lúc làm chúng ta cảm thấy lạc lõng, chưa tìm được cảm giác thoải mái, hào hứng trong các buổi học. Vì lẽ đó, khi tiếp xúc với môn học “Tư duy phản biện” (Critical Thinking) trong chương trình học kỳ 2 năm nhất tại trường Đại học Văn Lang, chúng mình như đón nhận một luồng gió mới khơi dậy niềm hứng thú học tập, thúc đẩy tinh thần sáng tạo của sinh viên nói chung, sinh viên Khoa Xã hội và Nhân văn nói riêng.
Sau khi được tiếp xúc và tìm hiểu sâu môn học “Tư duy phản biện”, chúng mình đã “ngộ” ra bản chất của “phản biện” trong “tư duy phản biện” không hề là những cuộc tranh luận “máu lửa” như mình đã tưởng tượng. Đó là khả năng thu thập thông tin, phân tích, diễn giải và nhận định hay đánh giá một vấn đề để đưa ra kết luận đúng đắn về nó. Tư duy phản biện góp phần củng cố niềm tin của chúng ta và định hướng cho hành động để xây dựng và bảo vệ niềm tin đó. Tư duy phản biện đòi hỏi chúng ta phải vận dụng suy nghĩ độc lập (Independent Thinking) và suy nghĩ phản chiếu (Reflective Thinking).
Làm quen với tư duy phản biện, dù chỉ mới ở những bước sơ đẳng, nhưng chúng mình đã phần nào được cung cấp các phương pháp tiếp cận vấn đề trong học tập và cuộc sống một cách hiệu quả. Thông qua các tiết học tuần tự của môn “Tư duy phản biện”, chúng mình dần hình thành những kỹ năng: Hiểu sự gắn kết logic giữa các quan điểm; Nhận dạng, phát triển và đánh giá các lập luận; Giải quyết các vấn đề một cách hệ thống… Quan trọng và có tính ứng dụng hơn cả là chúng mình được rèn luyện cách phát hiện và điều chỉnh sự không nhất quán, lỗi sai phổ biến trong cách lập luận, lý lẽ hằng ngày, hay trong học tập, nghiên cứu.
Trước khi đến với “Tư duy phản biện”, chúng mình hiểu một cách mù mờ và hình dung mục tiêu môn học sẽ giúp bản thân có khả năng phát biểu hùng hồn, có sức áp đảo trong những cuộc tranh luận. Có đi sâu vào những tiết học, mới vỡ lẽ rằng không nên nhầm lẫn tư duy phản biện với việc thích tranh cãi hay chỉ trích người khác. Mặc dù các kỹ năng trong tư duy phản biện có thể được sử dụng để vạch trần những thiếu sót và lập luận sai lầm, nhưng tư duy phản biện cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp để đưa ra các ý kiến đúng đắn, tích cực và có tính xây dựng.
Giờ học “Tư duy phản biện” của chúng mình thường diễn ra vào chiều thứ Bảy hàng tuần từ ngày 06/3/2021. Đây là khoảng thời gian mà những sinh viên năm nhất đã bắt đầu mệt mỏi, uể oải và mong đợi một ngày nghỉ cuối tuần thật thư giãn. Tuy nhiên, đối với chúng mình, “Tư duy phản biện” không mang lại ấn tượng “cực hình”, bởi các bài giảng của thầy thường xuyên đi kèm với các bài tập nhóm, bài tập thực hành nhanh để sinh viên vận dụng ngay kiến thức. Điều đáng kể là sinh viên được thoải mái bàn luận, trình bày cảm nhận, suy nghĩ của mình về chủ đề, đối tượng được đưa ra, và mỗi ý kiến đóng góp đều được ghi nhận. Chúng như những viên gạch cùng lắp ghép lại tạo thành bức tường lập luận vững chắc, góp phần làm cho vấn đề sáng rõ, thật thỏa đáng.
Đối với chúng mình, “Tư duy phản biện” là một môn học bổ ích và thú vị. Nhờ đó, chúng mình rèn luyện sự tự tin trong giao tiếp, nhạy bén hơn trong cách ứng xử, thuyết phục đối phương bằng những lập luận chặt chẽ và có logic, cải thiện kỹ năng thuyết trình, suy nghĩ kỹ càng trước khi đưa ra quyết định, có góc nhìn đa chiều về mọi vấn đề trong cuộc sống. Đây đích thực là một bộ công cụ hiệu quả và có tính ứng dụng cao không chỉ trong ngành học mà còn ở nhiều lĩnh vực và cuộc sống xã hội.
Môn học “Tư duy phản biện” do ThS. Vương Hoài Lâm giảng dạy cho sinh viên năm nhất Khoa Xã hội & Nhân văn. Ở các ngành học của toàn trường, môn học Tư duy phản biện cũng được giảng dạy đồng bộ cho sinh viên năm nhất, năm hai như một tiền đề để sinh viên áp dụng tiếp cận và xử lý các vấn đề thông tin trong các môn học ngành, chuyên ngành, và áp dụng vào thực tế công việc sau này.\
Nhóm Critical+ (Kim Quyên - Ánh Vy - Ngọc Trâm - Khánh Huyền - Kim Ngọc)
Khóa 26 ngành Đông phương học