TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Tọa đàm kỷ niệm 100 năm chữ Quốc ngữ - hoạt động văn hóa đặc biệt trong học đường Văn Lang

(P. TS&TT - Văn Lang, 30/11/2019) - Sáng ngày 30/11/2019, Khoa Xã hội & Nhân văn Trường Đại học Văn Lang tổ chức Tọa đàm “Kỷ niệm 100 năm chữ Quốc ngữ” tại Hội trường N2T1, Cơ sở 3 (69/68 Đặng Thùy Trâm, P.13, Q. Bình Thạnh, Tp.HCM), với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà văn, nhà báo và hơn 300 sinh viên.

vlu xhnv quocngu aTọa đàm nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang và các chuyên gia đầu ngành đến từ các trường đại học 

Đại diện ban lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang tham dự sự kiện có ông Bùi Quang Độ – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, TS. Nguyễn Cao Trí – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Nhà báo Dương Trọng Dật - Giám đốc Viện Đào tạo Văn hóa – Nghệ thuật & Truyền thông, PGS. TS. Đặng Ngọc Lệ - Trưởng Khoa Xã hội và Nhân văn (Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ Việt Nam, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ Thành phố), TS. Hồ Quốc Hùng – Phó trưởng Khoa Xã hội và Nhân văn (Trưởng bộ môn Văn học Ứng dụng).

Trường Đại học Văn Lang vinh dự đón chào các “tiền bối” trong lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ và văn học đến tham dự chương trình:

  • GS. TS. Nguyễn Văn Hiệp – Viện trưởng Viện Ngôn ngữ, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam;
  • TS. Phạm Thị Kiều Ly – Trường ĐH Sorbonne Nouvelle, Paris;
  • PGS. TS. Hoàng Dũng – Giảng viên Trường Đại học Sư phạm;
  • PGS. TS. Đoàn Lê Giang – Chủ nhiệm khoa Việt Nam học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Tp.HCM;
  • PGS. TS. Nguyễn Thành Thi – Nguyên Chủ nhiệm Khoa Văn, Trường Đại học Sư Phạm;
  • GS. TS. Phạm Thu Hiền – Giám đốc Trung tâm Hàn học ứng dụng, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Tp.HCM;
  • PGS. TS Võ Văn Nhơn – Trưởng bộ môn Văn, Khoa Văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Tp.HCM;

Trong buổi tọa đàm, sinh viên ngành Văn học ứng dụng Trường Đại học Văn Lang đã được lắng nghe và tiếp thu nhiều kiến thức, hiểu biết về nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ.

vlu xhnv quocngu bTS. Hồ Quốc Hùng – Phó Khoa Xã hội & Nhân văn Trường Đại học Văn Lang phát biểu khai mạc chương trình.

TS. Hồ Quốc Hùng chia sẻ: “Trong tọa đàm hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ một niềm vui lớn là tôn vinh chữ Quốc ngữ tròn 100 năm tuổi – tính từ 28/12/1918, căn cứ theo đạo dụ của Vua Khải Định bãi bỏ khoa cử Nho học. Năm 1919, Khoa thi Hương cuối cùng được tổ chức và từ đó Chữ Quốc ngữ trở thành chữ viết chính của người Việt Nam. Đây là sự kiện đang được học giả trong và ngoài nước quan tâm. Nhưng vì thời gian có hạn, chúng ta dừng ở mức tọa đàm khoa học. Bởi bảo vệ chữ Quốc ngữ là chuyện của muôn người chứ không phải của riêng ai”.

vlu xhnv quocngu cTS. Nguyễn Cao Trí – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Văn Lang phát biểu: “Trong thời đại công nghệ hiện nay, việc gìn giữ chữ Quốc ngữ là một vấn đề thiết yếu của con người hiện đại. Chúng ta đã phát triển được trí tuệ nhân tạo để làm được nhiều công việc chi tiết nhất. Tuy nhiên, đối với văn học, văn hoá thì hoàn toàn khác biệt, không một trí tuệ nhân tạo nào có thể thực hiện được, đây là vốn riêng của mỗi dân tộc, mỗi đất nước và cũng chỉ có những người con của vùng đất đó mới tạo ra được”.

vlu xhnv quocngu dBa diễn giả chính chia sẻ trực tiếp trong Tọa đàm "Kỷ niệm 100 năm chữ quốc ngữ" tại Trường Đại học Văn Lang là: TS. Phạm Thị Kiều Ly – Trường ĐH Sorbonne Nouvelle, Paris; PGS. TS. Hoàng Dũng – Giảng viên Trường ĐH Sư phạm; PGS. TS. Nguyễn Thành Thi – Nguyên Chủ nhiệm Khoa Văn, Trường ĐH Sư phạm.

TS. Phạm Thị Kiều Ly đã dành nhiều thời gian và tâm huyết thực hiện nghiên cứu về lịch sử ra đời chữ Quốc ngữ Việt Nam, trải qua chặng đường dài thu thập và ghi chép tư liệu, đi đến các nước có lưu truyền chữ Quốc ngữ do các giáo sĩ Phương Tây để lại như Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, La Mã, Tây Ban Nha. Theo ghi nhận của TS. Phạm Thị Kiều Ly, công lao đầu tiên của việc ghi âm tiếng Việt bằng chữ Latin thuộc về các giáo sĩ thừa sai Dòng Tên - những người đã đến cửa Hàn của xứ Đàng Trong vào ngày 18/01/1615. TS. Kiều Ly nhấn mạnh: “Phương pháp học tiếng là ghi cái mà mình nghe thấy sang con chữ Latin, dùng ngữ pháp Latin như là mô hình tổng quát ghi được tất cả các ngôn ngữ. Cụ thể trong giai đoạn 1540 – 1973, các thừa sai Dòng Tên đã soạn được 164 cuốn từ điển, 165 cuốn ngữ pháp và 430 văn bản của 134 ngôn ngữ và 6 thổ ngữ”.

TS. Phạm Thị Kiều Ly cũng chia sẻ về quá trình phát triển của chữ Quốc ngữ trong tiến trình văn học Việt Nam: “Sau Hiệp ước Bảo hộ năm 1884 - 1885, chữ Quốc ngữ lan rộng ra Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Rất nhanh chóng, số lượng các trường dạy chữ quốc ngữ tăng lên 117 trường (1886) ở Bắc Kỳ, nhưng bước ngoặt lớn và quan trọng nhất dẫn đến sự thành công của chữ quốc ngữ ở tại Bắc Kỳ chính là phong trào của các văn đàn yêu nước vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, như phong trào Duy tân hay Đông Kinh Nghĩa Thục”.

vlu xhnv quocngu eeSinh viên ngành Văn học ứng dụng Trường Đại học Văn Lang chăm chú lắng nghe tọa đàm và ghi chép.

PGS. TS. Hoàng Dũng - chuyên gia đầu ngành về Ngôn ngữ học hiện nay tiếp nối buổi tọa đàm bằng tham luận thú vị của ông về “Những giá trị ngôn ngữ và văn hóa của hai cuốn sách Dòng Tên: Từ điển Việt Bồ La (Alexandre De Rhodes) và Sách sổ sang chép các việc (Philiphê Bỉnh)”. Hai cuốn sách chứa đựng nhiều giá trị văn hóa độc đáo, thể hiện một phần cái nhìn của người châu Âu đối với văn hóa Việt Nam: về sản vật, về phong tục, tập quán, tín ngưỡng dân gian...; một số đến nay trở thành tư liệu cho giới nghiên cứu người Việt vì đây là những ghi nhận sớm còn lưu lại.

Pho Từ điển Việt Bồ La chính là nỗ lực vượt qua khó khăn để tìm hiểu văn hóa bản xứ của người Việt Nam: Từ điển này tổng cộng có đến hơn 20 từ ngữ tục, nhiều hơn bất kỳ cuốn từ điển tiếng Việt hiện đại nào. Điểm thú vị là làm thế nào để người bản xứ không ngại ngần nói những từ tục cho một nhà truyền giáo nghe và ghi lại? PGS. TS. Hoàng Dũng từng trao đổi với các Giám mục quen biết về vấn đề nói tục và được biết rằng các giáo dân không bao giờ dám nói tục hoặc chửi thề trước mặt các Cha xứ. Vì vậy, ông đánh giá việc ghi nhận được các từ tục này quả là một “bí mật truyền giáo” của Alexandre De Rhodes.

Trong khi đó, PGS. TS. Nguyễn Thành Thi trình bày về vai trò của chữ Quốc ngữ với thành tựu văn học 1930 – 1945. Ông nêu quan điểm: “Chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá và phân kỳ lại Văn học Chữ Quốc ngữ, từ sự vận động của chính Văn học chữ Quốc ngữ, hơn là đưa vào tiêu chí tính hiện đại để xem xét”. Để làm rõ vấn đề này, PGS. TS. Nguyễn Thành Thi tham luận về 2 vấn đề chính: (1) phân kỳ và đánh giá quá trình vận động phát triển của Văn học Ngôn ngữ Việt Nam; (2) vị thế của công chúng, đặc biệt là vị thế của người đọc đối với sự phát triển của văn học.

vlu xhnv quocngu fĐến với tọa đàm, PGS.TS. Võ Văn Nhơn (Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) điểm lại một phần sự nghiệp của học giả, nhà văn hóa, nhà văn Trương Vĩnh Ký dưới góc nhìn về những đóng góp của ông cho sự phát triển của tiếng Việt. “Những công trình như phiên âm Kim Vân Kiều Truyện, Lục Vân Tiên ra quốc ngữ, soạn sách giáo khoa dạy Quốc ngữ, chép truyện dân gian Việt Nam, sáng tác, ghi chép bút ký bằng Quốc ngữ với mục đích phổ biến và lan rộng chữ Quốc ngữ cho thấy nỗ lực rất lớn của nhà trí thức Trương Vĩnh Ký trong việc sử dụng và phổ biến chữ Quốc ngữ trên nhiều phương diện, cả hàn lâm bác học và văn hóa dân gian. Những công trình này đóng góp rất nhiều trong việc bảo vệ và gìn giữ những tác phẩm văn học cổ”.

GS. TS. Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học chia sẻ thú vị về công cuộc cải cách chữ Quốc ngữ: Tôi xin thể hiện lại quan điểm chính thống của Viện Ngôn ngữ và đây là thông điệp cuối cùng cốt lõi từ chúng tôi sau khi nhìn lại lịch sử cải cách chữ quốc ngữ qua 100 năm. Về tất cả những thứ có thể hình dung như là cải cách chữ Quốc ngữ cho đến nay đều đã được các học giả trogn và ngoài nước bàn bạc rất lâu và mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Tuy nhiên, không có cải cách nào được thực hiện cả; tất cả đều thất bại thảm hại. Chữ Quốc ngữ vẫn gần như giữ nguyên 99% so với diện mạo đã được sáng lập trong từ điển của Taberd năm 1838. Có chăng chúng ta nên bàn đến chuẩn chính tả. Vì trong thời đại 4.0 hiện nay thì chính tả trở nên quan trọng, đánh dấu thanh điệu ra sao, viết hoa thế nào, phiên âm làm sao thì đây mới là thứ chúng ta nên bận tâm”.

vlu xhnv quocngu gBuổi tọa đàm diễn ra trong không khí học hỏi và tôn vinh Chữ Quốc ngữ của các nhà khoa học, trong sự nghiêm túc của sinh viên. Đây là một lời tri ân của Trường Đại học Văn Lang đến các bậc hiền nhân đã sáng tạo, cải cách chữ Quốc ngữ, cũng là một trong những hoạt động văn hóa - khoa học đáng chú ý của Trường trong những tháng cuối năm 2019.

Để kết thúc Tọa đàm tôn vinh “Kỷ niệm 100 năm chữ Quốc ngữ”, TS. Hồ Quốc Hùng - Phó Trưởng Khoa Xã hội & Nhân văn Trường Đại học Văn Lang - xúc động phát biểu: “Với tất cả những thông tin đồ sộ và quý giá được chia sẻ hôm nay, quả thật có quá nhiều vấn đề được đặt ra xoay quanh công cuộc bảo tồn và giữ gìn chữ Quốc ngữ. Tôi nghĩ chúng ta phải nhận định rõ rằng việc bảo tồn Tiếng Việt là vấn đề chung của tất cả công dân Việt chứ không riêng gì những chuyên gia Ngôn ngữ học”.

Kể từ khi Trường Đại học Văn Lang tiên phong mở ngành Văn học ứng dụng đầu tiên ở Việt Nam, tập thể giảng viên của ngành đã tích cực định hình một hướng đi riêng cho sinh viên Văn học ứng dụng Văn Lang: mở rộng đường biên của ngành Văn học truyền thống, tích hợp các khối kiến thức, kỹ năng với định hướng nghề nghiệp thực tế trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng đồng thời không quên gắn mình vào những hoạt động nghiên cứu chuyên sâu của văn học, ngôn ngữ, không tách Văn học ứng dụng khỏi nền tảng văn chương ngôn ngữ đồ sộ của dân tộc. 

Chi Nhân - Trung Nghĩa


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag