(P. TS&TT, Văn Lang - 09/4/2019)– Sáng ngày 10/4/2019, tại Phòng 11.2, Cơ sở 3 Trường Đại học Văn Lang, Hội thảo Khoa học Quốc tế chủ đề “Công nghệ sinh học ứng dụng” đã diễn ra, nằm trong chuỗi chương trình Hội thảo khoa học Quốc tế "Trường Đại học Văn Lang trong hội nhập quốc tế" (9 – 10/4/2019).
HỘI THẢO KHOA HỌC
CÔNG NGHỆ SINH HỌC ỨNG DỤNG (APPLIED BIOTECHNOLOGY)
Hội thảo khoa học quốc tế "Công nghệ Sinh học ứng dụng" có sự góp mặt của các diễn giả: PGS.TS. Ngô Thị Xuyên – Phó trưởng Khoa Môi trường và Công nghệ sinh học (chủ tọa), TS. Võ Thị Đài Trang – Viện Pasteur TP.HCM, Bà Phan Thị Mỹ Hạnh – Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Nông nghiệp Anh Đào, TS. Shirsath Dashrath (SECCO.VN) , KS.Trương Văn Thuận - Giám đốc CTy CP. Thực phẩm Mỹ Vị, ông Trần Minh Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH phân bón Trường Sơn cùng các giảng viên và sinh viên ngành Công nghệ sinh học Trường Đại học Văn Lang
Phát biểu trong phiên khai mạc, PGS.TS. Ngô Thị Xuyên – Phó trưởng Khoa Môi trường và Công nghệ sinh học gửi lời chào mừng đến quý đại biểu, quý khách mời đã tham dự Hội thảo Khoa học Quốc tế của ngành Công nghệ sinh học Trường Đại học Văn Lang. PGS.TS. Ngô Thị Xuyên khẳng định Hội thảo là cầu nối khoa học giữa giảng viên ngành Công nghệ Sinh học với các đơn vị Viện, Trường, các doanh nghiệp trong và ngoài nước; giữa thầy, cô với sinh viên và giữa các nhà khoa học với nông dân. Khoa Môi trường và Công nghệ Sinh học tổ chức hội thảo nhằm tạo dựng và phát triển môi trường trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng về hoạt động nghiên cứu ứng dụng, mở rộng quan hệ hợp tác và liên kết đào tạo với các sở, ban, ngành, danh nghiệp và nông dân.
Hội thảo khoa học "Công nghệ Sinh học ứng dụng" lần này diễn ra trong bối cảnh toàn trường tưng bừng tổ chức chuỗi sự kiện nghiên cứu khoa học quốc tế "Trường Đại học Văn Lang trong hội nhập quốc tế" (Van Lang University Goes Global) với 5 hội thảo cấp tiểu ban: Môi trường - Kỹ thuật, Kiến trúc - Quy hoạch, Công nghệ sinh học, Du lịch, Mỹ thuật ứng dụng. Cùng tinh thần đó, ngành Công nghệ Sinh học tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề Công nghệ Sinh học ứng dụng (Applied Biotechnology), xuất phát từ nhiệm vụ chuyên môn của ngành, tập trung cho 3 hướng ứng dụng chính của sinh học trong sản xuất nông nghiệp, thực phẩm và y dược.
Hội thảo đã nhận được 21 bài báo khoa học từ các nhà khoa học trong và ngoài nước, 10 poster và hơn 30 sản phẩm nghiên cứu khoa học có giá trị thực tiễn cao do giảng viên và sinh viên ngành Công nghệ Sinh học nghiên cứu sản xuất. Chương trình Hội thảo có hai phiên, với 8 tham luận từ các giảng viên ngành Công nghệ sinh học, khách mời và sinh viên.
Mở đầu Hội thảo là phần trình bày của ThS. Trần Thị Minh – Giảng viên ngành Công nghệ Sinh học Trường Đại học Văn Lang – với chủ đề: “Nghiên cứu thu nhận và đánh giá một số đặc điểm cấu trúc của màng Fibrin giàu tiểu cầu”, cung cấp những thông tin cụ thể về Fibrin (Tơ huyết) - một trong những chất quan trọng trong máu, giúp bịt kín miệng vết thương, ngăn không cho máu chảy nhiều hơn.
PGS.TS. Ngô Thị Xuyên trình bày đề tài nghiên cứu khoa học “Khảo sát tiềm năng trồng cây đậu núi Sacha inchi (Plukenetia volubilis L.) tại Việt Nam và tách chiết dầu dinh dưỡng”. Dầu Sacha inchi được ngành dược phẩm và thực phẩm rất quan tâm do hàm lượng cao các axit béo chưa bão hòa (khoảng 90% tổng lipid); dinh dưỡng tốt, chống lại bệnh tim mạch (Chirinos R; Ruiz C.; Pereira S., 2013). Đề tài khảo sát hiện trạng cây Sachi inchi tại 6 vùng trồng khác nhau, tách chiết, đánh giá và so sánh chất lượng dầu, đề xuất khả năng xây dựng vùng nguyên liệu thích hợp cho năng suất tốt và đảm bảo chất lượng.
Tham gia Hội thảo khoa học "Công nghệ Sinh học ứng dụng", Viện Pastuer Tp. HCM trình bày tham luận “Đặc điểm của vi khuẩn Não mô cầu (Neisseria meningitidis) ở Việt Nam giai đoạn 1980-2018” do ThS. Võ Thị Trang Đài trình bày. Vi khuẩn Não mô cầu là tác nhân gây viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết, viêm khớp, viêm cơ tim. Bệnh lây truyền trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp. Thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày, thông thường từ 3- 4 ngày. Đây là báo cáo về quá trình theo dõi, nghiên cứu Vi khuẩn Não mô cầu, các triệu chứng bệnh tại Việt Nam và các nước trên thế giới.
Các doanh nghiệp, công ty có liên kết hợp tác với ngành Công nghệ sinh học Trường Đại học Văn Lang cũng đến tham dự và trình bày nghiên cứu khoa học trong chương trình hội thảo. Bà Phan Thị Mỹ Hạnh - đại diện Công ty Cổ phần KHCH Nông nghiệp Anh Đào trình bày đề tài “Công nghệ sản xuất cây giống dừa sáp bằng phương pháp nuôi cấy mô” và KS. Trương Văn Thuận – Giáo đốc Công ty sữa MIVIMILK trình bày tham luận “Quy trình sản xuất sữa tươi, sữa chua Mỹ Vị từ bò sữa”. Công ty sữa MIVIMILK cũng là đối tác thân thiết, là nơi sinh viên ngành Công nghệ sinh học Trường Đại học Văn Lang tham quan và kiến tập trong những năm qua.
TS. Shirsath Dashrath (SECCO.VN) HCSP Co.,Ltd. Thủ Đức TP.HCM và TS. Vũ Thị Quyền (Trường ĐH Văn Lang) trình bày tham luận “Ứng dụng thảo mộc trong nông nghiệp Công nghệ cao”. TS. Shirsath Dashrath tham gia giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành cho sinh viên ngành Công nghệ Sinh học Trường Đại học Văn Lang trong học kì 2 của năm học này.
Đề tài “Quy trình sản xuất phân bón TSBio và ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp sạch” của Ông Trần Minh Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH phân bón Trường Sơn là hướng đi mới về công nghệ sinh học trong trồng trọt của sản phẩm phân bón TSBio, nâng tầm sản phẩm nông nghiệp Việt để xuất khẩu đến các quốc gia tiên tiến khác.
Đặc biệt, tham dự Hội thảo khoa học, bên cạnh tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu, một nhóm sinh viên ngành Công nghệ sinh học Trường Đại học Văn Lang đã tham gia thảo luận, với đề tài “Mức độ ảnh hưởng của Aflatoxin có trong một số mẫu đậu phộng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến cấu trúc gan chuột nhắt trắng dòng SWISS (MUS MUSCULUS)”. Đây cũng là đề tài báo cáo tốt nghiệp của các bạn sinh viên. Nghiên cứu cho thấy sự đầu tư cho các đề tài khoa học sinh viên và sự cổ vũ mạnh mẽ phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên của ban chủ nhiệm Khoa Môi trường và Công nghệ Sinh học Trường Đại học Văn Lang.
Kết thúc Hội thảo khoa học "Công nghệ sinh học ứng dụng", PGS.TS. Ngô Thị Xuyên - Phó Trưởng Khoa Môi trường và Công nghệ Sinh học Trường Đại học Văn Lang - gửi lời cảm ơn chân thành đến các đại biểu, khách mời, giảng viên và sinh viên đã tham dự chương trình. Công nghệ sinh học không chỉ hỗ trợ đắc lực cho nông nghiệp, mà còn góp phần quan trọng trong lĩnh vực thực phẩm, sức khỏe qua các phương pháp kỹ thuật chuyên ngành như phân tích, đánh giá chất lượng thực phẩm, bảo quản thực phẩm an toàn, thực phẩm chức năng... Những kết quả nghiên cứu được trình bày trong hội thảo đều có giá trị thực tiễn, có thể hoàn thiện hơn nữa để ứng dụng hữu hiệu trong các lĩnh vực đời sống.
Ngọc Thi
Ảnh: Tình Nguyễn