TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Sinh viên khoa Luật hào hứng tham gia tọa đàm "Một số thủ tục tố tụng trong vụ án hình sự"

(P.TS&TT - Văn Lang, 27/5/2020) Sáng ngày 26/5/2020, Khoa Luật Trường Đại học Văn Lang tổ chức thành công Tọa đàm khoa học “Một số thủ tục tố tụng trong vụ án hình sự”. Đây là một trong những sự kiện thu hút nhiều sinh viên Khoa Luật tham gia và cũng là dịp chào đón sinh viên quay trở lại Trường sau dịch Covid-19.

Trong thời gian qua, ở nước ta, quá trình các cơ quan có thẩm quyền tố tụng xử lý một số vụ án hình sự đã tạo ra nhiều tranh cãi, xuất hiện nhiều quan điểm trái ngược không chỉ giữa các chuyên gia pháp lý, luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên, mà còn có sự khác biệt về nhận định, đánh giá giữa cơ quan Tòa án và Viện kiểm sát ở cả cấp cao nhất, liên quan đến thẩm quyền, thủ tục tố tụng hoặc đánh giá chứng cứ trong luật tố tụng hình sự. Buổi tọa đàm chia sẻ về những vấn đề trong luật tố tụng hình sự: những chứng cứ chứng minh vô tội, kháng án theo thủ tục Giám đốc thẩm, Hội đồng Giám đốc thẩm,… tạo cơ hội cho sinh viên Khoa Luật tiếp cận với những hoạt động thực tiễn trong nghề luật ngay từ giảng đường đại học.

toadam khoaluat aTọa đàm khoa học "Một số thủ tục tố tụng trong vụ án hình sự” được tổ chức tại Cơ sở 3 Trường Đại học Văn Lang

Là một cơ sở giáo dục đại học đang tổ chức đào tạo hàng trăm sinh viên ngành Luật và ngành Luật Kinh tế theo định hướng ứng dụng, trước những vấn đề có tính chuyên môn đang được sự quan tâm của xã hội, Trường Đại học Văn Lang với nòng cốt là Khoa Luật đã cùng các chuyên gia, đại biểu có uy tín trong lĩnh vực pháp luật Tố tụng hình sự cùng nhau trao đổi kinh nghiệm và học thuật, tạo sự gắn kết giữa Trường Đại học Văn Lang với các Công ty luật, Văn phòng luật sư, Cơ quan Tòa án, Kiểm sát - nới sinh viên có thể kiến tập, thực tập trong tương lai.

Tham gia tọa đàm có đông đảo các nhà khoa học đang trực tiếp giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngành luật và các chuyên gia pháp lý:

  • TS. Võ Thị Kim Oanh - Nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường, nguyên Trưởng Khoa Luật Hình sự Trường ĐH Luật Tp. HCM;
  • TS. Lê Huỳnh Tấn Duy - Trưởng Bộ môn Luật Tố tụng Hình sự, Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật Tp. HCM;
  • LS. Trương Xuân Tám - Chủ nhiệm Đoàn LS Bà Rịa - Vũng Tàu, GĐ Cty Luật Tường Trương Xuân Tám;
  • LS. Lưu Văn Tám - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • LS. Đinh Văn Quế - Nguyên Chánh toà Hình sự TAND tối cao;
  • LS. Đinh Thái Hoàng - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Bảo Nguyên Minh;
  • LS. Trịnh Vĩnh Phúc – Đoàn Luật sư TP.HCM;
  • LS. Trần Hồng Phong – Đoàn Luật sư TP.HCM;
  • LS. Nguyễn Đình Hải – Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai;

toadam khoaluat bBuổi tọa đàm có sự góp mặt đông đảo các nhà khoa học đang trực tiếp giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngành luật và các chuyên gia pháp lý.

Lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang tham gia Tọa đàm gồm có KS. Bùi Quang Độ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang, TS. Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch Hội đồng Trường, PGS. TS. Nguyễn Văn Áng - Phó Hiệu trưởng, PGS.TS. Đặng Ngọc Lệ - Trưởng khoa Xã hội & Nhân văn; PGS.TS. Phạm Ngọc Doanh - Trưởng khoa Quan hệ Công chúng - Truyền thông & Nghệ thuật; TS. Ngô Minh Hùng - Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế & Nghiên cứu khoa học; ThS. Đinh Xuân Toả - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên, PGS. TS. Bùi Anh Thủy - Trưởng Khoa Luật, PGS. TS. Phan Quang Thịnh - Trưởng bộ môn Luật Hiến pháp - Hành chính, TS. Vũ Thị Thúy - Trưởng Bộ môn Luật Hình sự, ThS. GVC Nguyễn Hữu Bình - Phó trưởng Khoa Luật, ThS. GVC Nguyễn Thị Yên - Phó trưởng Bộ môn Luật quốc tế, ThS. Trần Minh Toàn - Phó trưởng Bộ môn Luật Dân sự - Thương mại, các giảng viên của Khoa Luật Trường Đại học Văn Lang và 60 sinh viên có thành tích học tập, rèn luyện nổi trội.

toadam khoaluat cThay mặt ban lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang, KS. Bùi Quang Độ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang phát biểu khai mạc, chào mừng các nhà khoa học, các đại biểu, giảng viên, sinh viên Khoa Luật tham dự tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, TS. Vũ Thị Thúy - Trưởng Bộ môn luật Hình sự thuộc Khoa Luật Trường Đại học Văn Lang đã nêu một số nội dung của pháp luật tố tụng hiện chưa đầy đủ, chưa cụ thể, thực tiễn áp dụng chưa thống nhất, gây tranh luận. vướng mắc cần tập trung thảo luận, gồm:

  • Những quy định của pháp luật tố tụng về vấn đề chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự và thực tiễn áp dụng.
  • Những quy định về kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm (căn cứ, thẩm quyền, thủ tục, thời hạn kháng nghị)
  • Những quy định của pháp luật về thành phần, thẩm quyền của hội đồng giám đốc thẩm.
  • Quy định về thủ tục xem xét lại Quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
  • Vấn đề nộp đơn lần thứ hai xin Chủ tịch nước ân giảm án tử hình.

toadam khoaluat dTS. Vũ Thị Thúy - Trưởng bộ môn Luật hình sự trình bày một số nội dung của pháp luật Tố tụng hình sự và những cách nhìn nhận vụ án trên khía cạnh đa chiều.

Chủ trì tọa đàm - PGS. TS. Bùi Anh Thủy gợi ý, ngoài những nội dung trên, đại biểu có thể phát biểu mở rộng thêm những vấn đề khác. Tuy nhiên, nội dung tọa đàm không nhằm phê phán trường hợp cụ thể nào, mà chỉ nhằm mục đích thống nhất về mặt chuyên môn, học thuật, cách hiểu trong giảng dạy, nghiên cứu và áp dụng thực tiễn. Đồng thời, kết quả tọa đàm sẽ được tập hợp thành nội dung kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Với tinh thần cầu thị, khoa học, trách nhiệm, Tọa đàm đã nhận được 15 ý kiến thảo luận của chuyên gia. Theo đó, các đại biểu đã thống nhất cao trong nhận thức về những vấn đề được nêu trong báo cáo đề dẫn.

1. Những quy định của pháp luật tố tụng về vấn đề chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự và thực tiễn áp dụng

Đại biểu đã viện dẫn và thống nhất với quy định tại Điều 86 Bộ Luật tố tụng hình sự: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.

Điều 87 Bộ Luật tố tụng hình sự đã quy định chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn: vật chứng; lời khai, lời trình bày; dữ liệu điện tử; kết luận giám định, định giá tài sản; biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; các tài liệu, đồ vật khác.

Và “Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”.

Điểm 0 Khoản 1 Điều 4 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định: “Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.”

Nếu trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử mà cơ quan tiến hành tố tụng “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” thì: Viện Kiểm sát trả hồ sơ về để CQĐT điều tra bổ sung (Điều 245 BLTTHS); Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại (Điều 358 BLTTHS); Người có thẩm quyền có quyền kháng nghị Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm (Điều 371 BLTTHS).

Đại biểu đồng thuận những quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự. Trong một vụ án hình sự, các chủ thể khác nhau sẽ có sự nhìn nhận, đánh giá về chứng cứ có sự khác nhau phục vụ cho mục đích của vai trò của chủ thể ấy trong quá trình tham gia tố tụng. Vì thế, trong thực tế, không thể tránh khỏi có sự nhận định, đánh giá trái chiều về chứng cứ. Đồng thời, trong quá trình tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng có thể có vi phạm. Tuy nhiên, quy định như thế nào là “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” thì chưa được Bộ luật Tố tụng hình sự giải thích cụ thể. Đại biểu cho rằng, nếu trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra thực hiện không đúng các quy định sau đây thì phải được coi là “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”:

  • Không thu giữ các vật chứng gây án khi khám nghiệm hiện trường (ví dụ: con dao, vỏ đạn, khẩu súng, chiếc gậy dính máu,…)
  • Không trưng cầu giám định ngay dấu máu thu được khi khám nghiệm hiện trường, đến khi giám định (hơn 4 tháng sau) thì máu bị phân hủy, không giám định được.
  • Vụ án liên quan đến hành vi giết người nhưng không trưng cầu giám định xác định thời điểm chết của nạn nhân.
  • Ghi nhận không chính xác về hung khí gây án. Ví dụ: cùng 1 chiếc chặn giấy bằng thủy tinh, nhưng biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản thu giữ vật chứng và ảnh chụp hiện trường ghi nhận 3 mã số tem khác nhau.
  • Biên bản nhận dạng không có người chứng kiến…
  • Trong quá trình khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, điều tra viên không có mặt liên tục.
  • Biên bản ghi lời khai, bản tường trình, bản tự khai, sơ đồ do nghi can, người làm chứng khai, viết, vẽ không đưa vào hồ sơ vụ án

 2. Những quy định về kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm (căn cứ, thẩm quyền, thủ tục, thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm)

Đại biểu cho rằng những quy định về căn cứ, thẩm quyền, thủ tục, thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đã được quy định tại các Điều 373, 374 Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên thực tiễn áp dụng đặt ra trường hợp: nếu bản án tử hình đã bị Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC quyết định không kháng nghị theo thủ tục GĐT hoặc tái thẩm và Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân giảm án tử hình thì Viện trưởng VKSNDTC sau đó có tiếp tục được kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm nữa không?

Về vấn đề này, Đại biểu cho rằng, Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định: nếu kháng nghị theo hướng bất lợi cho bị án thì thời hạn là 01 (một) năm; nếu kháng nghị theo hướng có lợi cho bị án thì không có thời hạn. Trường hợp trong một vụ án cụ thể, trước đó người có quyền kháng nghị đã không kháng nghị nhưng sau đó lại kháng nghị là một điều bình thường. Bởi lẽ, nhận thức là một quá trình, khi nào có nhận thức đúng, người ta có thể khắc phục những hạn chế trước đó của mình.

3. Quy định về thành phần, thẩm quyền… của hội đồng giám đốc thẩm

Thực tiễn áp dụng pháp luật tố tụng hình sự làm xuất hiện vấn đề: Nếu một người đã có quyết định không kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, sau đó lại tham gia Hội đồng Giám đốc thẩm chính vụ án đó thì có vi phạm pháp luật không? Có đảm bảo tính khách quan, công bằng không?

Vấn đề này, Đại biểu thống nhất rằng pháp luật tố tụng hình sự đã có quy định về việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại các điều 49 và 53 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Những quy định này không cấm trường hợp một người đã có quyết định không kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, sau đó lại tham gia Hội đồng Giám đốc thẩm chính vụ án đó. Do đó, trường hợp này không vi phạm pháp luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, nếu để trường hợp này xảy ra, dễ làm cho dư luận xã hội, bị án và những người tham gia tố tụng cảm thấy thiếu thuyết phục. Bởi lẽ, rất khó để một người có thể thay đổi quan điểm, thay đổi quyết định của mình trong trường hợp này, cho dù có thể quyết định ấy chưa đúng.

4. Quy định về thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Vấn đề này được quy định từ Điều 404 đến Điều 412 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Các Đại biểu cho rằng Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về vấn đề này là một bước tiến trong lịch sử lập pháp. Tại những điều này đã quy định về căn cứ yêu cầu, thẩm quyền, thành phần xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Tuy nhiên các Đại biểu e ngại rằng nếu chính các thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, sau đó lại tham gia phiên họp xem xét lại quyết định giám đốc thẩm đó thì không đảm bảo tính khách quan và công bằng.

Mặt khác, các Đại biểu cũng cho rằng nếu chỉ là một hội nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán thì chưa thật đảm bảo tính tôn nghiêm, uy quyền của việc xem xét này. Vì vậy, nên chăng có một Tòa án đặc biệt để giải quyết?

5. Vấn đề nộp đơn xin ân giảm lần thứ 2

Thực tiễn áp dụng pháp luật đặt ra tình huống: nếu Chánh án TANDTC hoặc Viện trưởng VKSNDTC đã ra quyết định không kháng nghị Giám đốc thẩm và Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân giảm án tử hình; sau đó bản án bị kháng nghị và bị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm; quyết định giám đốc thẩm tuyên không chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm thì người bị kết án có được quyền tiếp tục nộp đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước lần thứ 2 không?

Về vấn đề này, Đại biểu cho rằng Điểm đ khoản 1 Điều 367 Bô luật Tố tụng hình sự: Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành đã quy định:“Trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm Tòa án nhân dân tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình thì Tòa án nhân dân tối cao phải thông báo ngay cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm hình phạt tử hình”.

Quy định này đã không nói rõ trước đó bị án đã bị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hay chưa, do đó Đại biểu cho rằng người bị kết án vẫn có quyền nộp đơn xin ân giảm lần thứ 2.

Ngoài những vấn đề nêu trên, các Đại biểu cũng nêu thêm một số vấn đề như: cần trao cho luật sư thẩm quyền bắt buộc tham gia phiên giám đốc thẩm. Hoặc vấn đề nên quy định rõ về việc tại phiên giám đốc thẩm vụ án hình sự, có cần phải đánh giá tính phù hợp pháp luật của kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao hay không? Cơ quan nào có thẩm quyền kết luận kháng nghị ấy đúng hay không đúng pháp luật?

toadam khoaluat eeKết thúc phiên thảo luận, PGS.TS. LS. Bùi Anh Thủy – chủ trì buổi tọa đàm ghi nhận những ý kiến thảo luận của các đại biểu là rất hữu ích. Khoa Luật Trường Đại học Văn Lang sẽ chọn lọc các ý kiến đề xuất sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự, gửi đến cơ quan có thẩm quyền của Quốc hội với mong muốn đóng góp hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

TS. Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng Trường biểu dương những cố gắng của Khoa Luật trong việc tổ chức tọa đàm, đánh giá cao việc các nhà khoa học, các chuyên gia, những người hoạt động thực tiễn tham gia buổi Tọa đàm đã tìm ra tiếng nói chung, đóng góp vào việc kiến nghị những nội dung hoàn thiện pháp luật Tố tụng hình sự Việt Nam, đồng thời, gửi lời cảm ơn chân thành đến các chuyên gia, luật sư nổi tiếng đã dành thời gian tham dự cùng sinh viên khoa Luật chia sẻ những vấn đề phù hợp với sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu của Trường Đại học Văn Lang. TS. Nguyễn Cao Trí mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học đối với Trường Đại học Văn Lang nhiều hơn nữa, hướng đến mục tiêu hợp tác cùng phát triển.

toadam khoaluat fTS. Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn Lang phát biểu bế mạc tọa đàm.

Buổi tọa đàm tại Trường Đại học Văn Lang là dịp để các đại biểu trao đổi, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về luật tố tụng hình sự; từ đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo sự thống nhất chung về quan điểm áp dụng pháp luật giữa các cơ quan tư pháp trong giải quyết án hình sự. Kết thúc buổi tọa đàm, PGS. TS. Bùi Anh Thủy tổng lược nội dung chính của tọa đàm và gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia, luật sư và giảng viên đã đến tham dự, chia sẻ, góp phần tạo môi trường trao đổi, học tập và trau dồi kỹ năng về tranh tụng của những luật sư tương lai.

Xem thêm bài tường thuật trên báo Thanh niên: Đề xuất thành lập phiên tòa lâm thời xem xét lại quyết định Giám đốc thẩm

 

PGS. TS. Phan Quang Thịnh
Ảnh: Tình Nguyễn

 


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag